Nhà đầu tư sợ trái phiếu chuyển đổi
Nhà đầu tư có thể sẽ không còn mặn mà với trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) nếu doanh nghiệp tiếp tục phát hành TPCĐ theo cách cũ.
Thiệt đơn thiệt kép
Do những khó khăn không ngờ khiến TTCK giảm quá sâu, NĐT mua TPCĐ đã không được vẹn toàn lợi ích như kỳ vọng trước đó. Thời gian gần đây, báo chí đề cập khá nhiều đến những bức xúc của NĐT khi tham gia mua TPCĐ. Bức xúc lớn nhất là trái chủ không được quyền lựa chọn chuyển đổi hay không chuyển đổi trái phiếu khi đến hạn. Điển hình là trường hợp NĐT mua TPCĐ của CTCP Cơ điện lạnh (REE) phải ngậm ngùi khi bắt buộc phải chuyển đổi sang cổ phiếu REE với giá cao hơn 10% so với giá giao dịch trên sàn.
Với NĐT đã mua TPCĐ của Ngân hàng Nhà Hà Nội-Habubank (HBB), thua thiệt cũng là điều thấy trước. Dù ngày 5/8 tới mới đến hạn chốt danh sách chuyển đổi và giá chuyển đổi được tính theo mệnh giá, nhưng căn cứ vào diễn biến giá cổ phiếu HBB dưới mệnh giá suốt 5 tháng qua, trái chủ sẽ không có lợi khi buộc phải chuyển đổi thành cổ đông Ngân hàng.
Thực tế, NĐT phải chi ra số tiền không nhỏ khi mua TPCĐ. Chỉ cần đăng ký mua 100 trái phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng/TP), thì NĐT đã phải bỏ ra cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, những đợt huy động vốn qua TPCĐ của doanh nghiệp trong năm 2010 vẫn nhận được sự ủng hộ. Thứ nhất, NĐT tin tưởng ở hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai, họ tin rằng, nếu phải chuyển đổi sang cổ phiếu khi đến hạn, giá chuyển đổi vẫn sẽ thấp hơn giá thị trường.
Nhưng điều NĐT không ngờ đã xảy ra. Giá cổ phiếu REE tại ngày chốt danh sách chuyển đổi (ngày 15/7) đã về mức 11.600 đồng/CP, thấp hơn khá nhiều so với giá chuyển đổi là 13.800 đồng/CP. Khi thị giá cổ phiếu REE và giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác về dưới giá chuyển đổi, việc bắt buộc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu trở thành nỗi bức xúc của NĐT. NĐT cho rằng, bắt buộc họ phải chuyển đổi là không hợp lý.
Với trường hợp TPCĐ không bắt buộc phải chuyển đổi như ở CTCK Sài Gòn (SSI), nhưng thiệt hại cho NĐT không phải là không có. Tính ra, NĐT đã cho SSI vay với số tiền 2.000 tỷ đồng, trong khi lãi suất nhận về chỉ là 4%/năm, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng. Dù vậy, NĐT vẫn còn niềm an ủi khi được quyền không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Nhờ đó, trái chủ đã tránh được thiệt hại, bởi giá chuyển đổi sang cổ phiếu SSI cao hơn thị giá.
Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho phép trái chủ được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, cách thức thay đổi đột ngột thời gian đăng ký chuyển đổi (từ 4/5 - 18/5 được lùi lại thành 21/4 - 5/5) khiến nhiều NĐT không theo sát thông tin bị "hớ". Những trái phiếu không đăng ký mặc nhiên được hiểu là đồng ý chuyển đổi sang cổ phiếu. Do đó, dù giá chuyển đổi cao hơn thị giá và gây ra không ít thiệt hại cho trái chủ, nhưng SHB vẫn có 88% TPCĐ được chuyển đổi thành cổ phiếu.
Cần trao quyền cho trái chủ
Nếu như trước đây, TPCĐ được ví như công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, thì giờ đây, trước diễn biến giá chứng khoán giảm sâu và lãi huy động tăng cao, nắm giữ TPCĐ phải chịu sự thua thiệt.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, hiện nay đa số doanh nghiệp phát hành TPCĐ là TPCĐ bắt buộc. Cách thức này đang khác biệt và đi ngược với thông lệ phát hành TPCĐ ở các nước là NĐT có quyền không chuyển đổi nếu thấy việc chuyển đổi là không có lợi.
Theo ông Giang, muốn cải thiện hình ảnh của giới đầu tư về TPCĐ, tăng tính hấp dẫn của TPCĐ trong bối cảnh hiện nay, không gì hơn là doanh nghiệp phải để NĐT được quyền lựa chọn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đưa ra những điều kiện đủ thu hút liên quan điều kiện chuyển đổi, giá chuyển đổi. Cấu trúc phát hành TPCĐ của doanh nghiệp cũng cần dựa trên đối tượng phát hành, mức độ chấp nhận rủi ro của NĐT. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nghĩ đến phương án phát hành TPCĐ ở kỳ hạn dài hơn (trên 3 năm). Có như vậy, đồng vốn doanh nghiệp huy động được mới có thể đảm bảo được sử dụng hiệu quả.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|