Tháng 5 bắt đáy chứng khoán?
(Vietstock) – Thăm dò trong tháng 4/2011 của Vietstock cho thấy có tới gần 50% nhà đầu tư tin rằng thị trường đã đạt đáy và có thể bắt đầu giải ngân mạnh. Liệu điều này có hợp lý?
Sẵn sàng bắt đáy
Thăm dò trong tháng 4/2011 do Vietstock thực hiện tại trang vietstock.vn với câu hỏi “ Chiến lược đầu tư nào hiệu quả nhất trong quý 2/2011?” cho thấy nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bắt đáy thị trường trong quý 2/2011.
Giới đầu tư vẫn đang khá lạc quan trước triển vọng của thị trường khi có đến gần 50% phiếu thăm dò cho rằng giá cố phiếu đã ở vùng đáy và có thể bắt đầu giải ngân mạnh để mua vào trong quý 2.
Trong khi đó, số người được thăm dò cho rằng nên rút khỏi thị trường và chuyển qua kênh đầu tư khác chỉ chiếm gần 30%. Đáng lưu ý là khi càng về cuối tháng 4, số người bi quan có chiều hướng nhích nhẹ, trước bối cảnh “chỉ số xanh, cổ phiếu đỏ” kéo dài dai dẳng.
21% số phiếu thăm dò vẫn còn lưỡng lự và cho rằng nên giữ nguyên vị thế và chờ cơ hội trong tương lai.
Hơn 1,400 phiếu thăm dò không phải là lớn so với cộng đồng đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, kết quả thăm dò này cũng giúp đánh giá phần nào tâm lý của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện tại. Rõ ràng vẫn có một số lượng không nhỏ nhà đầu tư đang tin thị trường đã ở vùng đáy và có thể giải ngân.
Giải ngân “bắt đáy” là hợp lý?
Chứng khoán thường “đi trước” kinh tế vĩ mô từ 3-6 tháng. Ngoài ra, nhiều người cũng tin rằng đỉnh của bất ổn vĩ mô chính là đáy của thị trường chứng khoán. Như vậy, liệu hiện nay đã là đỉnh của bất ổn vĩ mô hay chưa?
Lạm phát tháng 4 đã lên đến 17.51% và xu thế tăng giá vẫn đang rất mạnh. Điều này cho thấy lạm phát vẫn còn tiếp tục cao trong một số tháng tới. Cùng với lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì lãi suất chắc chắn chưa phải là đỉnh.
Xét về triển vọng nền kinh tế, có thể thấy GDP quý 1/2011 chỉ tăng trưởng được 5.43%, mức thấp nhất kể từ quý 3/2008 đến nay.
Mới đây, Chính phủ vừa hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2011 chỉ còn 6.5%, là mức thấp hơn kết quả đạt được của năm 2010.
Xét về thị trường chứng khoán, tín dụng cho đầu tư chứng khoán đang bị NHNN kiểm soát một cách khá chặt chẽ (tỷ trọng tín dụng cho khu vực phi sản xuất tối đa là 16% khi kết thúc năm 2011). Đây là yếu tố làm cho giới đầu tư lo ngại về triển vọng của thị trường. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 1 cũng không thật sự thuận lợi. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến diễn biến thị trường trong quý 2.
Xét về các yếu tố định giá thì dường như giá cổ phiếu đang khá hấp dẫn. Theo số liệu của Vietstock, P/E của thị trường đang ở mức 9 lần và P/B chỉ 1.5 lần. Hàng trăm cổ phiếu trên thị trường có P/E chỉ từ 4-6 lần và có tới 66% cổ phiếu đang được giao dịch dưới giá trị sổ sách. Nhiều cổ phiếu đã giảm về sát vùng đáy của thị trường vào ngày 24/02/2009.
Những con số này cho thấy có cơ sở để tin rằng “thị trường đã giảm quá sâu và không thể giảm nhiều hơn được nữa”
Như vậy, đối với những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị đây là một cơ hội lớn để tích lũy cổ phiếu cho một chu kỳ dài hạn hơn của thị trường.
Tóm lại, với bối cảnh vĩ mô và thị trường chứng khoán hiện nay thì thị trường có thể chưa phải là vùng đáy nhưng chắc chắn khó có thể giảm sâu hơn nữa. Gần 50% số nhà đầu tư được thăm dò cho rằng có thể giải ngân mạnh trong quý 2 là một điều rất đáng được lưu tâm.
Hoàng Nam
|