Sản xuất nhiên liệu sinh học đẩy giá lương thực tăng
Theo báo cáo của 10 tổ chức quốc tế, chính phủ các nước nên từ bỏ hỗ trợ sản xuất nhiên liệu sinh học vì chính các chương trình này làm giá lương thực trên thế giới liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Báo cáo của 10 tổ chức trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), còn thông tin về sự phản đối ngày càng nhiều đối với các mục tiêu và trợ giá nhiên liệu sinh học tại châu Âu, Canada, Ấn Độ và Mỹ.
"Nếu giá dầu cao và giá trị nông sản phục vụ sản xuất năng lượng cao hơn mức tương ứng trên thị trường lương thực, thì các mùa vụ sẽ được chuyển sang cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học và điều này chắc chắn làm giá lương thực tăng cao hơn. Trong mối tương quan này, những thay đổi về giá dầu sẽ làm gián đoạn hay tăng nguy cơ mất ổn định đối với thị trường nông sản," báo cáo ghi nhận.
Báo cáo trên được chuẩn bị theo đề nghị của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20). Theo kế hoạch, G20 sẽ nhóm họp trong hai ngày 22 và 23/6 tại Paris, Pháp để bàn thảo về các vấn đề chính sách cần thiết, từ tăng tính minh bạch của thị trường đến hạn chế đầu cơ trên thị trường hàng hóa.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2011, Pháp dành ưu tiên cho việc ngăn chặn bất ổn giá lương thực và đặt quyết tâm chống lại nạn đầu cơ trên thị trường hàng hóa châu Âu.
Nhiên liệu sinh học làm nổ ra cuộc tranh cãi dữ dội về "lương thực so với nhiên liệu" kể từ khi giá lương thực tăng cao kỷ lục hồi năm 2007-2008. Các hãng sản xuất ethanol của Mỹ cho rằng việc dựng lên cuộc tranh cãi này là không công bằng và quá phóng đại tác động của nhiên liệu sinh học đối với giá lương thực trên thế giới.
Trong khi đó, nhóm phản đối nhiên liệu sinh học khẳng định cần phải kiểm soát sản xuất loại nhiên liệu này để chống nạn phá rừng, nhất là khi tiêu thụ nhiên liệu sinh học có lúc còn thải nhiều khí CO2 hơn cả sử sụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo thống kê ghi trong báo cáo, nhiên liệu sinh học "ngốn" khoảng 20% vụ mía đường, 9% tổng sản lượng hạt có dầu và ngũ cốc thô trên thế giới trong thời gian 2007-2009./.
Trang Nhung
Vietnam+
|