Chứng khoán Mỹ trượt dài tuần thứ 5 liên tiếp
(Vietstock) - Ngày càng xuất hiện nhiều chứng cứ cho thấy đà phục hồi kinh tế Mỹ đang dần đuối sức. Điều này đã thổi bay đà phục hồi của thị trường chứng khoán và khiến các chỉ số chính mất điểm tuần thứ 5 liên tiếp, đợt điều chỉnh dài nhất kể từ giữa năm 2008.
* Mỹ: Thị trường việc làm tăng trưởng chậm nhất trong 8 tháng
Vậy điều gì sẽ diễn ra trong thời gian tới? Theo các nhà phân tích, nhà đầu tư đừng nên kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Chắc chắn sẽ không có gói kích thích thứ 3. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất về mức gần 0% và cho biết sẽ kết thúc chương trình mua 600 tỷ USD trái phiếu vào cuối tháng này.
Trước tình trạng giá gas cao đã kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vẫn còn lưỡng lự trong việc tuyển dụng, nhà đầu tư có thể phải chấp nhận tình trạng ảm đạm của thị trường chứng khoán và đà phục hồi yếu kém của nền kinh tế.
Ông Jeff Kleintop, chiến lược gia trưởng của LPL Financial nhận định: “Rõ ràng, thị trường đang làm quen dần với các thông tin kinh tế kém khả quan. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn phục hồi sang giai đoạn tăng trưởng khiêm tốn hơn”.
Bản báo cáo việc làm đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trong phiên giao dịch cuối tuần, hai ngày sau khi Dow Jones trải qua phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần một năm.
Các nhà tuyển dụng cộng thêm chỉ 54,000 công nhân trong tháng 5, mức ít nhất trong 8 tháng và thấp hơn gần một nửa so với dự báo của các nhà phân tích. Trong đó, các công ty tư nhân tuyển dụng ít nhân viên nhất trong gần một năm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 9% lên 9.1%.
Thị trường mở cửa với mức giảm khá mạnh sau thông tin trên nhưng dần phục hồi nhờ báo cáo vào giữa buổi sáng của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM). Chỉ số dịch vụ ISM cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng 18 tháng liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng cải thiện so với tháng 4, vốn là tháng tăng trưởng chậm nhất trong 8 tháng.
Vào giữa phiên, các quan chức châu Âu cho biết Hy Lạp sẽ nhận được khoản tiền giải cứu tiếp theo trong cứu trợ khẩn cấp. Thông tin này xoa dịu bớt những bất ổn về cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp và cũng là yếu tố giúp các thị trường chứng khoán khu vực tăng điểm.
Bất chấp sự lình xình gần đây của thị trường, giới phân tích cho rằng nền kinh tế vẫn còn rất nhiều điểm sáng như chi tiêu doanh nghiệp và tín dụng ngân hàng. Ông Kleintop cho rằng thị trường vẫn có thể tăng điểm trong năm nay nhưng sẽ rất chậm. Đà phục hồi sẽ rất bấp bênh chứ không diễn ra bằng phẳng.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 97.29 điểm (0.79%) xuống 12,151.26 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 12.78 điểm (0.97%) xuống 1,300.16 điểm, chỉ số Nasdaq Composite trượt 40.53 điểm (1.46%) xuống 2,732.78 điểm.
Tính cả tuần, ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq cùng trượt 2.3%.
Đối với S&P 500, đây là tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2010. So với các mức cao xác lập vào cuối tháng 4, chỉ số này đã giảm 5%.
Thị trường châu Âu đóng cửa trong sắc xanh với chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 7.09 điểm (0.12%) lên 5,855.01 điểm, chỉ số DAX của Đức cộng 34.91 điểm (0.49%) lên 7,109.03 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp nhích 0.81 điểm (0.02%) lên 3,890.68 điểm.
Phạm Thị Phước (Theo Reuters, AP)
|