Thứ Ba, 21/06/2011 06:10

Lãi suất trái phiếu hạ nhiệt

Phiên đấu thầu 5.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) ngày 16.6 vừa qua đã thành công với lãi suất (LS) 12,3%/năm cho kỳ hạn 3 năm và 5 năm. So với đợt đấu thầu cuối tháng 5, LS đã giảm được 1%/năm.

Nhu cầu trái phiếu chính phủ gia tăng

Những đợt đấu thầu TPCP trong tháng 6 thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đều có tỷ lệ thành công 100% với lượng tham gia đấu thầu gia tăng mạnh mẽ. Ví dụ trong phiên đấu thầu ngày 26.6, khối lượng gọi thầu ở kỳ hạn 3 năm có 2.000 tỉ đồng nhưng khối lượng đăng ký tham gia đến hơn 6.000 tỉ đồng; khối lượng gọi thầu ở kỳ hạn 5 năm là 1.000 tỉ đồng nhưng tổng khối lượng đăng ký đạt gần 5.000 tỉ đồng. Điều này cũng diễn ra tương tự với đợt đấu thầu ngày 9.6 khi khối lượng gọi thầu là 3.000 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm và 5 năm) nhưng tổng khối lượng đăng ký đạt hơn 17.700 tỉ đồng (gấp gần 6 lần). Đặc biệt LS những phiên đấu thầu TPCP trong tháng 6 đã liên tục giảm xuống sau khi đạt đến mức cao 13,3%/năm vào cuối tháng 5.

Giải thích việc này, ông Trịnh Hoài Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam - cho rằng LS liên ngân hàng (NH) thời gian gần đây đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, một lượng vốn khá lớn từ nguồn TPCP cũ đã đến thời điểm đáo hạn nên một số NH lớn có nguồn vốn dồi dào hơn, phải tìm kênh đầu tư. Thế nhưng, các NH cũng bị hạn mức tăng trưởng tín dụng giới hạn dưới 20% cho năm nay nên nguồn vốn đó đang được đổ vào TPCP. Điều đó khiến cho LS TPCP giảm dần là chuyện dễ hiểu.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) - nhận định thậm chí một số NH chưa thể khẳng định là nguồn vốn đang dồi dào nhưng một phần dòng vốn đó đang cần phải tìm đầu ra. Các NH đang bị “vướng” ở hạn mức tăng trưởng tín dụng, kênh đầu tư vào chứng khoán cũng khó khăn, thị trường ngoại tệ trầm lắng, việc cho vay ở thị trường liên NH cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro… Vì vậy TPCP trở thành kênh dẫn đầu để thu hút nguồn vốn này. TS Lê Thẩm Dương phân tích: Mua TPCP luôn có độ rủi ro gần bằng không. Hơn nữa, các NH nắm TPCP vẫn chủ động được nguồn vốn của mình, đảm bảo tính thanh khoản vì vẫn có thể bán lại hoặc thế chấp vay lại ở thị trường mở. Đó là chưa kể đôi khi có được lợi suất cơ hội.

Theo ước tính, chỉ riêng các đợt đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh thông qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ đầu tháng 6 đến nay, khối lượng gọi thầu đạt tới 12.700 tỉ đồng và tỷ lệ trúng thầu đạt tới 100%. Tuy nhiên LS trúng thầu ngày càng giảm cho thấy nhu cầu về TPCP đang gia tăng trở lại cùng với kỳ vọng lạm phát giảm dần (LS kỳ hạn TPCP dài có LS thấp hơn kỳ hạn ngắn).

Cơ hội giảm lãi suất

Nhu cầu về TPCP đang cao khiến cho LS đấu thầu TPCP giảm dần được các chuyên gia kinh tế đánh giá tích cực. Bên cạnh đó, LS liên NH cũng đã giảm và ổn định ở mức thấp từ 13 - 15%/năm (tùy kỳ hạn) trong những tuần qua. Đó là những điều kiện đầu tiên cho việc giảm mặt bằng chung LS trên thị trường hiện nay. Vì vậy hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng LS huy động và cho vay trong thời gian tới của các NH thương mại có nhiều khả năng giảm xuống từ từ. Tuy nhiên nó vẫn còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chính sách điều hành chung của Ngân hàng Nhà nước.

TS Lê Thẩm Dương dự báo LS của TPCP sẽ tiếp tục giảm nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nếu CPI dần dần hạ nhiệt theo đúng mục tiêu Chính phủ đang thực hiện thì việc giảm được LS là điều chắc chắn. Điều quan trọng là Chính phủ nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng phải đủ kiên quyết và kiên trì để thực hiện đúng mục tiêu mà Nghị quyết 11 đã đề ra. TS Lê Thẩm Dương nói: Theo tôi, chính sách tiền tệ hiện nay đã đi đúng hướng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên cần phải kiên quyết để không tạo cơ hội cho những NH yếu kém “xé rào”. Điều đó sẽ làm gia tăng lòng tin của người dân và các tổ chức vào chính sách của Chính phủ và góp phần loại bỏ lạm phát kỳ vọng.

Ông Trịnh Hoài Giang cũng cho rằng việc LS của các NH có khả năng hạ nhiệt trong thời gian tới hay không cũng còn phụ thuộc một phần vào chính sách điều hành của NH Nhà nước. “Theo tôi NH Nhà nước nên tách riêng những NH gặp khó khăn về thanh khoản để xử lý. Từ đó các NH đang dồi dào nguồn vốn sẽ tự động giảm LS huy động và cho vay xuống vì không lo ngại về một cuộc chạy đua huy động nhằm lôi kéo khách hàng từ những NH nhỏ nữa”, ông Giang nói.

Mai Phương

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   23/06, HNX đấu thầu 7,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (20/06/2011)

>   Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm (16/06/2011)

>   Trái phiếu sôi động, cổ phiếu đìu hiu (10/06/2011)

>   Đấu thầu thành công 3,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (10/06/2011)

>   Vốn ngoại đang chảy vào trái phiếu (09/06/2011)

>   Đấu thầu thành công 600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (08/06/2011)

>   Quê hương Liberty lấy ý kiến chuyển đổi trái phiếu trước hạn (07/06/2011)

>   Ngân hàng Chính sách Xã hội đấu thầu 2,000 tỷ đồng trái phiếu (06/06/2011)

>   Đấu thầu thành công 2,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (03/06/2011)

>   Tiền ngân hàng bắt đầu chảy về kênh trái phiếu (01/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật