Thứ Năm, 23/06/2011 18:48

Titan lại chảy

Năm 2010 là thời hạn cuối cùng của lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm thô titan (Ilmenite) mà Chính phủ đưa ra. Nay lại tiếp tục được lùi thêm đến hết năm 2011. Những giấy phép xuất khẩu một lần nữa đã nới rộng điều kiện và giảm áp lực chế biến sâu cho các doanh nghiệp khai thác titan.

Quặng ilmenite, thành phần kim loại được dùng cho hơn 30 ngành công nghiệp khác nhau hiện được Việt Nam khai thác chủ yếu để xuất thô. Tiềm năng titan của Việt Nam khá lớn, với tổng tài nguyên dự báo khoảng 300-500 triệu tấn và đến nay đã thăm dò khoảng 15,71 triệu tấn (theo Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT). Nhưng công nghệ chế biến titan mới chỉ dừng lại ở các công đoạn như hoàn nguyên ilmenite, nghiền mịn hoặc siêu mịn zircon, chế biến xỉ titan với công nghệ thiết bị đơn giản, chủ yếu sử dụng công nghệ Trung Quốc lạc hậu, hiệu quả thấp, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.

Bộ Công Thương cho biết, hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 600-700.000 tấn ilmenite, chưa kể sản lượng khai thác không phép xuất khẩu lậu qua đường tiểu ngạch (như năm 2008 xuất lậu ước tính khoảng 160.000 tấn). Việc cấp phép khai thác bừa bãi, đặc biệt ở hai tỉnh Bình Định và Ninh Thuận (những nơi có mỏ titan lớn) trong mấy năm gần đây đã khiến cho số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác titan tăng nhanh đột biến.

Bộ TN&MT cho biết xu hướng khai thác titan đã nhanh chóng chuyển từ các doanh nghiệp nhà nước sang các doanh nghiệp tư nhân (hiện chiếm 50% tổng sản lượng khai thác). Chỉ tính riêng khu vực tư nhân, khối lượng khai thác đã tăng trưởng mạnh, từ 39-44%/năm. Ngay từ năm 2007, Bộ TN&MT đã nhận thấy khối lượng khai thác quặng ilmenite vượt so với quy hoạch (gấp 1,2 lần). Năm 2008, sản lượng này là 660.000 tấn, vượt cả quy hoạch đến năm 2025 là 600.000 tấn.

Để chế biến sâu titan, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Ví dụ để chế biến titan thành bột màu pigment (dioxide titan), Công ty Hợp Long (chủ đầu tư mỏ Suối Nhum, Bình Thuận) mới đây tuyên bố họ cần khoảng 400 triệu đô la cho dự án có từ hai đến ba dây chuyền công nghệ, công suất từ 75.000-105.000 tấn/năm.

Trước Hợp Long, mới chỉ có Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh đầu tư xây dựng một nhà máy với sản phẩm tương tự, công suất 30.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp khai thác quặng titan còn lại, hầu hết là các doanh nghiệp mới mở rộng sang lĩnh vực khai khoáng, chưa có kinh nghiệm, lại yếu về vốn nên chỉ hướng đến nhu cầu xuất khẩu thô. Việc mỗi năm Chính phủ lại lùi thời hạn cấm xuất khẩu càng khiến cho các doanh nghiệp khai thác titan lơ là việc đầu tư chế biến sâu.

Mặt khác, lợi nhuận của xuất khẩu thô titan là rất lớn nên số lượng các doanh nghiệp lao vào khai thác mỗi ngày một đông, bất chấp thuế tài nguyên titan (từ 7-20% tùy loại) và thuế xuất khẩu từ 15-20%, chưa kể mức phí đóng góp mà UBND mỗi tỉnh quy định cho các doanh nghiệp khai thác là vài tỉ đồng/năm (căn cứ vào diện tích và sản lượng khai thác). Tuy nhiên, phí đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khai thác titan không được thực hiện nghiêm, doanh nghiệp đóng cho có nên lợi nhuận chảy vào túi họ càng lớn.

Viện Tư vấn phát triển (CODE) khi nghiên cứu về hiệu quả sử dụng và tổn thất tài nguyên của Việt Nam đã cho biết: đối với sa khoáng titan, sản phẩm qua chế biến cao nhất là xỉ titan nhưng cũng chỉ là nguyên liệu chuyển tiếp để chế biến nguyên liệu sâu hơn. Việc khai thác và xuất khẩu thô như hiện nay mang giá trị rất thấp, không tương xứng với tiềm năng vốn có. Ví dụ sản xuất được xỉ titan từ ilmenite thì giá trị sản phẩm tăng khoảng 2,5 lần, sản xuất ra bột pigment thì con số này là 10 lần. Nếu sản xuất ra titan kim loại thì giá trị sản xuất tăng khoảng 80 lần.

Như vậy nếu Việt Nam chỉ xuất khẩu quặng titan như hiện nay với giá bình quân khoảng 100 đô la/tấn ilmenite (52% TiO2) thì ngay cả với trữ lượng dự báo lên đến hơn 200 triệu tấn như mới điều tra ở vùng cát đỏ Bình Thuận cũng chỉ mang lại vài chục tỉ đô la, một giá trị không phải là quá lớn.

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu các chế phẩm từ titan ngày càng tăng. Đó mới là điều đáng ngại đằng sau việc cho phép xuất khẩu. Và, nếu như Chính phủ cứ cho phép kéo dài thời gian xuất khẩu quặng titan thế này thì hiệu lực quản lý nhà nước sẽ bị xem thường và việc khai thác, xuất khẩu thô nguồn tài nguyên không tái tạo này sẽ ngày càng vượt tầm kiểm soát cả Trung ương lẫn địa phương.

Ngọc Lan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính gỡ “vướng” cho DN nhập khẩu linh kiện ô tô (23/06/2011)

>   PVN bán cái chủ động để mua bị động! (23/06/2011)

>   Doanh nghiệp quay quắt vì thiếu nguyên liệu hải sản (23/06/2011)

>   Đề xuất bỏ 2 trạm thu phí ở Hà Nội (23/06/2011)

>   Doanh nghiệp ngành nguyên liệu thờ ơ với sàn hàng hóa (23/06/2011)

>   Doanh nghiệp “trụ” lại 6 tháng cuối năm cách nào? (23/06/2011)

>   Thị trường ôtô sẽ "lạnh" thêm (23/06/2011)

>   Doanh nghiệp kêu thiếu điện, EVN nói chỉ hụt 3% (23/06/2011)

>   6 tháng, doanh thu điện năng ước đạt gần 5.000 tỷ đồng (22/06/2011)

>   EVN cần 3 tỷ USD mỗi năm đầu tư cho điện (22/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật