Thứ Hai, 20/06/2011 10:48

Tăng xuất khẩu gạo: chưa chắc đã tốt

Xuất khẩu gạo thành công, nông dân trả giá? Đây là vấn đề chính mà một số chuyên gia đã nêu lên tại hội thảo “Lúa gạo, nông dân và Phát triển nông thôn ở Việt Nam: từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 13-6.

Có thể không cần nói nhiều về thành công của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Chỉ nói gọn, theo như bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, từ một quốc gia mà nhiều người đi ngủ vẫn không no bụng, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hiện tại, tính về khối lượng, Việt Nam đang chiếm khoảng 22% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới và dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ vượt qua 7 triệu tấn vào năm nay...

Nhưng ai được hưởng lợi?

Dù tổng giá trị xuất khẩu gạo có thể vượt qua 2,5 tỉ đô la Mỹ, thậm chí là 3 tỉ đô la trong những năm gần đây, nhưng thu ròng về ngoại tệ lại giảm đáng kể. Bởi lẽ, trong sản xuất và chế biến gạo lại sử dụng các loại thiết bị, vật tư nhập khẩu rất lớn, như phân bón, thuốc hóa học, xăng dầu... Tính ra, khoảng 40-50% chi phí của gạo xuất khẩu có liên quan đến nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Gạo lại là hàng hóa có giá trị (cũng như giá trị gia tăng) tương đối thấp.

Và khi xuất khẩu, cũng không nên bỏ qua các chi phí không đo lường được như chi phí khấu hao hạ tầng thủy lợi và hệ thống quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng phân, thuốc hóa học, chi phí cơ hội của đất đai, nhân công, nước và các nguồn lực khác... Nếu tính tất cả, theo một nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác giữa các tổ chức Việt Nam và quốc tế, tạm gọi là “nghiên cứu nhóm”, cần thấy rằng liên tục tăng sản lượng và tăng xuất khẩu gạo chưa chắc đã là điều tốt!

Cụ thể hơn, theo nghiên cứu nói trên, nông dân ĐBSCL dường như đang chịu đựng gánh nặng của thành công. Việc tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho cây lúa của Chính phủ trong thời gian qua, kết hợp với đất đai, thời tiết thuận lợi đã tạo ra sản lượng gạo dồi dào ở vùng này. Dĩ nhiên, mức tăng sản lượng đột ngột lại gây ra áp lực làm giảm giá. Và sự gia tăng sản lượng xuất khẩu không đồng nghĩa đem lại sự tốt đẹp cho nông dân. Ông Steven Jaffee, điều phối viên Ban Nông thôn (WB), khẳng định: “Khi có nhiều gạo để xuất khẩu thì lợi nhuận của nông dân lại giảm xuống vì sức ép nguồn cung”.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã tìm cách chống lại áp lực giảm giá cho nông dân vào thời điểm thu hoạch rộ, bằng cách công bố giá sàn mua lúa. Theo đó, cấp các khoản vay không lãi suất cho các công ty xuất khẩu để mua dự trữ. Mục tiêu là giúp nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu 30%. Tuy nhiên, theo “nghiên cứu nhóm”, không có bằng chứng gì chứng tỏ sự can thiệp này đạt được mục tiêu đề ra. Bởi các công ty thường không mua lúa trực tiếp từ nông dân, tức không có cơ chế trực tiếp để trả đúng giá sàn cho nông dân. Và cũng không có số liệu thống kê công bố về lượng gạo hay lúa đã mua thêm theo chương trình này trong hai năm qua. Vậy liệu người hưởng lợi từ chương trình này là nông dân, thương lái hay chính các công ty?

Theo TS. Nguyễn Phú Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), nếu phân tích theo chuỗi giá trị gạo xuất khẩu, khi nông dân bán được lúa với giá bình quân 4.887 đồng/ki lô gam, thì họ chỉ lãi được 507 đồng/ki lô gam. Nhưng cùng lúc, các tầng nấc trung gian đã hưởng đến 938 đồng/ki lô gam nhờ giá trị tăng thêm. Trong đó, các công ty xuất khẩu hưởng đến 422 đồng/ki lô gam. Ròng rã khoảng bốn tháng, đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, nhưng bình quân với một hộ nông dân làm ra 8,4 tấn lúa/năm chỉ thu lãi 4,3 triệu đồng.

Trong khi với một công ty xuất khẩu gạo có sản lượng 100.000 tấn/năm, lại thu lãi đến 42,2 tỉ đồng/năm (tính theo giá năm 2009)! Việc gia tăng sản lượng ồ ạt còn gây ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học, dẫn đến nguồn lợi thiên nhiên bị cạn kiệt. Những sản vật như tôm cá... mà nông dân trước đây có thể đánh bắt được, giờ phải bỏ tiền ra mua khiến thu nhập của họ càng bị teo hẹp...

Do đó, nếu phải khư khư giữ diện tích đất lúa theo dự tính là 3,8 triệu héc ta nhằm bảo đảm an ninh lương thực, có thể lại làm giảm thu nhập của nông dân và giảm những nỗ lực đa dạng hóa cơ cấu sản xuất trong kinh tế nông thôn! Bởi theo “nghiên cứu nhóm”, dù việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL trong thập kỷ qua hết sức ấn tượng nhưng lợi ích đối với nông dân ĐBSCL dường như còn quá khiêm tốn. Số lượng người trồng lúa trở nên giàu có hầu như không đáng kể.

Vì sao?

Theo nghiên cứu vào năm 2009 thì các nhà xuất khẩu gạo hưởng lợi lớn nhất trong chuỗi giá trị. Nhưng điều bất ngờ, theo kết quả khảo sát mà ông Steven Jaffee công bố, có đến 85% nhà xuất khẩu cho biết sẽ đa dạng kinh doanh ngoài mặt hàng gạo và 87% cho rằng sẽ tăng việc bán gạo trong nước hơn là xuất khẩu. Phải chăng xuất khẩu gạo cũng không hấp dẫn?

Thực ra, điều này không gây bất ngờ, nếu căn cứ theo phân tích của ông Jaffee: “Vào mùa, các công ty cũng chưa chắc được xuất khẩu gạo do lượng hàng hóa chưa đủ hoặc chưa được phép xuất khẩu! Họ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Và xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính nhiều hơn những cân nhắc thương mại”. Bởi lẽ, gạo được xếp vào mặt hàng an ninh lương thực và đôi khi phải tạm dừng xuất khẩu “bất thình lình” vì lý do này. Khi đó, nông dân bị thiệt trước tiên vì lúa mất giá, thậm chí không ai mua... Như hồi năm 2008, giá gạo thế giới lên đỉnh nhưng nông dân Việt Nam “ngồi ngoài”, không hưởng lợi bao nhiêu, bởi khi ấy phải... tạm dừng xuất khẩu!

Gần đây, Việt Nam có hơn 200 nhà xuất khẩu gạo, nhưng phần lớn là các công ty có quy mô hoạt động rất nhỏ hoặc bán thời gian. Một nửa trong số này bán chưa đến 1.000 tấn gạo/năm. Đương nhiên, hai tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc đã chiếm đến một nửa sản lượng xuất khẩu. Và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lại được giao quyền “phê duyệt” các hợp đồng xuất khẩu gạo mà nhà xuất khẩu đăng ký, được công bố giá sàn xuất khẩu... Đồng thời, 40-60% lượng gạo xuất khẩu hàng năm có được là thông qua giao dịch giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước.

Các hợp đồng tập trung này được VFA, hai tổng công ty phân phối lại cho các doanh nghiệp thành viên, với giá ấn định thay vì giá thị trường. Các doanh nghiệp này lại đặt hàng từ các doanh nghiệp tư nhân để có nguồn gạo cung ứng. Nếu có sai lầm về giá từ các hợp đồng tập trung (nếu sau đó giá thị trường tăng vọt), tất cả... cùng gánh - kể cả nông dân, bởi họ không còn kênh tiêu thụ nào khác! Do vậy, giao dịch trên, theo “nghiên cứu nhóm”, được mô tả là th ực hiện trong “một trạng thái tâm lý nhà nước”. Chính vì thế, hoạt động xuất khẩu bị quản lý nặng nề, thiếu sức cạnh tranh và tạo ra một “sân chơi” thiếu bình đẳng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân muốn xuất khẩu lại bị hạn chế khả năng tham gia vào các cam kết thương mại dài hạn. Do đó, đầu tư vào việc cải tạo và cải thiện chuỗi cung ứng để có thể giúp nông dân có lợi hơn cũng bị hạn chế do không chắc chắn rằng khi nào, bằng cách nào... công ty của họ có thể giao dịch xuất khẩu khi thị trường gần như bị các “đại gia” chi phối với giá ấn định. Khi chuỗi cung ứng vẫn không được cải thiện, các tầng nấc trung gian vẫn dài lê thê, đương nhiên lợi nhuận của người trồng lúa bị “cắt xẻo” dần.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PNNT Bùi Bá Bổng, trong sản xuất lúa gạo, các câu hỏi bắt đầu bằng từ “nếu như” được đưa ra nhiều lần. Nếu như khâu tiêu thụ lúa và xuất khẩu gạo được tổ chức tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu như lợi ích của khâu sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu được chia sẻ công bằng hơn... Chỉ khi nào không còn hai từ “nếu như”, mới không còn cảnh nông dân trồng ra hạt lúa vẫn là những người nghèo khó, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển...

Do đó, theo “nghiên cứu nhóm”, cần cải cách chính sách gắn với sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Bởi “ôm” cây lúa mãi vẫn nghèo, nông dân sẽ nản lòng, không tiếp tục trồng. Đây mới chính là sự đe dọa tính bền vững của những thành tựu khổng lồ về an ninh lương thực của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại. Và nếu giảm được sự thống lĩnh của doanh nghiệp quốc doanh trong kinh doanh xuất khẩu gạo, ví dụ như giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo của họ từ 80% xuống còn 40% để tăng tỷ trọng tại thị trường nội địa từ 20% lên 40%, thì sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể.

Cụ thể, khi các điều kiện khác không đổi, sự thay đổi tỷ trọng như trên giúp giá gạo xuất khẩu tăng 3,9%, theo nghiên cứu nói trên. Khi đó nông dân sẽ có lợi hơn.

Bá Phú

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đường “chảy” qua Trung Quốc (20/06/2011)

>   G20: Kế hoạch toàn cầu kiểm soát giá lương thực (19/06/2011)

>   Ồ ạt xuất thô “vàng trắng” (18/06/2011)

>   Sẽ kiến nghị nhập đường nếu giá đường tăng (16/06/2011)

>   Xuất khẩu gạo, khó qua "ải"! (16/06/2011)

>   Bấp bênh hạt điều (14/06/2011)

>   Thị trường cà phê: Đồng sàng dị mộng (14/06/2011)

>   Sản xuất nhiên liệu sinh học đẩy giá lương thực tăng (13/06/2011)

>   Thái Lan xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong 5 tháng (13/06/2011)

>   Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (13/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật