Cuộc chơi mới trên thị trường gạo
Trước những thay đổi về chính sách nhập khẩu của Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn của thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ ra sao và các doanh nghiệp nên làm gì để tiếp tục phát triển ổn định?
Sự điều chỉnh của Philippines và khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam
Việc Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) nhập khẩu 200.000 tấn gạo từ Việt Nam hồi giữa tháng 3 vừa qua chỉ là bước đầu trong kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2011 của Philippines. Các gói nhập khẩu tiếp theo lên đến 660.000 tấn sẽ do khu vực tư nhân đảm nhiệm. Sự thành công ban đầu của NFA sẽ giúp Philippines vững tin tiếp tục thực hiện kế hoạch nhập khẩu mới. Nó cũng cho thấy Philippines quyết tâm đổi mới NFA và quan trọng hơn là tư duy mới về an ninh lương thực quốc gia.
Ngoài ra, Philippines cũng muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam khi đang tiến tới ký thỏa ước nhập khẩu gạo với Thái Lan, đàm phán với Campuchia và Ấn Độ.
Có ý kiến cho rằng những điều chỉnh chính sách của Philippines sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích sẽ thấy điều này chưa hoàn toàn chính xác.
Lượng gạo nhập khẩu của Philippines nhiều khả năng sẽ giảm. Nhưng cũng có thể có một khoảng cách không nhỏ giữa tuyên bố và thực tế, Philippines lên kế hoạch nhập khẩu 860.000 tấn nhưng có thể sẽ nhập trên 1 triệu tấn, thậm chí còn nhiều hơn nữa.
Dù theo kịch bản nào thì với chính sách nhập khẩu mới - cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, khoảng thời gian nhập khẩu dài trong năm hoặc không bị lệ thuộc quá lớn vào thỏa thuận với Việt Nam - sẽ giúp cho Philippines có nhiều cơ hội hơn để tìm kiếm nguồn nhập khẩu tối ưu.
Nếu năm 2011 Philippines nhập khẩu theo kế hoạch là 860.000 tấn thì nhập khẩu từ Việt Nam khó có thể vượt quá 600.000 tấn.
Nếu năm 2012 Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 800.000 tấn trong khi Indonesia và Bangladesh không nhập khẩu mạnh thì gạo Việt Nam bán cho ai? Giả sử mức sụt giảm khoảng 600.000 tấn thì thị trường sẽ ra sao? Chắc chắn trong ngắn hạn nếu không có đột biến thì Việt Nam không thể điều chỉnh nhanh để lấp đầy chỗ trống do Philippines để lại.
Tuy nhiên, giới kinh doanh gạo đều rất hiểu rằng thương mại gạo thế giới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng khối lượng sản xuất nên bất cứ một sự tác động nào đến sản xuất lúa gạo - điều rất dễ xảy ra - đều sẽ làm tăng vọt nhu cầu nhập khẩu và giá gạo trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh đó, vai trò của lúa gạo còn được nhìn nhận không chỉ như một hàng hóa thông thường mà còn là một biểu tượng của thứ quyền lực mới được ví như “mặt hàng chính trị”(1) hay “dầu mỏ mới”(2). Do đó, nhìn toàn cục và trong dài hạn thì không có gì phải quá bi quan khi thị trường có hay không có sự góp mặt của Philippines. Thị trường sẽ tự điều chỉnh mặc dù có thể phải mất một khoảng thời gian từ 2-3 năm để các doanh nghiệp thích nghi.
Cấu trúc thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ bị đảo lộn?
Cấu trúc thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam có thể được phân chia thành hai khối: khối thứ nhất có được ưu thế về thị phần cũng như sự ưu tiên trong chính sách của Nhà nước gồm có những thị trường tập trung lớn xuất khẩu theo hình thức hợp đồng Chính phủ, trong đó Philippines chiếm vị trí áp đảo; khối còn lại là rất nhiều các thị trường xuất khẩu theo hình thức thương mại.
Sự thay đổi của thị trường Philippines không phải không được dự báo trước vì những mầm mống đã bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2010 khi nước này có chính phủ mới. Nhưng sự thay đổi của Philippines vẫn làm cho rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị bất ngờ. Lý do có lẽ do Philippines là một nhân tố quá lớn và đã thực sự là một trong những “trụ cột” định hình nên cấu trúc thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm qua.
Sau “hiệu ứng Philippines”, không có lý do gì để không lo ngại các thị trường tập trung khác như Malaysia, Indonesia, Bangladesh hay cả Cuba không có những điều chỉnh tiếp theo. Số liệu xuất khẩu gạo Việt Nam đi các thị trường Indonesia và Bangladesh những tháng đầu năm 2011 cho thấy mức giá xuất đi hai thị trường này cao hơn so với Philippines.
Mặc dù sự khác biệt giá này còn liên quan đến thời điểm đàm phán hợp đồng, song các nhà nhập khẩu Indonesia, Bangladesh cũng có thể đặt câu hỏi vì sao không đàm phán vào thời điểm như Philippines? Liệu có nên áp dụng cơ chế mềm dẻo như của Philippines? Liệu có nên ký thỏa ước với nhiều nước xuất khẩu gạo...? Như vậy, khi Philippines áp dụng một cơ chế mới thành công thì có thể trở thành một hình mẫu cho các nhà nhập khẩu lớn như Indonesia hay Bangladesh tiếp bước.
Sự thay đổi của cơ chế nhập khẩu của Philippines - thị trường tập trung nói chung sẽ ảnh hưởng lan sang cả các thị trường thương mại. Về mặt trung hạn, sự giảm nhập khẩu sẽ từ thị trường tập trung đồng nghĩa với cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam ít hơn, trong khi đó về mặt cung sẽ có nhiều doanh nghiệp trước đây xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cường tìm kiếm xuất khẩu sang các thị trường khác - đặc biệt là xuất khẩu thương mại. Xu hướng này sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh xuất khẩu giữa các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ở phía các nhà nhập khẩu sẽ có quyền lực mặc cả mạnh hơn.
Trong khi đó, xét theo góc độ cạnh tranh, hiệu ứng của Philippines cũng có thể đem lại những lợi ích nhất định. Sự giảm đi của các đơn hàng xuất khẩu lớn sang các thị trường tập trung sẽ làm cho cơ chế xuất khẩu gạo trở nên minh bạch hơn, ít chịu sự can thiệp hơn, và như vậy đỡ rủi ro hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhớ lại cuối năm 2010 hoặc đầu quí 1-2011, các hợp đồng chính phủ lớn sang thị trường Indonesia, Bangladesh đã tạo ra sức ép trong thời gian ngắn phải cung ứng khối lượng hàng lớn. Rất có thể, để đảm bảo giá nguyên liệu ổn định và không bị sức ép cạnh tranh từ các hợp đồng thương mại nên chính sách giá sàn được điều chỉnh liên tục để phục vụ cho các đơn hàng lớn này. Can thiệp chính sách đã làm cho thị trường vận hành không theo quy luật cung cầu, lợi thế thuộc về một số nhà xuất khẩu vào thị trường tập trung.
Do đó, sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường tập trung cũng đồng nghĩa với sự mở rộng của xuất khẩu thương mại sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không chỉ về xuất khẩu mà cả về nguồn nguyên liệu. Sự cạnh tranh này cũng giúp thúc đẩy vị thế của các nhà cung ứng nguyên liệu trong chuỗi giá trị lúa gạo, trong đó có nông dân.
Liệu có cơ hội mới?
Khi nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam giảm xuống do sự suy giảm từ thị trường Philippines thì các doanh nghiệp trước đây xuất khẩu sang Philippines sẽ phải tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác. Xu hướng này sẽ gây áp lực cạnh tranh lên xuất khẩu thương mại. Áp lực này không phải là nhỏ do các doanh nghiệp xuất khẩu vào Philippines đều là các doanh nghiệp lớn của Vinafood 2. Như vậy “hiệu ứng Philippines” sẽ tác động gián tiếp lên các doanh nghiệp trước đây không tham gia vào thị trường Philippines.
Độ lớn cũng như mức giá cao của thị trường Philippines đã hình thành nên một chuỗi giá trị lúa gạo có ưu thế vượt trội về giá và lượng của thị trường này so với mặt bằng chung của thị trường. Trong trường hợp thị trường lúa gạo nguyên liệu không có biến động lớn đủ để tạo ra lợi nhuận cho xuất khẩu gạo thì nhiều khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thu được lợi ích lớn nhất, kế tiếp là các doanh nghiệp lau bóng. Có thể thương lái cũng dự phần nhưng sẽ không lớn, còn nông dân chỉ hưởng như mặt bằng chung thị trường, bất kể là bán lúa vào kênh xuất đi Philippines hay Hồng Kông, Singapore...
Xa hơn nữa, sự sụt giảm của thị trường Philippines sẽ tác động đến tất cả các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị xuất khẩu đi Philippines. Đối với nhiều doanh nghiệp trực thuộc Vinafood 2 phụ thuộc lớn vào thị trường Philippines thì đây đúng là một thảm họa. Ví dụ, một doanh nghiệp thuộc Vinafood 2 có tổng sản lượng xuất khẩu 100 - 150.000 tấn và xuất khẩu ủy thác qua Vinafood 2 khoảng 30%, trong đó khoảng 20% đi thị trường Philippines thì có thể hình dung được mức độ ảnh hưởng như thế nào. Và không chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào Philippines chịu ảnh hưởng mà cả một hệ thống các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu cũng chịu tác động.
Các doanh nghiệp trực thuộc Vinafood 2 từ trước đến nay luôn lấy thị trường Philippines làm điểm tựa đang phải trả giá cho sự rủi ro “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Sản lượng xuất khẩu sụt giảm là một chuyện, ngay mức giá xuất khẩu sang thị trường Philippines từ nay trở đi cũng sẽ không còn được “béo bở” như trước đây nữa.
Thử nhìn vào thời kỳ vàng son của các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Philippines sẽ thấy mức độ thiệt hại như thế nào. Tháng 3-2009, xuất khẩu gạo 25% tấm đi Philippines đạt mức giá 448 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 50-60 đô la so với các thị trường khác. Tháng 3-2010, mức giá xuất sang Philippines cũng đạt mức 657 đô la/tấn, bỏ xa các thị trường khác. Như vậy, chỉ cần mức giá chênh nhau 5 đô la/tấn thì với một lượng hàng nhỏ 20.000 tấn mức chênh lệch cũng đã lên tới 100.000 đô la.
Những chuyển biến của Philippines và thị trường nói chung có những hàm ý rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Rất có thể một cuộc chơi mới với nhiều nhân tố tác động phức tạp đan xen đang dần bắt đầu. Cuộc chơi này không chỉ bởi một sự điều chỉnh của Philippines mà có thể cả ở các thị trường tập trung khác.
Cuộc chơi này cũng đang chịu sự chi phối trước sự nổi lên của Campuchia - một đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam. Cuộc chơi này cũng bị ảnh hưởng bởi các điều chỉnh của Nghị định 109 theo hướng tập trung quyền lực cho các doanh nghiệp lớn và lợi thế hạ tầng kho bãi. Và cuối cùng, cuộc chơi cũng sẽ bị tác động bởi sự tham gia theo cả hai hướng hợp tác liên doanh và cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia vào kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam theo cam kết WTO.
Câu hỏi đặt ra là có những cơ hội mới nào trong bối cảnh hiện nay? Ngoài Philippines vẫn còn những thị trường tập trung khác như Bangladesh (vừa ký với Việt Nam thỏa ước xuất khẩu gạo có thể lên đến 1 triệu tấn mỗi năm), Cuba, Indonesia, Malaysia... Những doanh nghiệp khôn ngoan sẽ không nói không với những ưu đãi của hợp đồng chính phủ nhưng vẫn sẽ tìm cách gây dựng một thị trường cho riêng mình trong dài hạn. |
Phạm Quang Diệu
tbktsg
|