Thứ Hai, 18/07/2011 10:29

IEA mở kho dự trữ dầu lửa: Thật và giả

Hồi cuối tháng 6, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA đã bất ngờ quyết định mở kho dự trữ chiến lược dầu lửa của các quốc gia thành viên để tăng lượng cung ứng dầu lửa trên thị trường. Đằng sau động thái hiếm hoi này của IEA là gì?

Dầu lửa đang được sử dụng làm vũ khí trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực giữa OPEC và IEA.

Dầu lửa được coi là nguyên liệu quan trọng nhất trong số tất cả những nguyên liệu được niêm yết giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa của thế giới. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và IEA được coi là hai tổ chức đa quốc gia có tiếng nói quyết định hơn cả đối với chiều hướng biến động của giá dầu lửa trên thế giới. Chính sách của hai tổ chức này và hàng loạt nhân tố khác về chính trị, kinh tế, an ninh,… chi phối rất lớn thị trường dầu lửa thế giới. So với những thời trước đây, vai trò và tác động của dầu lửa đối với mọi mặt đời sống của thế giới loài người hiện tại đã giảm đi đáng kể, nhưng vẫn còn rất lớn. Vì thế, trong mọi quyết định của tổ chức quốc tế hay quốc gia riêng biệt liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới dầu lửa đều không chỉ là quyết định kinh tế, tài chính hay thương mại thuần túy, mà luôn còn có động cơ chính trị. Như quyết định mới đây nhất của IEA và những quyết định trước đó của OPEC.

Lấy độ trị độc

Với quyết định mở kho dầu dự trữ chiến lược của mình, 28 thành viên của IEA trong thời gian 30 ngày và thậm chí có thể kéo dài hơn nữa, sẽ lấy 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ khối lượng dự trữ chiến lược về dầu lửa của họ để tung ra thị trường. Theo lập luận của IEA, việc cung ứng thêm 2 triệu thùng mỗi ngày cho thị trường nhằm bù đắp lại sự thiếu hụt cung ứng khoảng 1,6 triệu thùng mỗi ngày từ Libia do cuộc chiến tranh đang diễn ra tại đây. IEA cũng không giấu diếm mục đích của quyết định này là kìm hãm sự gia tăng của giá dầu để qua đó hỗ trợ đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới.

Nghe qua thì thấy rất hợp lý. Một khi không đảm bảo cung thì sẽ gây mất cân đối trong cán cân cung cầu và sẽ khiến giá cả tăng. Giá dầu tăng đương nhiên tác động tiêu cực tới chiều hướng phục hồi và tăng trưởng kinh tế ở các nơi trên thế giới. Chiều hướng đó càng ổn định bền vững bao nhiêu thì nguy cơ khủng hoảng càng giảm bớt và tác động của khủng hoảng càng được hạn chế. Nhưng nếu đặt câu hỏi: quyết định này có thật sự cần thiết hay không vào thời điểm hiện tại và những lập luận của IEA có “thật” hay không, thì những câu trả lời lại không hẳn giống nhau từ các góc độ nhìn nhận khác nhau.

IEA được thành lập năm 1974 và suốt từ đó đến nay mới có 3 lần tổ chức này quyết định sử dụng dự trữ dầu lửa chiến lược của các thành viên theo kiểu như vậy: lần thứ nhất khi Mỹ tiến hành chiến tranh vùng Vịnh đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lần thứ hai sau trận bão Katrina ở Mỹ năm 2005, và bây giờ là lần thứ ba. Cả hai lần trước đều có những lý do không ai có thể phản bác được. Và việc IEA cho tới nay rất hiếm khi sử dụng đến biện pháp chiến lược này đủ để cho thấy quyết định mới đây của IEA không phải là chuyện dễ dàng, không phải đơn thuần chỉ là bước đi sách lược nhằm vào những mục tiêu ngắn hạn, lại càng không phải đối sách tình thế.

Tất cả 28 thành viên của IEA dự trữ chiến lược hơn 4,1 tỷ thùng dầu. Một nửa trong số ấy là của Mỹ. Khối lượng này theo tính toán có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu dầu lửa của các thành viên cho khoảng 146 ngày. Bỏ ra 2 triệu thùng mỗi ngày trong khoảng thời gian 30 ngày không ảnh hưởng gì nhiều đến dự trữ chiến lược về dầu lửa của các thành viên IEA, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là IEA có đủ khả năng để thực hiện biện pháp đặc biệt này trong dài hạn. Cho nên lý do thật sự khiến IEA đi đến quyết định nói trên mang tính chính trị trong bản chất và được lập luận bằng lý do kinh tế trên hình thức. IEA dùng chính vũ khí dầu lửa để đối đầu với OPEC sau khi các nước thành viên OPEC đã không nhất trí tăng khối lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa hàng ngày. IEA dùng số dầu dự trữ chiến lược của mình để vô hiệu hóa biện pháp hiệu quả duy nhất của OPEC - chẳng khác gì đã lấy độc để trị độc.

Đằng sau sự ngụy biện

Mọi lập luận của IEA chẳng qua chỉ là sự ngụy biện cho cuộc tranh giành ảnh hưởng và vai trò giữa IEA và OPEC. Đúng là vì cuộc chiến tranh mà Libia không thể xuất khẩu dầu lửa như bình thường, nhưng thị trường dầu lửa thế giới đã dự tính được điều đó, đã phản ứng trước biến động đó từ trước đấy rồi. Riêng về phương diện này thì biện pháp mới nói trên của IEA hoàn toàn không cần thiết, lại càng khó có thể có tác dụng như IEA mong đợi. Thực tế cho thấy giá dầu lửa gần như không biến đổi cơ bản gì sau khi IEA quyết định sử dụng nguồn dự trữ chiến lược của các thành viên. Thị trường không khan hiếm dầu lửa đến mức IEA phải can thiệp đặc biệt đến như vậy để ngăn cản giá dầu tăng do cung không đáp ứng đủ cầu.

Mặt khác, OPEC tuy quyết định không tăng mức khai thác và xuất khẩu dầu hàng ngày nhưng trong nội bộ OPEC cũng đâu có sự đồng thuận quan điểm sâu sắc và bền vững về định hướng này. Ảrập Xêút là một trong những thành viên OPEC luôn sẵn sàng đi con đường riêng, bất kể lúc nào cũng đều có thể đơn phương tăng khai thác và xuất khẩu dầu với công suất lên tới 10 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Do vậy, đằng sau sự ngụy biện của IEA là nhận thức về cơ hội thuận lợi để giành ưu thế trong cuộc ganh đua ảnh hưởng và vai trò với OPEC. Hiện tại, giá dầu lửa đang có chiều hướng đi xuống chứ không phải đi lên nên OPEC mới quyết định như vậy. Thực tiễn cho thấy dù theo chiều hướng giảm hay tăng thì giá dầu lửa hiếm khi ổn định trong thời gian dài. Giá dầu sẽ còn biến động theo cả hai chiều hướng, nhưng tăng cao thì không giới hạn trong khi nếu giảm thì cũng vẫn trụ lại ở mức độ cao. Đó chính là dư địa hoạt động của OPEC mà IEA không có được. OPEC có thể tăng hay giảm khối lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa hàng ngày một cách dễ dàng nếu như có được sự đồng thuận quan điểm giữa các nước thành viên. Đối với IEA thì không thể sử dụng dự trữ chiến lược ở mức độ lớn và trong thời gian dài. Biện pháp mới được IEA thực hiện trên thực tế không làm ảnh hưởng đáng kể tới khả năng của IEA, không tác động mạnh mẽ tới giá dầu lửa hiện tại, nhưng lại có tác động chính trị rất đáng kể tới thị trường. Có thể coi nó như lời tuyên chiến chính thức của IEA đối với OPEC, là thông điệp rằng, không chỉ có OPEC mà còn cả IEA sẽ quyết định diễn biến trên thị trường dầu lửa thế giới, là ngầm ý rằng IEA sẽ không để OPEC thao túng giá dầu, không để mặc cho giới đầu cơ lũng đoạn thị trường dầu lửa. Đằng sau đó còn ẩn hiện ý đồ đánh lẻ, phân hóa nội bộ OPEC của IEA, từ đó vô hiệu hóa tổ chức này.

Cả hai đại gia OPEC lẫn IEA đều sử dụng cái giả và cái thật, cái thực và cái hư về nhu cầu dầu lửa trên thị trường và tác động của diễn biến ấy tới nền kinh tế thế giới. Mỗi bên có cái mạnh riêng. OPEC có thực lực về dầu lửa còn IEA có thế mạnh về chính trị. Mỗi bên cũng lại có những hạn chế riêng. Tác động đáng kể nhất của cuộc đấu giữa hai đại gia này là giá dầu lửa trên thị trường thế giới có nhiều khả năng dễ ổn định hơn chứ không phải mất ổn định hơn - cho tới khi bên này hay bên kia chạm đến giới hạn khả năng của mình.

Lư Châu

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thách thức đối với doanh nghiệp thép (16/07/2011)

>   Xi măng các hãng đồng loạt tăng 150.000 đồng/tấn (13/07/2011)

>   Thủ tướng lưu ý các tập đoàn nên thoái vốn khỏi mỏ sắt Thạch Khê (12/07/2011)

>   VNSteel kiện Posco VN bán phá giá thép (12/07/2011)

>   Thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra bán phá giá (07/07/2011)

>   Giảm thuế xuất khẩu sắt thép phế liệu (06/07/2011)

>   Kiến nghị tạo điều kiện xuất khẩu thép (05/07/2011)

>   Giữ giá thép (04/07/2011)

>   Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng đều giảm mạnh (02/07/2011)

>   Thép Việt bị điều tra chống bán phá giá tại Indonesia (01/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật