Thứ Tư, 20/07/2011 13:53

Trái phiếu doanh nghiệp: Từ bán buôn đến bán lẻ

Việc TDH niêm yết trái phiếu chuyển đổi trên HoSE đang mở ra hướng đi mới cho trái phiếu doanh nghiệp: bán lẻ đến nhà đầu tư cá nhân thay vì chỉ trông chờ vào tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cửa thoát hiểm khi kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán dần bị khép lại bởi thanh khoản thấp, lãi suất ngân hàng vẫn cao trên 20%/năm. Và phát hành trái phiếu doanh nghiệp xem ra là lựa chọn tối ưu.

Tại sao là trái phiếu chuyển đổi?

Theo quy luật kinh tế, lãi suất và lạm phát luôn biến động cùng chiều. Lạm phát cao sẽ làm giảm lãi suất thực, nên lãi suất danh nghĩa phải tăng lên để hạn chế rủi ro mất giá đồng tiền. Ngược lại, lạm phát và lãi suất thị trường thì biến động ngược chiều với giá của trái phiếu. Lãi suất thị trường tăng kéo theo mức sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư tăng, làm tăng suất chiết khấu, do đó làm giảm giá trị hiện tại của trái phiếu. Lạm phát và lãi suất tăng cũng làm tăng chi phí vay, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng thanh toán nợ của đơn vị phát hành, do đó làm giảm giá trị trái phiếu.

Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp thường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lãi suất thị trường (ít nhất là trong thời gian tới) do doanh nghiệp thường trả lãi suất trái phiếu thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn của ngân hàng thương mại. Thời gian đáo hạn của trái phiếu chỉ từ 1 đến 3 năm nên ít chịu tác động của rủi ro lãi suất. Riêng đối với trái phiếu chuyển đổi, đặc tính được chuyển đổi thành cổ phiếu càng làm gia tăng giá trị nội tại của trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đối với một nền kinh tế mới nổi với triển vọng tăng trưởng tốt như Việt Nam. Chính vì lẽ đó không ít doanh nghiệp đã chọn phát hành trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn dài hạn với chi phí thấp. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết.

Bán buôn ế ẩm

Trong nhiều năm liên tiếp, khách hàng chính mua trái phiếu doanh nghiệp là các ngân hàng thương mại. Hiện nay, khoảng 70% các ngân hàng có sở hữu trái phiếu và giá trị đầu tư vào trái phiếu thường chiếm 8-10% tổng tài sản của các ngân hàng thương mại. Đối với các ngân hàng thương mại, đầu tư vào trái phiếu ngoài việc cân đối tài sản nợ - có, tự doanh, dự trữ đảm bảo thanh khoản còn là một kênh đầu tư an toàn, đồng thời là một cách để lách hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành đầu tháng 3 vừa qua đã quy định đầu tư trái phiếu cũng phải tính vào dư nợ tín dụng, nên từ đó đến nay ngân hàng thương mại không còn mặn mà lắm với các cuộc đấu thầu mua trái phiếu doanh nghiệp.

Trong số các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu, ngoài ngân hàng thương mại còn có các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm và công ty tài chính. Nhưng lúc này việc chào bán cho các đối tượng “mua buôn” nói trên hoàn toàn không dễ. Công ty chứng khoán giờ chủ yếu lo thu hẹp hoạt động để cầm cự, khó lòng đầu tư vào thị trường trái phiếu, vốn ảm đạm hơn cả thị trường cổ phiếu. Việc chào bán trái phiếu cho các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính cũng gặp khó khăn khi các công ty này chuyển hướng đầu tư trực tiếp vào dự án để ăn chia lợi nhuận, hơn là đầu tư vào trái phiếu với lãi suất chưa bằng một nửa so với việc đem tiền gửi ngân hàng.

Đối với các ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài, trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam không đủ hấp dẫn bởi quy mô phát hành và quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam nhỏ, lại còn nhiều lỗ hổng trong quản lý. Đó là chưa kể việc nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào tổng quan của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trước khi quyết định mua trái phiếu. Chưa có thống kê chính thức nhưng tính đến đầu năm 2011, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành khoảng 15,3 tỉ USD, trong đó trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt 1,5 tỉ USD, mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Nhiều quan điểm cho rằng trái phiếu hiện chỉ dành cho doanh nghiệp lớn có dự án khả thi và lợi nhuận cao, bởi thực tế cho thấy thành công của một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào lãi suất mà còn vào uy tín của doanh nghiệp đó. Những người mua buôn là nhà đầu tư chuyên nghiệp nên luôn đặt tính minh bạch tài chính của doanh nghiệp lên hàng đầu, trong khi hệ số đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có. Vì thế, thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn được giới đầu tư nước ngoài đánh giá là mỏ kim cương chưa được khai thác.

Bán lẻ gợi mở hướng đi mới

Khi không còn được các nhà đầu tư chuyên nghiệp ưu ái, doanh nghiệp buộc phải bán lẻ đến tận tay nhà đầu tư cá nhân bằng cách niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán.

Chẳng hạn, ngày 25.7 tới Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) sẽ niêm yết hơn 2 triệu trái phiếu chuyển đổi trị giá gần 209 tỉ đồng trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với lãi suất 7%/năm. Trái chủ có quyền chuyển đổi 50% số lượng trái phiếu sở hữu vào năm thứ 3 và 50% còn lại vào năm thứ 3. Tỉ lệ chuyển đổi là 1: 4,54, tức 1 trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành xấp xỉ 4,54 cổ phiếu.

Trước đó Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng từng cho Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) niêm yết 14,976 triệu trái phiếu chuyển đổi, gấp gần 7,5 lượng trái phiếu TDH niêm yết trên sàn TP.HCM. Tuy nhiên, trái phiếu của SHB chỉ có kỳ hạn 1 năm và sau nửa năm niêm yết SHB đã phải hủy vì đã sắp đến ngày đáo hạn. Tuy trái phiếu SHB có tính thanh khoản khá tốt so với các trái phiếu chuyển đổi không được niêm yết, nhưng đây cũng mới chỉ là cuộc dạo chơi ngắn ngủi và thành công lớn nhất SHB thu được có lẽ chỉ là hiệu ứng truyền thông tốt cho thương hiệu.

Đối với trái phiếu có kỳ hạn 3 năm như TDH, các nhà đầu tư có thể trông đợi nhiều hơn ở tính thanh khoản. Các cơ quan quản lý cũng như giới đầu tư tỏ ra khá phấn khích trước sự kiện TDH niêm yết trái phiếu vì 2 lẽ. Thứ nhất, TDH là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trái phiếu trên HoSE. Lý do thứ 2, quan trọng hơn, đó là họ kỳ vọng TDH sẽ mở đầu một hướng đi mới cho các doanh nghiệp đang loay hoay với bài toán huy động vốn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc mua trái phiếu chuyển đổi không chỉ giúp bảo vệ được đồng vốn mà còn có thể chuyển đổi thành cổ phiếu với mức giá hợp lý. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán kém thanh khoản như hiện nay, đầu tư giá trị là phương pháp tối ưu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng còn nhiều điều phải cân nhắc trước quyết định niêm yết trái phiếu. Thời hạn đáo hạn của trái phiếu ngắn, khoảng 3-5 năm, trong khi triển vọng thị trường lại chưa rõ ràng. Việc niêm yết lại chưa có tiền lệ nên lúng túng về thủ tục niêm yết là điều khó tránh khỏi. Nếu vượt qua được những khó khăn đó và quyết tâm làm thì niêm yết trái phiếu trên thị trường chứng khoán có thể là một lối thoát cho việc huy động vốn của doanh nghiệp, ít nhất là cho tới thời điểm này.

Đỗ Lê Phương 

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   15/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu CP061113 (20/07/2011)

>   12/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng gốc và lãi trái phiếu CPB0811029 (20/07/2011)

>   HNX đấu thầu 6,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (18/07/2011)

>   Cần yêu cầu quy định rõ phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi (18/07/2011)

>   02/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu TP4A2205 (17/07/2011)

>   02/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu CP4A0302  (17/07/2011)

>   03/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu QH061611 (17/07/2011)

>   05/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu TP4_1104 (17/07/2011)

>   03/08, Ngày đăng ký cuối cùng hưởng lãi trái phiếu QH062111   (17/07/2011)

>   Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ giảm sút mạnh (15/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật