Thứ Sáu, 22/07/2011 17:26

Đường lại sốt giá

Theo dự báo của Bộ NNPTNT, mặt hàng đường trong nước đang có nguy cơ sốt giá trở lại vào các tháng tới khi đường tồn kho trong nước còn quá ít, giá đường NK hiện lại ở mức cao.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường đang tập trung cao cho thực phẩm phục vụ tết trung thu và những tháng cuối năm.

Tháng giáp hạt sắp tới sẽ khiến lượng đường giảm.

Doanh nghiệp “ngồi trên lửa”

Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Trung thu, song các DN sản xuất bánh kẹo, mứt quả đang như “ngồi trên lửa” khi đối mặt với mức giá đường tăng cao trong tháng 6 và tháng 7. Số liệu của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối hôm 18.7 cho thấy, hiện giá đường trắng có thuế được các nhà máy xuất kho là 18.300 - 18.500đ/kg (tăng 6 - 10% so với cùng kỳ năm trước), đường tồn kho tính đến ngày 11.7 là hơn 293.000 tấn.

Dù lượng sản xuất cũng như lượng tồn kho đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, song, do tiêu thụ năm nay tăng mạnh nên giá đường đang có dấu hiệu sốt trở lại. Từ đầu năm, các bộ ngành đã họp và thống nhất NK 250.000 tấn nhằm đảm bảo nguồn cung song đến nay, DN mới nhập 93.000 tấn do Hiệp hội Mía đường đã có kiến nghị tạm ngừng nhập vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, hiện giá đường thế giới và giá đường Thái Lan có xu hướng tăng nên đường trong nước cũng tăng theo. Lượng đường lưu kho không lớn, đường luân chuyển cuối vụ lại thấp nên Bộ NNPTNT cho biết dễ xảy ra sốt giá vào tháng 10, 11 nếu không kiểm soát được đầu cơ.

Đường thế giới thiếu hụt nguồn cung khiến giá đẩy lên cao khiến các DN trong nước rất lo ngại. Theo bà Phạm Thị Sum - CT HĐQT Cty CP đường Biên Hòa, dù Cty đã nhập hết hạn ngạch đường được cấp, nhưng thời điểm này lượng đường tồn kho không còn nhiều. Tất cả các đơn hàng ký giao vào quý IV đã hết đường để giao. DN sản xuất đã vậy, DN chế biến còn chật vật hơn.

Ông Doãn Mạnh Dũng - TGĐ Cty TNHH Hải Hà - Kotobuki cho biết: “Cty được cấp hạn ngạch 500 tấn đường. Thời điểm tháng 4, tháng 5, giá đường thế giới hạ sâu, khoảng 15.000 - 16.000đ/kg thì hoãn không nhập. Đến giờ giá đường thế giới lên quá cao, đường NK về nước hiện vào khoảng 22.000 - 23.000đ/kg, với giá này thì chúng tôi chỉ còn nước thua lỗ”.

Xin nhập đường trở lại

Lâu nay, giá đường NK để chế biến vẫn luôn ở mức thấp hơn giá thành trong nước nên không ít DN thiếu mặn mà với “sân nhà”. Với mức giá đường trong nước khoảng 19.500đ/kg hiện nay, các DN cho hay sẽ tính đến sử dụng nguồn đường trong nước. Tuy nhiên, chính các DN lại e ngại rằng, việc họ tận dụng đường trong nước đưa vào chế biến sẽ tạo ra cơn sốt đường ăn trên thị trường.

Ông Doãn Mạnh Dũng bức xúc: “Từ nay tới cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đường lớn, nếu không kiểm soát các đại lý thì tình trạng găm hàng, đẩy giá chắc chắn sẽ xảy ra. Nhiều năm qua, giá đường nước ta phụ thuộc hoàn toàn vào đối tượng DN này. Họ ôm hàng, không chịu xuất ra khiến các DN chế biến rất nản. Trong khi đó, việc NK cứ “thò thụt”, lúc rẻ thì hoãn, giờ đắt lại cho nhập, điều tiết không hợp lý”. Còn theo bà Sum, cần quản lý chặt lượng đường xuất đi Trung Quốc, nếu không, bài học của cơn sốt đường 2008 sẽ trở lại.

Không chỉ đường chế biến tăng giá, hiện giá đường tiêu dùng cũng tăng hơn so với tháng trước. Theo khảo sát tại Hà Nội sáng 19.7, đường kính trắng bán lẻ tại các chợ dao động từ 22.000 - 24.000đ/kg. Tại một số siêu thị, giá có chênh cao hơn với từ 24.000đ - 24.5000đ/kg đường tinh luyện. Nguồn cung giảm, đường tồn kho thấp do sản lượng thiếu hụt vào các tháng giáp hạt đẩy giá thành lên cao, Bộ NNPTNT đã có kiến nghị Bộ Công thương tiếp tục cho phép lại NK đường đã cấp hạn ngạch 2011 kể từ thời điểm hoãn vào tháng 4. Cơ quan này khẳng định đây là thời điểm NK đường hợp lý nhằm tạo tâm lý yên tâm về nguồn cung đường, tránh đầu cơ, gây đột biến về giá trong các tháng tới.

Thanh Sơn

lao động

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo những tháng cuối năm: Coi chừng lỡ đà (19/07/2011)

>   Có thể xảy ra “sốt” giá đường (19/07/2011)

>   Giảm thuế nhập khẩu điều thô xuống 3% (18/07/2011)

>   Không tạm trữ, lấy đâu ra gạo xuất khẩu (18/07/2011)

>   Nguy cơ thiếu đường do xuất khẩu đường tiểu ngạch (17/07/2011)

>   Doanh nghiệp xuất khẩu gạo “kêu” lỗ: Vô lý (16/07/2011)

>   Mỗi ngày, hơn 1.000 tấn đường “chảy” qua Trung Quốc (16/07/2011)

>   Năng suất mía tăng trở lại, nhà máy đường có lãi (15/07/2011)

>   Cuộc chơi mới trên thị trường gạo (14/07/2011)

>   Năm 2011 xuất khẩu cao su có thể đạt 3 tỷ USD (12/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật