Thứ Hai, 18/07/2011 17:13

Quản chặt nguồn ngoại tệ từ giao dịch vốn

Không bán, cho vay ngoại tệ với hoạt động đầu tư ra nước ngoài; quản chặt việc doanh nghiệp (DN) vay, trả nợ nước ngoài; xem lại quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức, cá nhân… là những nội dung đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối.

Báo Đầu tư giới thiệu bài viết của ông PHÍ ĐĂNG MINH, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) về vấn đề này.

Hạn chế vay vốn nước ngoài tràn lan

Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, các quy định về giao dịch vốn trong Pháp lệnh Ngoại hối được điều chỉnh theo hướng nới lỏng và dần dần tự do, các doanh nghiệp và cá nhân cũng dễ dàng tiếp cận vay vốn nước ngoài. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, hậu quả mang lại sẽ rất lớn.

Dòng vốn ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam trong năm 2007 và chững lại từ đầu năm 2008 đến nay cho thấy, việc nới lỏng quản lý thị trường tài chính, nhất là nới lỏng quản lý các giao dịch vốn có tác động rất lớn đến sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và sự an toàn của thị trường tiền tệ. Dòng vốn ngoại vào nhiều sẽ ảnh hưởng tới khối lượng tiền cung ứng, gây sức ép lên lạm phát và tỷ giá. Còn nếu dòng vốn này vào ít, hoặc đảo chiều, trong khi thâm hụt thương mại lớn, sẽ gây mất cân đối cung - cầu ngoại tệ, làm cho VND mất giá và ảnh hưởng tới nguồn dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh đó, việc quản lý chưa thực sự chặt chẽ vốn ngắn hạn nước ngoài của các DN, tổ chức tín dụng cũng có thể khiến một dòng vốn nóng, ngắn hạn từ nước ngoài âm thầm chuyển về Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất.

Theo tôi, để chấn chỉnh tình trạng trên, Pháp lệnh Ngoại hối cần sửa theo hướng tăng thêm các điều kiện chặt chẽ hơn về vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài cũng cần được quản chặt, không nên khuyến khích cá nhân vay vốn nước ngoài, hạn chế việc vay vốn tràn lan, sử dụng vốn thiếu hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chỉ nên tự do hóa thị trường tài chính đối ngoại nói chung và tự do hóa các giao dịch vốn nói riêng khi thị trường trong nước có đủ ba điều kiện: có nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững; có thị trường tài chính, tiền tệ phát triển ổn định; có quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo.

Thời gian qua, chúng ta đã nới lỏng quản lý các giao dịch vốn khi chưa có đủ điều kiện cần thiết, cộng thêm các yếu tố biến động trên thị trường quốc tế, khiến hệ thống ngân hàng bất ổn, dễ bị tổn thương.

Không bán, cho vay ngoại tệ để đầu tư ra nước ngoài

Cho phép một số doanh nghiệp đủ điều kiện được đầu tư ra nước ngoài là một chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện cán cân thanh toán nước ta thường xuyên bị thâm hụt, nguồn cung về ngoại tệ chưa được đảm bảo, nếu khuyến khích việc chuyển vốn ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài, càng làm cho cung - cầu về ngoại tệ mất cân đối. Chưa kể, rủi ro kinh tế khi đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp rất lớn.

Vì vậy, Pháp lệnh Ngoại hối cần quản lý chặt chẽ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, quy định các ngân hàng không được bán ngoại tệ, hoặc cho vay ngoại tệ để đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng thêm các quy định chặt chẽ  về chuyển vốn ra nước ngoài và chuyển vốn, lợi nhuận về nước.

Siết quy định cho vay, thu hồi nợ nước ngoài

Nhà nước đang có chủ trương thu hẹp dần việc huy động, cho vay ngoại tệ để chuyển sang cơ chế mua, bán ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng, do đó Pháp lệnh Ngoại hối cũng cần xem lại các quy định về cho vay thu hồi nợ nước ngoài.

Cụ thể, Điều 19, Pháp lệnh Ngoại hối nên loại bỏ việc các tổ chức kinh tế được cho vay, thu hồi nợ nước ngoài. Các tổ chức tín dụng muốn thực hiện việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài cũng cần có đủ các điều kiện ràng buộc hơn (các tổ chức tín dụng phải có quy trình tín dụng chặt chẽ, có cán bộ tín dụng chuyên nghiệp, đảm bảo khả năng quản trị, phòng ngừa rủi ro đối với khoản cho vay).

Giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ

Thực tế cho thấy, tổ chức kinh tế và người dân có ngoại tệ thường nắm giữ, hoặc gửi ngân hàng, không muốn bán cho ngân hàng. Điều này dẫn đến tình trạng ngân hàng thừa ngoại tệ để cho vay, nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho khách hàng có nhu cầu.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là do các quy định về quản lý ngoại hối hiện nay thừa nhận quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức kinh tế và người dân. Các tổ chức tín dụng có mua được ngoại tệ hay không phụ thuộc vào tổ chức kinh tế và cá nhân có quyết định bán ngoại tệ hay không. Đây cũng là lý do tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân luôn ở mức cao (năm 2010, tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức kinh tế là 10,78 tỷ USD, tiền gửi ngoại tệ của dân cư là 10,64 tỷ USD).

Trong khi quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng bị hạn chế, thì quyền mua ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân lại rất rộng. Theo Pháp lệnh Ngoại hối, khi các tổ chức kinh tế và cá nhân có nhu cầu hợp lý về ngoại tệ đều được mua tại các tổ chức tín dụng được phép.

Để giải quyết vấn đề mất cân đối về cung - cầu ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá, Pháp lệnh Ngoại hối cần sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu ngoại tệ của các tổ chức tín dụng theo hướng: các tổ chức kinh tế, nhất là các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước có nguồn thu ngoại tệ phải bán cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng có trách nhiệm đảm bảo cung ứng ngoại tệ đầy đủ cho các đối tượng này khi có nhu cầu hợp lý.

Phí Đăng Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Lợi nhuận ngân hàng: Đừng thấy đỏ tưởng chín (18/07/2011)

>   Dư chấn rút tín dụng phi sản xuất: Bí ẩn và bất thường (18/07/2011)

>   Ts Nguyễn Minh Phong: Quản lý ngân hàng còn nhiều điểm hở (18/07/2011)

>   Lãi suất ngân hàng vượt trần tràn lan (18/07/2011)

>   Ngân hàng bất an với cặp “phanh” tín dụng (18/07/2011)

>   “Khó giảm được lãi suất lúc này!” (18/07/2011)

>   "Sóng ngầm" trên thị trường huy động ngoại tệ (17/07/2011)

>   Làm thế nào để giảm lãi suất? (17/07/2011)

>   Doanh nghiệp đổ xô vay USD (16/07/2011)

>   Áp dụng quản lý tài chính bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ 22/08 (15/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật