Nhìn lại một năm đầy giông bão của chứng khoán Mỹ
(Vietstock) - Một năm qua là chặng đường khá gập ghềnh của chứng khoán Mỹ với việc chỉ số đo lường trạng thái biến động Wall Street VIX dao động khá mạnh do mối lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, đà leo thang của giá dầu, và Nhật Bản.
|
Tương quan giữa chỉ số S&P 500 và VIX trong một năm qua |
Tháng 6/2010: Nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và sự giảm tốc của nền kinh tế đã đẩy đồng EUR xuống mức thấp 4 năm vào ngày 07/06. Chỉ số VIX đứng trên ngưỡng lo sợ trong nửa tháng. Chứng khoán Mỹ khép lại quý 2 với mức sụt giảm 10-12%.
Tháng 7/2010: Bản báo cáo việc làm ảm đạm hơn so với dự báo đã tác động xấu đến thị trường ngay từ đầu tháng. Tổng thống Barack Obama ký dự luật cải cách Wall Street thành luật. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cho rằng nền kinh tế cực kỳ bất ổn. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp khả quan đã giúp thị trường phục hồi vào cuối tháng.
Tháng 8/2010: Chủ tịch Bernanke phát đi tín hiệu đầu tiên rằng Fed có thể tung ra gói kích kích tiền tệ thứ 2 (QE2). Mối lo lắng về sự yếu kém của thị trường lao động và lĩnh vực chi tiêu tiêu dùng vẫn còn kéo dài dai dẳng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 bị điều chỉnh giảm, nhưng vượt dự báo.
Tháng 9/2010: Thị trường khởi đầu tháng khá khởi sắc nhờ các dấu hiệu khả quan về lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng yếu kém và triển vọng tăng trưởng việc làm mờ mịt đã khiến giao dịch diễn ra hết sức biến động. Thế nhưng, chứng khoán Mỹ vẫn có tháng 9 tốt nhất trong 71 năm.
Tháng 10/2010: GDP quý 3 cho thấy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ ảm đạm, từ đó nâng cao khả năng Fed nới lỏng định lượng lần 2. Trung Quốc khiến các thị trường bất ngờ với lần nâng lãi suất đầu tiên trong 3 năm. Dự báo về cuộc bầu cử giữa kỳ khiến chứng khoán Mỹ dao động trong biên độ hẹp.
Tháng 11/2010: Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện và Fed công bố chương trình QE2 trị giá 600 tỷ USD. Ngay lập tức, chứng khoán Mỹ vọt lên các mức cao 2 năm nhưng lại khép tháng vô cùng ảm đạm do mối lo lắng về các quốc gia nợ nần của châu Âu.
Tháng 12/2010: Tổng thống Barack Obama ký dự luật cắt giảm thuế thành luật. Trung Quốc bất ngờ nâng lãi suất lần thứ 2 trong hai tháng. Các trận bão tuyết đã cản trở chi tiêu tiêu dùng. Chứng khoán Mỹ khép lại năm 2010 khá lạc quan với Dow Jones tăng 11%, S&P 500 tiến 13%, và Nasdaq vọt 17%.
Tháng 1/2011: Mối lo lắng về gói giải cứu dành cho Bồ Đào Nha đã khiến nhà đầu tư thận trọng. Trong khi đó, các cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Ai Cập đã làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của khu vực. Giá dầu leo thang mạnh do nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu tại kênh đào Suez của Ai Cập.
Tháng 2/2011: Sau nhiều tuần xảy ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya leo thang. Giá dầu thô vượt 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2008 do mối lo lắng về sự lan rộng của các bất ổn tại các nước xuất khẩu dầu láng giềng của Libya.
Tháng 3/2011: Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản càng làm gia tăng mối lo ngại về Bắc Phi và Trung Đông. Thiệt hại đối với nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima Daiichi đã làm gia tăng nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng hạt nhân. Các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Ả rập Xê-út. Giá dầu vẫn vững trên 100 USD/thùng.
Tháng 4/2011: Một trận động đất nữa lại khiến Nhật Bản chấn động và nước này phải nâng mức độ báo động tại nhà máy Fukushima. Sự bế tắc về ngân sách tại Mỹ làm gia tăng nguy cơ Chính phủ đóng cửa. S&P hạ triển vọng tín nhiệm dài hạn của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực do thâm hụt ngân sách ngày càng phình to.
Tháng 5/2011: Mỹ chạm trần nợ và Quốc hội tiếp tục cuộc chiến về ngân sách. Các bản báo cáo kinh tế trái chiều về thị trường việc làm và nhà ở đã gây ra nhiều biến động và mối lo lắng về sự giảm tốc của nền kinh tế. Chứng khoán Mỹ trải qua tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2010.
Tháng 6/2011: Bản báo cáo việc làm thất vọng (với việc các nhà tuyển dụng chỉ cộng thêm 54,000 việc làm trong tháng 5) đã dẫn đến làn sóng xả hàng mạnh. Chủ tịch Bernanke cho rằng còn lâu thị trường việc làm mới phục hồi hoàn toàn và thừa nhận kinh tế đang giảm tốc. Một lần nữa, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lại trở thành vấn đề nhức nhối.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money)
|