Thứ Hai, 25/07/2011 14:02

Ngành mía đường - Vượt qua vòng luẩn quẩn?

Niên vụ mía đường 2010-2011 xuất hiện những thông tin khá tích cực. Sau nhiều năm dẫm chân tại chỗ, năm nay năng suất mía tăng từ 51,6 tấn/ha (niên vụ trước) lên 60,5 tấn/ha. Giá mía ở mức khá cao (bình quân 1 triệu đồng/tấn) nên bà con nông dân đều phấn khởi, các nhà máy đường đều có lãi. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bùi Bá Bổng, đây là những nét khởi sắc, nếu biết tận dụng sẽ đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong sản xuất và chế biến mía đường…

Mía và đường – so le khi phát triển

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long nhận định, niên vụ này cho thấy một số mặt mạnh - yếu mà ngành mía đường cần phải phát huy và khắc phục. Các nhà máy vươn lên để từng bước sánh ngang tầm khu vực, sản phẩm của các nhà máy không chỉ có đường mà còn là nơi cung cấp năng lượng (điện, nhiên liệu sinh học), ván nhân tạo, bánh kẹo như Philippines, Australia, Brazil…

Năng lực và công suất thiết kế 39 nhà máy lên hơn 112.000 tấn mía/ngày. Nhưng điều đáng lo, cây mía và vùng mía nguyên liệu còn chậm chân về chất lượng và diện tích. Một thời gian dài chúng ta luẩn quẩn quanh 1 triệu tấn đường/năm và trong bối cảnh cây mía bị các loại cây trồng khác cạnh tranh gay gắt. Lợi nhuận giữa người trồng mía và nhà máy chưa hài hòa. Diện tích mía nhiều năm trồi sụt thất thường, niên vụ 2010-2011 diện tích mía cả nước là 271.400ha, tăng hơn vụ trước 6.300ha, nhưng vẫn không đạt con số 300.000ha như kế hoạch.

Sau nhiều năm năng suất mía không tăng, vụ rồi năng suất mía lại tăng đột biến, từ mức 50,6 tấn/ha niên vụ 2010-2011 đã vọt lên 60,5 tấn/ha. Đó là do bà con nông dân mạnh dạn đầu tư cho cây mía. Không ít nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt trên dưới 100 tấn/ha. Nhưng điều quan trọng hơn, chữ đường (ccs) còn quá thấp, đặc biệt là vùng ĐBSCL, vùng nguyên liệu và chế biến lớn cả nước - nếu quy ra lượng đường chế biến bình quân trên 1ha mía mới ở mức 4,2 tấn, trong khi Thái Lan là 9,33 tấn.

Vấn đề này, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) Nguyễn Văn Lộc, mỗi quốc gia có ngành mía đường phát triển bền vững, đều có bộ giống riêng, như Philippines có 18 giống phù hợp từng vùng sinh thái, trong khi chúng ta chưa có được bộ giống thực sự. Vì vậy, năng suất dù được cải thiện so với giống cũ nhưng vẫn thấp hơn so với thế giới. Để có bộ giống riêng cần phải nghiên cứu ít nhất 8 năm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, dù là quá chậm, cần phải bắt tay vào mới hy vọng có được bộ giống cho ngành mía đường trong thời gian tới.

Nhà máy và nông dân cùng hưởng lợi

Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tây Ninh triển khai mô hình điểm cả nước về cánh đồng mẫu trồng mía để tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch mía nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mía, nhằm nâng cao lượng đường chế biến. Ông Nguyễn Văn Lộc kiến nghị, trước hết cần có khung cơ chế phát triển điện và nhiên liệu để ngành mía đường phát huy hết năng lực và đặt ra mục tiêu tăng dần lượng đường chế biến trên 1ha lên 6 - 7 - 8 tấn đường so với hiện nay. Nếu không trồng tập trung cây mía sẽ không thể triển khai các biện pháp sinh học và kỹ thuật (thủy lợi…) trên đồng mía.

Ngoài quy hoạch tập trung cần xem xét cự ly vận chuyển, rút ngắn thời gian đưa mía từ đồng ruộng đến nhà máy. Đây là tiền đề quan trọng để nâng lượng đường chế biến trên 1ha mía bởi mía thu hoạch sau 24 giờ chưa đưa vào nhà máy, chữ đường trong mía sẽ giảm đáng kể. Hiện nay tổn thất sau thu hoạch cây mía từ 10% đến 20%-30%. Ở Thái Lan, Philippines, nhà nước ưu tiên việc chuyển nông sản nói chung, nhất là cây mía về nhà máy càng sớm càng tốt để hạn chế thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội.

Trong số 271.400ha nguyên liệu, các nhà máy ký hợp đồng đầu tư và mua hơn 218.600ha, nhưng một thực tế đáng buồn, có không ít nhà máy lợi dụng đặc điểm mía là cây phải sớm đưa vào nhà máy đường, nếu không sẽ bị giảm chữ đường nên đã thỏa hiệp mua với giá thấp so với thị trường, làm bà con bị thua thiệt so với những vùng khác. Điều này xuất hiện ở những niên vụ trước, khi nông dân ĐBSCL bán mía với giá rất cao thì bà con vùng mía tập trung ở phía miền Bắc Trung bộ và miền Bắc lại phải bán với giá thấp hơn.

Bởi lẽ, không bán cho nhà máy không thể biết bán đi đâu được ngoài vùng. Nhà nước cần có khung pháp lý xử phạt nhằm loại bỏ tình trạng này, gây ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Ngay việc mua mía cũng còn nhiều điều cần khắc phục. Khi mía nguyên liệu khan hiếm, các nhà máy cạnh tranh bằng cách mua xô, nên tạp chất trong cây mía rất nhiều, thậm chí còn bị độn vào cho tăng trọng lượng, nhưng nếu mía dư thừa, các nhà máy dùng biện pháp đo chữ đường để siết chất lượng khi mua vào một cách bất hợp lý, gây bất bình cho người dân.

Dù vậy, việc đo chữ đường là biện pháp giúp nâng cao chất lượng mía, để hạn chế tiêu cực, ở Thái Lan, việc đo chữ đường là do bên thứ 3 phụ trách. Ở Việt Nam vẫn do các nhà máy tự đo và công bố kết quả theo hướng bất lợi cho bà con. Ngoài ra, việc phân chia lợi nhuận giữa nhà máy với bà con, ở các nước, sau khi mua mía về chế biến, nếu lợi nhuận cao hơn so với tỷ lệ thụ hưởng giữa hai bên, các nhà máy lại phân chia cho người cung cấp nguyên liệu một lần nữa nhằm khuyến khích người dân an tâm đầu tư trồng mía nguyên liệu cho nhà máy. Điều mà các nhà máy đường Việt Nam không thể xem thường nếu muốn có nguyên liệu ổn định.

Theo Cục Chế biến Thương mại Nông - lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), niên vụ mía đường 2011-2012 sẽ có 39 nhà máy đường tham gia chế biến với tổng công suất thiết kế 127.200 tấn, sản lượng mía ép 14,7 triệu tấn, với sản lượng đường khoảng 1,4 triệu tấn.

Được biết, cả nước có khoảng 282.000 ha diện tích (tăng 11.000 ha so với niên vụ 2010-2011), năng suất bình quân 60 tấn/ha, sản lượng dự kiến 16,9 triệu tấn. Như vậy, trên 2 triệu tấn mía còn lại sẽ vào các lò chế biến thủ công mà theo dự báo sẽ hoạt động mạnh thời gian tới. Cũng trong năm 2012, theo cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ nhập khẩu 78.000 tấn đường. Như vậy, lượng đường sản xuất và nhập khẩu theo cam kết trong niên vụ tới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2012.

Công Phiên

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Cảnh giác thương nhân Trung Quốc gom hàng nông sản (25/07/2011)

>   Đường lại sốt giá (22/07/2011)

>   Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm: Coi chừng lỡ đà (19/07/2011)

>   Có thể xảy ra “sốt” giá đường (19/07/2011)

>   Giảm thuế nhập khẩu điều thô xuống 3% (18/07/2011)

>   Không tạm trữ, lấy đâu ra gạo xuất khẩu (18/07/2011)

>   Nguy cơ thiếu đường do xuất khẩu đường tiểu ngạch (17/07/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “kêu” lỗ: Vô lý (16/07/2011)

>   Mỗi ngày, hơn 1.000 tấn đường “chảy” qua Trung Quốc (16/07/2011)

>   Năng suất mía tăng trở lại, nhà máy đường có lãi (15/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật