Bắt buộc dùng xăng sinh học có khả thi?
Nếu được Thủ tướng phê duyệt thì từ năm 2013, tất cả các cây xăng trên toàn quốc đều phải bán xăng sinh học E5 từ năm 2013.
Đó là nội dung trong lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học đang được Bộ Công thương soạn thảo trình Thủ tướng chính phủ. Trên thực tế thì năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025"; và từ 1/8/2010, xăng sinh học E5 được bán thí điểm ở một số địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đưa xăng sinh học vào cuộc sống vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Tại Hà Nội, cây xăng Thái Thịnh là nơi bán xăng E5 đầu tiên trong cả nước. Số người mua xăng E5 chiếm chưa đến 10% lượng khách hàng.
Ông Nguyễn Đỗ Hưng, Khách hàng mua xăng E5 cho biết: “Ngay buổi đầu, mỗi lít xăng giá rẻ từ 5 đến 700 đồng, đến hôm nay giá chênh nhau rất ít. Nhưng tôi khẳng định, xăng E5 chạy xe máy êm hơn, bốc hơn xăng thường và tiết kiệm hơn”.
6 tháng đầu năm 2011, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) mới tiêu thụ được khoảng 4,2 triệu lít xăng E5, chỉ bằng 1/10 sản lượng dự kiến mà doanh nghiệp đưa ra thị trường trong cả năm. Mạng lưới phân phối quá mỏng là lý do khiến việc tiêu thụ xăng sinh học gặp nhiều khó khăn. Ví như tại Hà Nội, đến nay mới chỉ có 4 điểm bán xăng E5.
Ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty dầu Việt Nam (PV Oil) kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ ra được lộ trình buộc phải tiêu thụ xăng E5 trong thời gian tới. Ngoài chính sách của Nhà nước, chúng tôi cũng buộc phải nâng cấp hệ thống cửa hàng của mình để tiêu thụ xăng E5”.
Bộ Công thương đang soạn thảo quy định lộ trình bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học. Nếu được Thủ tướng phê duyệt, thì từ tháng 6 năm sau, tất cả các cây xăng tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ sẽ phải bán xăng E5; và đến năm 2013, việc bán xăng E5 sẽ được thực hiện bắt buộc ở tất cả các cây xăng trên toàn quốc.
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược - chính sách công nghiệp - Bộ Công thương: “Theo lộ trình này thì buộc các cây xăng phải tham gia, qui định đến 2013, tất cả các cây xăng phải bán xăng trộn thì họ phải tự đầu tư mà bán thôi. Còn việc hỗ trợ bù đắp các chi phí đó thế nào sẽ có chính sách tài chính tương thích để thực hiện”.
Việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho khoảng 14 nghìn cửa hàng xăng dầu và các trạm phối trộn trên toàn quốc sẽ tốn hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Khoa học Công nghệ cũng chưa có các quy chuẩn hướng dẫn cụ thể về hệ thống sản xuất, vận chuyển, tồn trữ xăng pha ethanol. Do chưa có chính sách ưu đãi về thuế nên giá thành xăng E5 đang cao hơn xăng A92. Vì thế, vẫn đang còn nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của lộ trình bắt buộc sử dụng xăng E5 theo đề án của Bộ Công thương.
Không phải loại xăng sinh học nào cũng tốt cho môi trường
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, xăng sinh học E5 (hỗn hợp 5% cồn khan và 95% xăng hóa thạch) hoàn toàn có thể sử dụng an toàn cho các động cơ xăng hiện tại (sản xuất từ sau năm 1990) và có tính năng sử dụng tương tự loại xăng hóa thạch truyền thống.
Tuy nhiên, không phải loại xăng sinh học nào cũng tốt cho môi trường. Nếu xăng sinh học được làm từ các nguyên liệu lương thực như sắn, mía... và sử dụng nguyên liệu xăng thông thường để sản xuất, thì có tác hại hơn đối với môi trường (vì để làm ra xăng sinh học phải tốn nhiều nhiên liệu hơn, vừa đắt tiền vừa thải nhiều khí độc hại hơn và gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực).
Xăng sinh học thật sự chỉ tốt cho môi trường nếu được chế biến từ các phế thải dư thừa hay các loại thực vật như tảo và năng lượng để sản xuất, chế biến xăng sinh học cũng phải “xanh”.
Nguyễn Trung
vtv
|