Đồng tiền đi trước…
Lạm phát ở nước ta đã có những dấu hiệu giảm tốc. Có một số ý kiến cho rằng, Chính phủ nên bắt đầu nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã dùng đến từ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ. Chống lạm phát là một nhiệm vụ quan trọng nhất của ngân hàng Trung ương ở mọi quốc gia và đó là công việc không bao giờ dừng lại. Trong tình thế hiện nay, việc điều hành tiền tệ nên như thế nào?
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, đồng thời điều chỉnh cơ cấu tín dụng tập trung cho sản xuất, xuất khẩu, công nghiệp và nông nghiệp nông thôn. “Bài toán” lãi suất cao quả thực là rất nan giải, liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ “giải mã” ra sao? Có một nguyên lý hiển nhiên là, khi thắt chặt tiền tệ thì lãi suất phải vọt lên và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh.
Cụ thể là doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí lãi vay cao, những doanh nghiệp nào có nguồn vốn chủ yếu “sống dựa” vào ngân hàng sẽ lao đao, khốn đốn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, phải cố gắng giảm tác động xấu càng thấp càng tốt. Tất nhiên, không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Khi lạm phát giảm nhiệt, cùng với các công cụ thị trường và hành chính khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực “kéo” lãi suất hạ xuống.
Không ít ý kiến kêu rằng, khi lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã quá “mạnh tay” thắt chặt tiền tệ một cách đột ngột, gây sốc. Ông Thống đốc giãi bày rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước gần như “đi trên dây”. Khi lạm phát lên cao tất phải thắt chặt tiền tệ. Thắt chặt tiền tệ thì lãi suất phải cao lên, thanh khoản của hệ thống khó khăn. Nhiều chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần đưa thêm tiền ra.
Câu hỏi đặt ra là, lạm phát đang “sốt nóng” mà bơm thêm tiền ra thì giải quyết được vấn đề gì? Một số chuyên gia kinh tế và ngân hàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thành công khi kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 5%, hoặc ít nhất ngang bằng của các nước trong khu vực. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ là quá sớm, bởi vì để chống lạm phát thành công, đầu tiên và quan trọng nhất là cấu trúc của nền kinh tế. Cụ thể là việc cắt giảm cung tiền sẽ đẩy lãi suất tăng lên và điều này làm giảm tiêu dùng lẫn đầu tư.
Song ở nước ta, lãi suất cao có làm giảm đầu tư hay không? Nếu tất cả các khoản vay theo cơ chế thị trường thì trong ngắn hạn đầu tư sẽ giảm, làm cho lạm phát giảm. Tuy nhiên, nếu các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp có sự ưu đãi nào đó, thì kết quả của giải pháp vĩ mô sẽ không như mong đợi. Thực ra, việc lạm phát chững lại trong một tháng vừa rồi chưa phải là dấu hiệu thành công “mừng quá sớm” của chính sách tiền tệ thắt chặt. Với mức tăng trưởng GDP hai quý đầu năm 2011 vào khoảng 5,6% cho thấy một bộ phận của nền kinh tế đã phải thu hẹp sản xuất. Nhưng mức độ thu hẹp chứng tỏ kinh tế không rơi vào đổ vỡ dây chuyền.
Như vậy mức lãi suất hiện nay là khá hợp lý trong bối cảnh lạm phát tính theo năm vẫn xấp xỉ 20%. Mặt khác, lạm phát chỉ có thể “dập tắt” khi người dân và doanh nghiệp tin rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ được thực hiện có hiệu quả. Giới chuyên gia nhấn mạnh, cắt giảm lạm phát không phải là việc riêng của chính sách tiền tệ mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa. Nếu cắt giảm chi tiêu công không có dấu hiệu tích cực thì thắt chặt tiền tệ sẽ không có tác dụng nhiều.
Từ xưa đến nay, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nhất là trong việc điều hành chính sách tiền tệ của một quốc gia. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể đảm bảo rằng lãi suất kỳ vọng luôn thực dương và bám sát với tốc độ lạm phát.
Đan Thanh
An Ninh Thủ đô
|