Thứ Năm, 09/06/2011 16:29

Chính sách tài khóa: Chặt và chưa chặt

Đến nay, chính sách tài khóa vẫn chưa được xem là đã song hành với chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát.

Quá chặt

Trong những ngày đầu tiên sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết 11 hôm 23-2-2011, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cả ban ngày lẫn ban đêm với các nhà hoạch định chính sách chủ chốt. Kết quả của các cuộc họp đó là sự ra đời của Chỉ thị số 01, văn bản đặt ra hành lang mang tính pháp lệnh cho hệ thống ngân hàng thương mại trong năm nay theo hướng thắt chặt chưa từng có trong một thập kỷ gần đây. Động thái đó của Ngân hàng Nhà nước, theo các nhà kinh tế, đã thực sự bẻ lái chính sách tiền tệ mở rộng liên tục, làm tăng trưởng tín dụng lên tới trung bình 33% mỗi năm trong vòng tám năm qua.

Tinh thần chặt chẽ đã được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ kéo dài suốt từ đó đến nay, với việc ban hành hàng loạt các văn bản khác như kiểm soát ngoại tệ, quản lý vàng, kiểm soát tín dụng… Một số diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây cho thấy các chính sách của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có tác động tích cực. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra nói: “Lần đầu tiên trong 27 tháng qua, tỷ giá hối đoái chính thức và trên thị trường tự do có chênh lệch ít. Rõ ràng đây là thay đổi đáng kể”. Trong một văn bản đánh giá sơ bộ về việc thực hiện Nghị quyết 11 trình Chính phủ gần đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt của tấm huy chương. Chính sách tiền tệ thắt chặt đã làm cho lãi suất hiện tại đang ở mức “cao nhất trong vòng vài chục năm nay ở Việt Nam”, theo nhận định của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa. Một tờ báo điện tử trích dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lãi suất huy động tăng đến 17-19% cho các kỳ hạn, cá biệt lên đến 20%; lãi suất cho vay dao động khoảng 20-25%, cá biệt lên đến 27%. Lãi suất đó gây khó khăn như thế nào cho doanh nghiệp các vị lãnh đạo biết rõ. Bộ trưởng Phúc nhấn mạnh trong một báo cáo gửi Chính phủ: chi phí vốn tăng cao đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Ông Nghĩa kể lại, có nhiều doanh nghiệp nói rằng giờ họ chỉ còn hai con đường thôi. Một là để công nhân ra đường, hai là đi buôn lậu. “Còn với lãi suất này chúng tôi không thể làm ăn gì được”, một doanh nhân nói với ông Nghĩa.

Chưa chặt

Cũng như Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo hai bộ kinh tế chủ chốt là Kế hoạch Đầu tư và Tài chính cũng có hàng loạt cuộc họp để xem xét cắt giảm đầu tư công. Cho đến gần đây, các nhà điều hành kinh tế mới đi đến nhận thức chung rằng, chống lạm phát dứt khoát phải thắt chặt chính sách tài khóa, bên cạnh chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Các tuyên bố và hành động đã liên tục được hai bộ này đưa ra với nỗ lực truyền tải thông điệp chính “chính sách tài khóa đang rất chặt chẽ”.

Nhưng đã xuất hiện những câu hỏi từ những con số thống kê về nỗ lực đó. Hãy thử xem các con số cắt giảm của hai khoản chi lớn nhất từ ngân sách nhà nước là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cho biết, tiền cắt giảm chi thường xuyên là 3.857,7 tỉ đồng gồm cả các cơ quan trung ương và địa phương. Đặt cạnh tổng chi thường xuyên là 442.100 tỉ đồng trong năm nay, và yêu cầu phải cắt giảm 10% chi thường xuyên của chín tháng còn lại trong năm theo Nghị quyết 11, con số cắt giảm đó quả thật nhỏ nhoi. Đó là chưa kể đến các khoản cắt giảm này vẫn còn khoanh đó để Bộ Tài chính xem xét chứ chưa thật sự cắt.

Trong khi đó, cả bộ Kế hoạch và Đầu tư lẫn Tổng cục Thống kê đều cho biết: vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện năm tháng đầu năm 2011 ước đạt xấp xỉ 73.400 tỉ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2010. Bản thân con số này đặt câu hỏi, vì sao đầu tư công vẫn tăng trong ba tháng qua khi chính sách tài khóa được tuyên bố thắt chặt so với năm có chính sách tài khóa mở rộng.

Có lẽ, kinh nghiệm của những năm gần đây cho thấy, Việt Nam không thể ngừng mở rộng đầu tư công. Các báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội khóa 12 cho biết, chi phát triển luôn tăng rất cao so với dự toán, tới 19,8% năm 2008, 59,5% năm 2009 và 19,5% trong năm 2010. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, người luôn bị ủy ban trên nhận xét là “chưa nghiêm” trong chi tiêu ngân sách, cho rằng: “Áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn, nhu cầu đòi hỏi cao cả chi đầu tư và chi thường xuyên”.

Đến nay đã xuất hiện không ít lời than phiền từ cộng đồng doanh nghiệp về sự phối hợp chính sách như trên. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nói trong phiên đối thoại với đại diện Chính phủ: “Trong việc phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, chúng tôi đề nghị cần thực hiện triệt để và quyết liệt hơn việc cắt giảm đầu tư công và chi tiêu công để tạo dư địa cho việc bảo đảm tín dụng tốt hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp”. Ông cho biết, lãi suất tăng cao đã buộc nhiều doanh nghiệp phải đình hoãn các dự án mở rộng sản xuất, hoặc hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí phải đóng cửa.

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   IMF: Việt Nam cần tiếp tục nâng lãi suất (09/06/2011)

>   Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 13,5 tỷ USD (09/06/2011)

>   Giám sát thu nhập của lãnh đạo tập đoàn kinh tế (06/06/2011)

>   “Huyết mạch” kinh tế cần được khơi thông (03/06/2011)

>   Ngân hàng và doanh nghiệp logistics: Nhìn từ những cú bắt tay (02/06/2011)

>   Sẽ kiểm tra các công ty kiểm toán (28/05/2011)

>   Ổn định thị trường tiền tệ: Tìm rõ “bệnh” mới phát sinh (27/05/2011)

>   Điều chưa từng xảy ra kể từ ngày điều chỉnh tỷ giá (23/05/2011)

>   HSBC: Lạc quan về triển vọng kinh doanh 6 tháng tới (20/05/2011)

>   Ngân hàng thời... giật gấu vá vai (20/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật