Cổ phiếu Prada chưa hấp dẫn nhà đầu tư châu Á
Ngày 24/6/2011, Prada SpA, một thương hiệu hàng hiệu cao cấp nổi tiếng của Italia đã chính thức thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK Hồng Kông.
Prada đã bán tổng cộng 423,3 triệu cổ phiếu (tương đương 16,5% cổ phần), với giá 39,5 dollar Hồng Kông/cổ phiếu (5 USD/cổ phiếu).
Kết thúc phiên giao dịch, giá cổ phiếu của Prađa gần như “giậm chân tại chỗ”, khi chỉ tăng đúng 0,1 dollar Hồng Kông/cổ phiếu, lên 39,6 dollar Hồng Kông/cổ phiếu. Kết quả cho thấy, IPO của Prada có giá trị 2,14 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra ban đầu là 2,6 tỷ USD.
Như vậy, giá trị vốn hóa thị trường của Prada là khoảng 13 tỷ USD, thua xa các đối thủ như LVMH (với giá trị vốn hóa thị trường gần 80 tỷ USD); Hermes International (với 28,5 tỷ USD); PPR (với 21 tỷ USD)...
Bà Selina Sia, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu khách hàng của Hãng Mirae Asset tại Hồng Kông cho biết: “Thị trường chứng khoán vốn có đời sống riêng của nó và cũng chẳng có liên quan nhiều với thực tế của thị trường hàng cao cấp. Hơn nữa, tình hình diễn biến trên thị trường là khá phức tạp, khó đoán, nên buổi đầu, Samsonite và Prada chỉ được chào đón một cách khá hờ hững ở thị trường Hồng Kông”.
Tuy vậy, kết quả lên sàn của Prada là còn hên hơn nhiều so với Samsonite vừa lên sàn cách đây hơn một tuần. Ngày 16/6 vừa qua, giá cổ phiếu của Samsonite giảm tới gần 11% ngay trong phiên ra mắt tại Sở GDCK Hồng Kông.
Đại diện Goldman Sachs (Mỹ), CLSA (Pháp) cùng 2 ngân hàng lớn nhất Italia là UniCredit và Intesa Sanpaolo (là các đơn vị được thuê làm tư vấn và bảo lãnh phát hành cho IPO của Prada) cũng cho rằng, kết quả trên tuy chưa như ý, nhưng cũng là chấp nhận được.
Bất chấp kết quả chưa được như ý muốn, ông Patrizio Bertelli, Giám đốc điều hành (CEO) Prada vẫn phát biểu lạc quan rằng: “Sự phát triển của Prada trong 5 năm gần đây, một phần đáng kể là nhờ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc đại lục đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai”.
Theo một điều tra, nghiên cứu thị trường mới đây của Hãng PriceWaterhouseCoopers, đến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm mỹ phẩm, túi xách tay, đồng hồ, giày, quần áo... cao cấp lớn nhất thế giới. Vì thế, không chỉ Prada, mà một số thương hiệu nổi tiếng khác như Samsonite (Mỹ), L’Occitane (Pháp)... đều có động thái “đi tắt, đón đầu” xu thế bằng cách niêm yết cổ phiếu của mình tại Hồng Kông.
Prada hiện có 319 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó có 18 cửa hàng ở Trung Quốc. Prada hiện sở hữu 4 thương hiệu là Prada, Miu Miu, giày Church và Car Shoe được đông đảo người tiêu dùng sành điệu trên thế giới biết đến.
Theo nhiều nhà phân tích, Prada là doanh nghiệp Italia đầu tiên có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, nên nhiều nhà đầu tư tư nhân ở Hồng Kông, Trung Quốc và châu Á vẫn tỏ ra khá dè dặt. Hơn nữa, Prada dường như không có duyên lắm với IPO, bởi trong vòng 10 năm qua đã 3 lần thử chào sàn, thì đều hỏng cả 3. Đến lần này là thứ 4 mới thành công, cho dù kết quả thu được dưới mức mong đợi.
Tuy nhiên, Pradeep Rao, Giám đốc Bộ phận tiêu dùng và chăm sóc sức khoẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Citigroup (Mỹ) nhận xét: “Về lâu dài, Prada chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư và khách hàng, bởi có nền tảng kinh doanh tốt, thương hiệu được công nhận trên phạm vi toàn cầu”.
Kết quả kinh doanh của Prada nhìn chung là khả quan. Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào ngày 31/1/2011), doanh thu của Prada đạt 2,05 tỷ euro (2,9 tỷ USD), tăng 31% so với năm tài chính trước đó; trong khi lợi nhuận là 535,9 triệu euro, tăng 85%.
Theo một tài liệu dày 450 trang của Sở GDCK Hồng Kông vừa được lưu hành, nhà thiết kế chính của Prada là bà Miuccia Prada và chồng là Patrizio Bertelli, CEO - mỗi người đều sở hữu 33,2% cổ phần trong Công ty và năm ngoái họ lần lượt kiếm được 9,7 triệu euro và 10 triệu euro. Nhờ vậy, đôi vợ chồng này đều nằm trong danh sách những người có thu nhập cao nhất trong làng thời trang quốc tế.
Một thông tin đáng phấn khởi nữa với các thương hiệu cao cấp đang muốn bám rễ ở châu Á là số người giàu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng nhanh chóng.
Theo báo cáo thường niên về sự thịnh vượng của thế giới lần thứ 15 (World Wealth Report) vừa được Công ty tư vấn Capgemini (thuộc Merrill Lynch) chính thức công bố giữa tuần qua, năm 2010, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tổng cộng 3,3 triệu người có tổng tài sản trên 1 triệu USD, lần đầu tiên vượt cả châu Âu về số lượng người giàu, chỉ còn kém Mỹ chút đỉnh (khoảng 3,4 triệu người). Trong đó, riêng Trung Quốc hiện có tới 535.000 người giàu sở hữu trên 1 triệu USD, chỉ đứng sau Mỹ, Đức và Nhật Bản. Prada nhắm chủ yếu vào các đối tượng này.
Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)
đầu tư chứng khoán
|