Thứ Sáu, 03/06/2011 14:10

Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam: An toàn nhất thế giới

Đại diện Nga vừa cam kết đưa nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động đúng tiến độ năm 2020 với công nghệ tiên tiến và an toàn nhất thế giới. Tiền Phong phỏng vấn ông S. Boyarkin (ảnh) - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn ROSATOM (Nga), đối tác chiến lược của dự án.

Thiết kế NMĐHN của Nga có đặc điểm nổi bật gì chứng tỏ độ an toàn được đảm bảo ở mức cao hơn so với các nước khác, thưa ông?

Các NMĐHN đang xây dựng tại Nga là thế hệ 3 và 3+. So với thiết kế thế hệ 2, thiết kế của thế hệ 3 an toàn hơn rất nhiều. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của các thế hệ này là, khi xảy ra bất cứ sự cố nào, đều đảm bảo an toàn cho dân cư, môi trường ngoài khu vực nhà máy. Điều đó có nghĩa, khi xảy ra sự cố, tất cả chất phóng xạ và xả thải phóng xạ đều được giữ và cô lập trong nhà máy.

Trong thiết kế các NMĐHN của Nga, các rào cản phóng xạ được sắp đặt kế tiếp như các lớp của búp bê Nga. Tất cả các chất phóng xạ phát sinh đầu tiên nằm trong búp bê nhỏ nhất, tức là ở lớp trong cùng. Các thanh nhiên liệu, bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng đều nằm trong đó. Nếu búp bê đó bị phá vỡ thì búp bê bên ngoài sẽ đảm đương chức năng bảo vệ. Như vậy, có một loạt hệ thống rào cản ngăn ngừa các chất phóng xạ.

Trong nhà máy Fukushima của Nhật Bản – thiết kế thuộc thế hệ thứ 2, bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng nằm ngoài lò phản ứng. Trong thiết kế của chúng tôi, bể đó nằm bên trong lớp vỏ kín bảo vệ. Như vậy, các chất phóng xạ không thể lọt ra ngoài. Trong thiết kế của chúng tôi, có tất cả các hệ thống đảm bảo an toàn của cả châu Âu và châu Mỹ.

Ông S. Boyarkin - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn ROSATOM (Nga).

Ngoài ra, theo thiết kế của chúng tôi, các nhà máy được xây dựng đều có một loạt chương trình và hệ thống đảm bảo an toàn chủ động, cũng như bị động.

Các hệ thống an toàn thụ động hoạt động hoàn toàn, không cần hỗ trợ của điện áp bên ngoài. Tức là không cần có điện cũng hoạt động theo nguyên lý tự nhiên, như nguyên lý trọng lực, nguyên lý trao đổi nhiệt tự nhiên. Người vận hành không thể can thiệp vào hoạt động của chúng, không thể tùy tiện tắt, mở.

Khi nhiệt độ trong lò phản ứng đạt đến một mức độ nhất định thì hệ thống này tự hoạt động. Cơ chế này giúp lò phản ứng trở nên an toàn hơn hẳn nếu gặp sự cố tương tự NMĐHN Fukushima (Nhật Bản). Với Fukushima, hệ thống điện dự phòng bị mất do ngập nước nên nó không đảm bảo được hoạt động cho các hệ thống đảm bảo an toàn. Đó là nguyên nhân chính để sự cố phát triển trầm trọng.

Ngoài ra, thiết kế thế hệ 3 của Nga là thiết kế duy nhất có hệ thống, cơ chế cô lập chất nóng chảy, gọi là bẫy nóng chảy. Sự cố xảy ra dù ở mức độ nào và biến thái như thế nào thì chất nóng chảy cũng không thể vượt ra ngoài phạm vi của lò phản ứng.

Năm 2005 chúng tôi bắt đầu áp dụng bẫy nóng chảy đó tại NMĐHN đặt ở Trung Quốc. Cơ quan Nguyên tử năng lượng Quốc tế (IAEA) đã công nhận hệ thống này là an toàn nhất thế giới. Thiết kế với bẫy nóng chảy như thế có trong phiên bản 3+.

Nga hỗ trợ gì cho Việt Nam trong đào tạo nhân lực?

Tới đây, chúng tôi có các trung tâm đào tạo, huấn luyện cho sinh viên ngay tại các NMĐHN do chúng tôi xây dựng, với kích cỡ thực. Mô hình có phòng điều khiển, chỉ huy, bàn điểu khiển, nút điều khiển như thực. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một mô hình tương tự tại tỉnh Ninh Thuận. Trung tâm sẽ hoạt động trước khi xây dựng xong NMĐHN Ninh Thuận hai năm. Các nhân viên vận hành nhà máy sẽ được thực hành ngay tại trung tâm.

Lắp ráp một lò phản ứng hạt nhân Nga tại Trung Quốc. 

Ông nhìn nhận thế nào về địa điểm xây dựng NMĐHN đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận?

Địa điểm Việt Nam chọn xây nhà máy hiện nay nhìn chung đạt yêu cầu. Theo kinh nghiệm, vị trí đặt lò phản ứng có thể dịch chuyển 1 – 2 km so với vị trí xác định ban đầu.

Tiến độ xây dựng các NMĐHN tại nhiều nước thường chậm hơn dự kiến nhiều năm. Việt Nam liệu có thể vận hành NMĐHN đầu tiên đúng như dự kiến, vào năm 2020?

Các công ty của Pháp lâu không xây NMĐHN nên, khi xây ở Phần Lan, không đảm bảo được tiến độ. Các công ty của Nhật xây dựng NMĐHN trên lãnh thổ Nhật thì đảm bảo tiến độ, còn xây ở nước ngoài thì không. Ví dụ họ xây ở Đài Loan, tiến độ không đảm bảo do điều kiện không như ở Nhật.

Trong khi đó, Tập đoàn ROSATOM xây dựng liên tục không chỉ ở Nga mà còn ở nhiều nước, không có thời gian đứt quãng. Vì thế, chúng tôi đảm bảo tiến độ nếu không có biến cố gì đặc biệt.

Tại Nga, năm 2009, chúng tôi đưa tổ máy mới vào hoạt động. Năm nào cũng có thêm tổ máy mới. Trên cơ sở kinh nghiệm, khả năng của chúng tôi, có thể khẳng định tiến độ NMĐHN Ninh Thuận sẽ hoạt động vào năm 2020.

Cụ thể các bước đi sẽ như thế nào?

Hai năm tới, chúng tôi phải thực hiện xong khảo cứu, đánh giá kỹ càng địa điểm xây dựng. Khi có kết quả chính xác, sẽ kết hợp thiết kế với vị trí xây dựng cụ thể. Sau đó, phải phân tích công tác an toàn với nhà máy.

Sau khi tính toán, thử nghiệm nhiều lần thiết kế trong điều kiện cụ thể tại Ninh Thuận, chúng tôi sẽ bắt đầu xây nhà máy đầu tiên năm 2014. Mỗi mối hàn của nhà máy sẽ do cơ quan pháp quy Việt Nam là Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân kiểm tra. Với sự giám sát chặt chẽ chúng tôi tin rằng, an toàn sẽ được đảm bảo tối đa.

Nhiều nước xem xét lại chiến lược hạt nhân

Về việc Đức dự kiến dừng chương trình ĐHN vào năm 2022, TS Lê Văn Hồng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết: Đức chủ trương phát triển năng lượng gió. Đây là hướng đi tốt, chúng ta ủng hộ, nhưng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng nước.

Quyết định phát triển ĐHN hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố của mỗi quốc gia. Mỗi quốc gia phải tự quyết định. Phải căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các nguồn năng lượng truyền thống, tái tạo, hạt nhân.

Sau sự cố ĐHN của Nhật Bản, nhiều nước xem xét lại chiến lược năng lượng hạt nhân. Các chuyên gia ĐHN thế giới sẽ xem xét kỹ bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, từ đó các lò phản ứng sắp tới sẽ được thiết kế ở mức an toàn cao hơn.

Chắc chắn nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chương trình ĐHN vì nó cung cấp nguồn năng lượng lớn, có những ưu thế mà các nguồn năng lượng khác không có được. ĐHN rẻ hơn các nguồn năng lượng khác. Khi mình xây dựng đến dự án ĐHN thứ 5, thứ 6 thì giá thành sẽ hạ xuống rất nhiều.

Ông S. Boyarkin: Pháp vẫn vận hành NMĐHN và còn có kế hoạch xây nhà máy mới. Phần Lan có xây bốn tổ máy, đang xây tổ máy thứ 5 và dự kiến tổ chức thầu tổ máy thứ 6. Cho nên, quan điểm của các nước là khác nhau trong phát triển ngành năng lượng hạt nhân.

Khi dừng phát triển ĐHN, Đức phải mua điện từ Pháp, mà điện đó cũng do NMĐHN cung cấp. Nếu dừng toàn bộ các NMĐHN, họ sẽ phải mua điện từ các NMĐHN của Czech do chúng tôi xây dựng. ĐHN rẻ nhất so với các dạng năng lượng khác. Đây là một nhân tố quan trọng quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Mỹ Hằng (thực hiện)

TIỀN PHONG

Các tin tức khác

>   Vinashin: Thanh tra đề nghị chuyển 7 vụ việc sang Bộ Công an (03/06/2011)

>   Cuối tháng 7, Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng (01/06/2011)

>   VISecurities “bán nhầm” cổ phiếu của nhà đầu tư   (01/06/2011)

>   Tổng giám đốc Mía đường La Ngà dùng bằng giả (01/06/2011)

>   Nhận hối lộ, một giám đốc Techcombank bị bắt (31/05/2011)

>   Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam bị chém (30/05/2011)

>   Nhật phát hiện nồng độ phóng xạ gấp vài trăm lần tại đáy biển (29/05/2011)

>   Cháy lớn, CTCP Đầu tư & Thương mại TNG thiệt hại hàng trăm tỷ đồng (28/05/2011)

>   “Tàu Trung Quốc phá hoại tàu địa chấn của Việt Nam là ngang ngược" (27/05/2011)

>   Giám đốc MHB ôm gần 60 tỷ bỏ trốn (27/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật