Thị trường điện cạnh tranh thực sự “cạnh tranh”?
Ngày 1/7 tới sẽ bắt đầu vận hành thí điểm thị trường điện cạnh tranh theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra là làm sao để cân bằng lợi ích của các bên tham gia, trong đó có người dân và các đơn vị tham gia cạnh tranh phát điện.
Băn khoăn giá chào
Dù chỉ là thí điểm vận hành thị trường điện cạnh tranh để tiến tới vận hành chính thức vào năm 2012 nhưng “bước đột phá” này cũng khiến nhiều doanh nghiệp đang phải trăn trở về việc làm thế nào để “sống được” trong môi trường mới..
Sẽ có khoảng 70 nhà máy điện có quy mô công suất từ 30 MW trở lên tham gia chào giá trên thị trường điện để giành quyền bán điện vào lưới điện quốc gia. Mặc dù ngày 1/7 đang đến gần nhưng câu hỏi về lợi ích của các nhà máy bán điện trong cơ chế giá thị trường vẫn chưa được giải đáp. Nhiều nhà đầu tư băn khoăn về việc Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện trong phạm vi 5% phụ thuộc vào yếu tố giá đầu vào theo thị trường, vậy còn đối với các nhà máy phát điện cho EVN thì sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá như thế nào?
Về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Nhơn Trạch 2, cho rằng: “Nếu chúng ta không xử lí rõ ràng về cơ chế, trong đó có cơ chế về tỷ lệ tăng giá bán buôn thì việc chúng ta đang làm hiện nay chỉ duy nhất có lợi cho EVN chứ chưa thực sự có sự cạnh tranh công bằng trong ngành điện”.
Môi trường phát điện cạnh tranh đòi hỏi phải có sự bình đẳng. Đơn vị nào chào giá thấp nhất sẽ được huy động đầu tiên. Với quy định này, rõ ràng các nhà máy thủy điện có lợi thế nhiều hơn vì chi phí đầu tư thấp, còn đối với các nhà máy chạy bằng dầu và khí sẽ khó có lợi thế cạnh tranh do giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao. Đó là chưa kể tới việc chỉ tính riêng các nhà máy chạy bằng dầu và khí thì các nhà máy trong EVN cũng có lợi thế hơn do luôn mua được dầu và khí với giá rẻ, trong khí đó có tới hơn một nửa các nhà máy tham gia thị trường điện cạnh tranh thuộc tập đoàn này.
”Để đảm bảo tính cạnh tranh, cần công bằng về giá đầu vào. Đầu vào ở đây là giá nguyên liệu chiếm chi phí lớn nhất trong việc hình thành giá điện đối với chạy dầu và khí. Giá khí bán cho các nhà máy điện trong và ngoài EVN chưa bình đẳng, các nhà máy ngoài EVN phải mua đắt hơn”, ông Quốc bày tỏ.
Không chỉ riêng Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Nhơn Trạch 2 mà nhiều lãnh đạo các nhà máy phát điện khác tham gia thí điểm vận hành thị trường điện cạnh tranh đều chung quan điểm rằng, Bộ Công thương cần sớm có kế hoạch thiết lập mặt bằng giá khí, rà soát mức giá với các loại nguyên, nhiên liệu bán cho các nhà máy điện tạo đầu vào cạnh tranh cho thị trường.
"Nếu không có sự công bằng về đầu vào, chúng tôi sẽ luôn nằm ngoài danh sách, như vậy ý nghĩa của cạnh tranh sẽ mất đi”, ông Hoàng Xuân Quốc nhấn mạnh.
Hiện tại, một số công ty điện lực độc lập còn rất băn khoăn đối với vị trí độc quyền của EVN. Theo bà Vũ Thị Tú Oanh, Phó trưởng ban Thương mại, Công ty Điện lực Dầu khí thì có một số điểm các chủ đầu tư độc lập không được quyền đàm phán với EVN. Ví dụ như trong hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ quy định, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vận hành nhà máy được tính bằng đồng nội tệ với hệ số trượt giá là 2,5%. Nếu như thế, nhà máy nhiệt điện khí không thể chịu đựng được vì chi phí này có tới 80% tính bằng ngoại tệ.
“Đối với thời gian cả dự án kéo dài 25 năm, sự chêch lệch tỉ giá có thể phát sinh lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng mà không được tính vào giá bán điện của EVN”, bà Oanh thắc mắc.
Theo bà Oanh thì mặc dù sắp bước vào môi trường điện cạnh tranh nhưng tương lai phía trước của nhiều nhà máy phát điện vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Tăng, giảm giá phải chính xác
Trao đổi với Tổ Quốc, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng: “Vấn đề là ở chỗ EVN phải làm thế nào để khi tăng giá điện bán lẻ 5% theo chi phí đầu vào phải thật chính xác, tuyệt đối không thể tăng vô căn cứ. Chẳng hạn, vào mùa mưa chủ yếu vận hành bằng thuỷ điện, khi đó giá điện phải giảm cho dân nhưng trên thực tế chưa bao giờ EVN giảm giá điện vào thời điểm mùa mưa. Ngoài ra, giá điện cũng có thể được áp theo giờ giá thấp và giá cao nhưng mức giá mà EVN đang áp dụng rất chung chung, chưa theo nguyên tắc trên. Đây chính là vấn đề chưa minh bạch của EVN”.
Ông Ngãi cũng nhận định thêm rằng, bước vào thị trường phát điện cạnh tranh, người dân được lợi hay không thì chưa biết nhưng rõ ràng sẽ có sự cạnh tranh giữa các doạnh nghiệp, các nhà máy phát điện. “Tính minh bạch thể hiện ở chỗ EVN và các nhà máy phát điện phải trao đổi với nhau thật hợp lý về giá cả. Trường hợp các nhà máy có chi phí giá đầu vào đắt hơn thì nên đấu tranh để có được mức giá chào hợp lý. Nếu EVN không chấp nhận thì có thể đề bạt lên Chính phủ. Theo tôi, việc định giá điện cũng nên có sự tham gia của Bộ Tài chính.”, ông Ngãi nói.
Ngoài ra, theo vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự trong tương lai, điều cốt lõi là phải tái cơ cấu lại ngành điện để tránh tình trạng độc quyền của EVN, cần để người mua duy nhất phải là đơn vị nằm ngoài EVN để tránh tiêu cực xảy ra. Chỉ đến khi đó người dân mới thực sự được hưởng lợi.
Vai trò của EVN trong thị trường điện cạnh tranh quá lớn cũng là điều bất cấp khiến nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia trong ngành điện lo ngại. Tuy không còn độc quyền ở khâu phát điện, song EVN vẫn chiếm phần chi phối về nguồn và nắm giữ toàn bộ các khâu còn lại như truyền tải, phân phối điện.
PGS.TS Đàm Xuân Hiệp, Tổng Thư ký Hội điện lực cũng cho rằng, để đảm bảo tính minh bạch cho thị trường phát điện khách quan thì dần dần phải tách công ty mua bán điện và trung tâm điều độ ra khỏi EVN.
“Vì điện là hàng hoá đặc biệt nên cần phả có lộ trình để thay đổi dần. Trước đây ba khâu: sản xuất, truyền tải và phân phối là một chuỗi hoàn toàn độc quyền, giờ tách ba khâu hạch toán riêng: Phát điện sẽ tách riêng để tạo cạnh tranh, khâu phân phối cũng tách. Còn truyền tải vẫn độc quyền tự nhiên. Quá trình tách cho phép doanh nghiệp điện, truyền tải và phân phối tự hạch toán…”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, khi chia tách như vậy, dần dần vai trò của EVN sẽ giảm đi. EVN sẽ phải tôn trọng luật cạnh tranh và không còn thao túng thị trường. Khi đó sẽ phải có cơ chế kiểm soát thị trường, kiểm soát chi phí để buộc nhà sản xuất công khai minh bạch về giá.
Vận hành phát điện cạnh tranh từ 1/7 tới đây có thể coi là bước khởi đầu cho lộ trình còn nhiều khó khăn, thách thức. Các chuyên gia ngành điện cho rằng, cùng với việc xây dựng được thị trường nhiên liệu và cơ chế tài chính minh bạch, việc tái cơ cấu ngành điện để tách bạch giữa các khâu điều hành, sản xuất và phân phối điện là vấn đề vô cùng cấp bách, nhằm chống độc quyền, từ đó thị trường điện mới thực sự vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước./.
Quỳnh Anh
tổ quốc
|