Sân golf trong sân bay:
Đừng đặt lợi ích kinh doanh trên sinh mạng con người
“Có nhiều cách và nhiều nơi để kinh doanh chứ không thể tìm kiếm lợi nhuận bằng việc đánh đổi sự an toàn của con người” - trao đổi với Thanh Niên, Đại tá - phi công anh hùng quân đội Nguyễn Thành Trung - nhận định.
Ông cho rằng việc xây sân golf với tổ hợp dịch vụ cao 12 tầng trong sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) là không thể chấp nhận.
Chuyện đùa thành sự thật
Ông Nguyễn Thành Trung nói: Về việc khu dịch vụ cao tầng của sân golf có thể uy hiếp thế nào cho an toàn bay, tôi cho rằng loạt bài trên Báo Thanh Niên đã phân tích rất đầy đủ và chính xác. Bất kỳ ai có chút kiến thức về hàng không đều biết rằng, sân bay không thể chỉ gồm đường băng mà phải đảm bảo tất cả các yếu tố tĩnh không an toàn tuyệt đối cho việc cất - hạ cánh. Tôi đã đi hàng trăm sân bay khắp thế giới, hiểu rất rõ hoạt động của sân bay. Tại sao đất sân bay ngon lành như vậy mà các nước chỉ trồng cỏ, sao họ không tận dụng xây nhà cao tầng? Lý do chính đáng đến mức không gì có thể bác bỏ, đó là để đảm bảo an toàn bay và tính mạng con người. Nói rằng tôi thấy đất "vàng" trong sân bay bỏ trống phí quá nên nhảy vào đầu tư nhà cao tầng là lối tư duy thiển cận và bất chấp. Bản chất của đất sân bay là để phục vụ an toàn bay, không phải để làm kinh tế, nhất là kinh doanh bất động sản.
Ở góc độ cá nhân, tôi thực sự thấy sốc và thất vọng. Vì việc đem nhà cao tầng đặt ngay sát đường băng tưởng chỉ có trong câu chuyện đùa, nhưng lại trở thành sự thật. Tôi tự đặt câu hỏi cho bản thân tôi và những người liên quan rằng, chẳng lẽ chúng ta cần tiền đến mức độ bất chấp sự an toàn của bao nhiêu con người tham gia hoạt động bay hay sao!
Thưa ông, một lý do chủ đầu tư đưa ra để bảo vệ dự án là một số nước cũng cho xây sân golf trong sân bay?
Vấn đề này cần hiểu đầy đủ để nhìn nhận cho đúng. Quả là một số nước (Thái Lan, Hàn Quốc) có xây sân golf trong sân bay, song đó là các sân bay cũ chủ yếu phục vụ quốc nội, tần suất bay thấp. Hơn nữa đất sân bay của họ rộng mênh mông nên sân golf được bố trí cách xa đường băng, hoàn toàn tách biệt với vòng lượn cất - hạ cánh của máy bay. Quan trọng nhất, sân golf của họ chỉ trồng cỏ chứ không hề xây nhà cao tầng như ta. Nếu ở TSN cũng chỉ trồng cỏ đánh golf thì tôi hoàn toàn không phản đối, nhưng xây cao ốc đe dọa an toàn bay lại là chuyện khác. Việc cho xây một tổ hợp công trình cao tầng như ở sân bay TSN là chuyện lạ lùng, chưa từng có nước nào làm. Chủ đầu tư khi dẫn chứng thì phải nói rõ sân bay thế nào, sân golf ra làm sao, chứ đừng lập lờ. Cũng đừng lý luận kiểu người ta làm nên tôi cũng làm, bởi các nước đều đảm bảo nguyên tắc an toàn chứ không làm bừa.
Tuy nhiên theo tôi, cũng không thể trách nhà đầu tư, vì họ thấy có lợi thì làm, nhất là với miếng đất quá hấp dẫn ngay vùng lõi trung tâm TP. Vấn đề chính là các cơ quan có chức năng "gác cửa" ứng xử thế nào trước đề xuất của chủ đầu tư.
Người dân bức xúc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, thời gian qua dư luận đã quá lo ngại và bức xúc về chuyện lạm phát sân golf. Đây là loại hình giải trí chiếm nhiều diện tích đất nhưng lại chỉ phục vụ một nhóm người có điều kiện kinh tế. Chưa kể sân golf bao giờ cũng gắn với bất động sản, có hiện tượng lập lờ giữa sân golf với kinh doanh bất động sản, và nhiều khi sân golf chỉ là lớp vỏ bên ngoài. Do đó, không ít người đã đặt vấn đề, liệu đầu tư sân golf có mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng, nhất là trong điều kiện thiếu thốn quỹ đất cho các công trình công cộng khác như hiện nay. Trong khi chúng ta còn chưa lý giải và định hướng rõ ràng cho mô hình đầu tư sân golf thì lại để sân golf lấn vào đất sân bay gây mất an toàn là vấn đề hết sức nghiêm trọng và càng làm tăng bức xúc của người dân. |
Trách nhiệm thuộc về đơn vị đã phê duyệt dự án
Nghĩa là, theo ông, trách nhiệm thuộc về đơn vị đã phê duyệt dự án này?
Đúng vậy, chủ đầu tư có quyền đề xuất bất kỳ dự án gì họ thấy mang lại lợi nhuận, nhưng không phải họ đề xuất sao chúng ta chấp nhận vậy. Tôi tin rằng người có thẩm quyền phê duyệt dự án này dù là ai thì cũng đủ hiểu biết để ý thức được rằng cho xây nhà cao tầng sát đường băng là mất an toàn đến thế nào. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao họ biết không đúng mà vẫn cho làm? Do động cơ gì?
Còn bao nhiêu vấn đề cấp bách, hợp lý hơn sao không đầu tư mà lại lấy đất xây sân golf? Sân bay TSN hiện đã quá tải, máy bay không đủ chỗ đậu. Tôi biết nhiều nơi muốn mở đường bay đến đây nhưng không được vì quá tải chỗ đậu, nhiều trường hợp phải hủy chuyến đến sân bay TSN để qua các nước lân cận. Thậm chí máy bay của Vietnam Airlines có những buổi tối phải bay ra sân bay Đà Nẵng đỗ, sáng sớm mới bay vào đón khách, tốn kém biết bao nhiêu. Đáng lẽ chỗ dự kiến làm sân golf phải dùng để xây bãi đỗ mới đúng. Thời gian khai thác sân bay TSN còn dài, phải tính toán đầu tư cho theo kịp nhu cầu chứ.
Vấn đề ở đây chính là sự chồng chéo trong quản lý đất sân bay khiến ngành hàng không dù muốn sử dụng đất để xây bãi đỗ cũng không có thẩm quyền?
Theo tôi đây chính là bản chất của vấn đề. Hiện nay đất sân bay TSN gồm một phần do ngành hàng không quản lý và một phần thuộc quốc phòng. Chính việc phân ra nhiều đầu mối quản lý như vậy dẫn tới việc sử dụng chồng chéo, chắp vá, mỗi bên một kiểu, không tốt cho việc vận hành hoạt động sân bay. Đất của ngành nào nên giao ngành đó quản lý để sử dụng đúng chuyên ngành. Cách đây hàng chục năm việc giữ đất quốc phòng trong sân bay là cần thiết nhưng đến nay nên có sự điều chỉnh mục đích sử dụng đất phù hợp với thời bình. Đất sân bay nên giao cho ngành hàng không quản lý, để phục vụ các nhu cầu đầu tư hạ tầng bay, trước mắt là mở rộng chỗ đậu máy bay. Bởi cách sân bay TSN không xa đã có sân bay quân sự Biên Hòa rồi.
Hiện dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư cũng bắt đầu triển khai xây dựng, nghĩa là "sự đã rồi", thưa ông?
Hiện nay khi bay ngang khu vực sân golf tôi đã thấy nhiều nhà cửa mọc lên rồi, có vẻ họ xây với tốc độ... phản lực, để đặt mọi chuyện vào "sự đã rồi". Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc gì nếu đã xác định là không phù hợp thì đều có thể làm lại, sai thì phải nhận và sửa sai là lẽ đương nhiên. Đừng để đến khi xảy ra sự cố, phải đánh đổi bằng mạng sống con người mới sửa thì cái giá phải trả quá đắt. Vấn đề này tôi đã phản ánh lên Bộ Chính trị để các vị lãnh đạo lắng nghe, quyết định.
Cục Hàng không không quản lý
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết: “Các dự án sân golf xây dựng trong sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm trên thuộc lĩnh vực do không quân, UBND địa phương cấp phép và quản lý, đã tính tới các yếu tố an toàn kỹ thuật bay. Cục Hàng không VN không quản lý”.
Theo Nghị định 20/2009/NĐ-CP ngày 23.2.2009 quy định quản lý độ cao công trình, tại mục 2, điều 9, quy định bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thống nhất việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không với các sân bay. Điều 14 chỉ rõ, những công trình, dự án, dự án riêng biệt nằm ngoài quy hoạch tĩnh không đã công bố phải được chấp thuận của Bộ Quốc phòng về quản lý độ cao tĩnh không gồm công trình có độ cao vượt trên khỏi bề mặt giới hạn của chướng ngại vật sân bay, những công trình nằm trong vùng trời lân cận sân bay có độ cao trên 45m so với mức cao sân bay.
Tuy nhiên Nghị định 20 cũng quy định rõ, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh lập quy hoạch tổng thể, xác định giới hạn các bề mặt chướng ngại vật hàng không các sân bay dùng chung, thống nhất quản lý độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không…
Một cán bộ của Ban An toàn, Cục Hàng không VN cũng cho biết, cấp phép cho các công trình xây dựng trong sân bay là của Bộ Quốc phòng, giao cho Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh chỉ đạo các cơ quan đơn vị có liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định về vị trí, độ cao và việc cảnh báo chướng ngại vật hàng không. Trong trường hợp Cảng vụ Hàng không, tổng công ty khai thác cảng, tổng công ty quản lý bay phản ánh lên có dấu hiệu nghi ngờ gì về đảm bảo an toàn bay, Cục Hàng không sẽ kiểm tra lại.
Vị cán bộ trên cũng cho biết không nắm được thông tin về quy hoạch chi tiết các công trình trong dự án sân golf tại sân bay Gia Lâm. Theo ông này, sân bay Gia Lâm hiện đang chuẩn bị khai thác hàng không dân dụng, vẫn đang trong giai đoạn tính toán lại cụ thể các chỉ số từng loại tàu bay, từ đó có những quy định về độ cao nhà, khoảng cách…
“Cấp phép xây dựng là Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương, hàng không không có quyền, dẫn tới chồng chéo về quản lý an toàn bay. Với các dự án này, muốn biết có vi phạm hay không phải đo đạc cụ thể, kiểm tra, đánh giá lại. Khi dự án đi vào hoàn tất, nếu có sai phạm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay, Cục Hàng không sẽ phải có ý kiến, xử lý”, vị cán bộ này nói.
Mai Hà |
Phương Thanh
THANH NIÊN
|