Dư chấn rút tín dụng phi sản xuất: Bí ẩn và bất thường
Hạn rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất đợt 1 đối với các tổ chức tín dụng đã qua, nhưng dư chấn của sự kiện vẫn còn sâu sắc. Bí ẩn và bất thường là những suy đoán đặt ra, khi thông tin còn lơ lửng…
* Ngân hàng bất an với cặp “phanh” tín dụng
Nếu như năm 2010, thông tư 13/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động các tổ chức tín dụng là tâm điểm chú ý của dư luận, thì năm nay, Chỉ thị số 01 cũng của cơ quan này với các hạn định giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất là một “điểm nóng” âm ỉ trên thị trường.
Con số 9 bí ẩn
Theo chỉ thị số 01, đến 30.6.2011, các tổ chức tín dụng phải rút tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống dưới 22% tổng dư nợ. Sau những đồn đoán, ngày 13.7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng đã hé mở thông tin: đến hạn trên vẫn còn 9 tổ chức tín dụng có dư nợ phi sản xuất trên mốc 22% đó.
Thông tin đến thời điểm này chỉ có vậy, bên cạnh sự khẳng định sẽ vẫn “y án” đối với 9 trường hợp đó bằng việc phạt hạn chế mở rộng kinh doanh, và đặc biệt là tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Không khó để thấy, sau thông tin đưa ra từ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, cư dân mạng lại bức xúc với những chủ đề bình luận quanh “con số 9 bí ẩn”. Tựu chung, sự lửng lơ của thông tin và hệ lụy của nó.
Phản ứng đầu tiên của giới đầu tư là câu hỏi: đó là những ngân hàng nào? Một câu hỏi quan trọng, bởi phía sau đó là tác động đối với trạng thái thanh khoản của hệ thống, khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bị tăng gấp đôi. Giả sử, trong 9 thành viên này có cả ngân hàng quốc doanh lớn, hay có vài ngân hàng cổ phần quy mô hàng đầu, tổng số tiền bị rút khỏi thị trường theo “án phạt” đó là đáng kể.
Lúc này, thông tin chưa rõ ràng, không thể lượng định ảnh hưởng đó để có thể ứng xử hợp lý.
Với riêng mỗi thành viên, đó là một án phạt nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản cục bộ, đến cả cơ chế lãi suất, chính sách tín dụng và cả hình ảnh trên thị trường… Có lẽ vì lý do này mà tên tuổi của các thành viên đến lúc này vẫn là bí ẩn, hoặc Ngân hàng Nhà nước sẽ không công bố.
Ở tính cục bộ này, lo ngại có ở giới đầu tư, khi trên thị trường chứng khoán đã có tới 7 ngân hàng niêm yết, chưa kể các giao dịch của nhiều ngân hàng khác vẫn diễn ra trên thị trường OTC. Nếu nằm trong “con số 9 bí ẩn” đó, giá cổ phiếu của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với nhà đầu tư có thể gặp rủi ro. Bởi lẽ, “án phạt” đó sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động và kết quả kinh doanh - một tiêu chí cơ bản khi xem xét đầu tư. Trong khi đó, trong công chúng đầu tư, số người thạo tin để có thể tránh né rủi ro là không nhiều.
Lúc này, mọi con mắt vẫn tiếp tục hướng về Ngân hàng Nhà nước. Liệu tên tuổi 9 ngân hàng đó có được công bố cụ thể không, hay sẽ có chuyện khôi hài là các ngân hàng ngoài danh sách phải treo biển “không phải tôi” để tránh khả năng bị dị nghi từ thị trường? Chuyện đó là có thể, bởi phía sau thông tin là tài sản và uy tín!
Bất thường… hợp lý
Liên quan đến những hoài nghi về các thành viên trong “con số 9 bí ẩn”, một số thông tin bắt đầu kết nối các hiện tượng để có thể định hình một đáp án. Đó là hiện tượng một số ngân hàng thương mại bắt đầu ngừng cho vay tín dụng tiêu dùng.
Bất thường có ở đây. Một giám đốc chi nhánh ngân hàng bực mình khi ông bị “hỏi thăm” qua hiện tượng trên: “Ngân hàng mà không cho vay thì còn kinh doanh cái gì! Chúng tôi không có cái bất thường đó, ai đủ điều kiện thì vẫn cho vay như bình thường”.
Bất thường nữa có ở một tính toán thông thường trong kinh doanh. Năm nay, tăng trưởng tín dụng của mỗi thành viên bị chốt dưới 20%. Những năm gần đây, con số đó có từ 30%, 40% thậm chí có năm đến gần cả 50%! Van cho vay ra phải siết lại, lợi nhuận đương nhiên bị ảnh hưởng khi mà nguồn thu của hầu hết các nhà băng vẫn dựa tới 80% - 90% từ tín dụng. Và để bù đắp, thông thường các ngân hàng sẽ đẩy mạnh hơn những mảng cho lợi nhuận cao. Tín dụng tiêu dùng vốn là một mảng như vậy, với lãi suất thường cao hơn từ 2% - 5% so với cho vay lĩnh vực khác.
Thế nhưng, hiện bên cạnh hiện tượng ngừng cho vay nói trên, nhiều nhà băng cũng phải giải ngân nhỏ giọt. Sau hạn 30/6 với mốc 22%, phía trước còn là điểm hẹn tiếp tục rút tỷ trọng tín dụng phí sản xuất xuống 16% vào 31.12.2011 theo chỉ thị số 01. Ở đây, những bất thường đó trở nên hợp lý.
Trong quá khứ, số phận của tín dụng tiêu dùng cũng đã từng bị gạt bỏ như vậy vì chính sách, đến mức đại diện chuyên trách trong hội nghị nhóm các nhà tài trợ (CG) năm 2008 đã phải lên tiếng cảnh báo về khả năng thui chột của mảng nghiệp vụ này trong hệ thống ngân hàng Việt Nam…
Trịnh Văn
sài gòn tiếp thị
|