Phát hành giá cao: Tiền nào của nấy
Trong khi hầu hết DN bế tắc trong huy động vốn thì một số đơn vị lại bán được cổ phần với giá cao. Điều này có phải do bên mua hào phóng hay bên bán có ưu thế đặc biệt?
ĐHCĐ của CTCP Xây dựng Cotec (CTD) vừa thông qua kế hoạch phát hành 10,42 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 50.000 đồng/CP. Mức giá phát hành này chỉ cao hơn giá trị sổ sách 42.740 đồng/CP (tính đến 31/3/2011) một chút, nhưng ở thời điểm hiện tại, nó là mong muốn của rất nhiều DN. CTD cũng đặt điều kiện số cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTD cho biết, đã có nhiều đối tác đặt vấn đề tham gia đợt phát hành riêng lẻ này.
Theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán thì các đối tác muốn mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của CTD đợt này bao gồm cả quỹ đầu tư và các nhà thầu lớn nước ngoài. Vấn đề của CTD bây giờ là "chọn mặt gửi… phát hành". CTD có thể chọn tổ chức tài chính với đặc điểm sẵn sàng chi tiền, hay chọn đối tác cùng ngành có thể hỗ trợ tốt cho Công ty thực hiện chiến lược kinh doanh mới là mở rộng hoạt động thầu thi công sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Không chờ để mua cổ phiếu CTD trong đợt phát hành riêng lẻ, một cổ đông của CTD là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng phát triển Tân Việt đã chọn cách mua thỏa thuận 2,13 triệu cổ phiếu CTD từ các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital với giá 55.000 đồng/CP để trở thành cổ đông lớn của công ty này vào giữa tuần trước.
Gây chú ý trên thị trường gần đây là thương vụ Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR) bỏ ra 160 triệu USD để sở hữu 10% cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Masan (Masan Consumer - MSC). Giá mua này tương đương PE năm 2010 của cổ phiếu MSC là 22 lần và cao gấp rưỡi giá giao dịch của MSC trên thị trường tự do. Trước đó, Tập đoàn đồ uống Diageo - hãng sở hữu thương hiệu rượu Johnnie Walker - cũng chấp nhận chi 10,95 USD/CP của CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico). So với giá giao dịch cổ phiếu Halico trên thị trường tự do thì giá mà Diageo trả gần gấp 3 lần.
Liệu các tổ chức có "vung tay quá trán"? Không ít nhà đầu tư còn đặt giả thiết về sự bất thường khi nhìn về các thương vụ trên.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tài chính DN của CTCK Bản Việt khẳng định, "không có gì bất thường trong các thương vụ này". Sở dĩ đối tác chịu bỏ tiền mua cổ phần với giá cao là vì họ nhận ra những giá trị từ các thương vụ.
Cả Masan Consumer và Halico đều là những DN hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống - một ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua và cũng là lĩnh vực khá hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Hay ngành xây lắp mà CTD đang hoạt động cũng có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam.
Bản thân các đơn vị này là DN đầu ngành đã tăng trưởng rất ấn tượng nhiều năm qua. Như Masan Consumer trong năm 2010 đã tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi so với năm 2009. Tốc độ tăng này dự kiến vẫn tiếp tục duy trì trong các năm 2011 - 2012.
"Người mua trả cao, có thể còn vì những điều kiện đi kèm mà bên bán dành cho", ông Hoàn lý giải thêm. Nhìn lại vụ Lotte Confectionery (Hàn Quốc) mua 30,15% cổ phần ở Bibica (BBC) cũng vào một thời điểm mà giá cổ phiếu BBC đang ở mức rất thấp. Sau hơn 2 năm, Lotte đã đặt dây chuyền sản xuất bánh Choco-Pie, đưa sản phẩm Lotte vào phân phối ở 60.000 điểm bán lẻ của Bibica. Sắp tới, theo thông tin từ ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc của Bibica, "Lotte sẽ tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền, chuyển giao công nghệ cho Bibica". Lotte đã hỗ trợ Bibica và đồng thời cũng bước chân vào thị trường bánh kẹo Việt Nam một cách chắc chắn, không tốn công tốn sức đầu tư từ đầu.
Bây giờ, khi Diageo bỏ 51,6 triệu USD mua Halico, ý đồ cũng tương tự như Lotte từng thực hiện ở Bibica. Vì thế, thương vụ Diageo mua Halico, mới nghe rất hào phóng nhưng ngẫm kỹ thì lại tương đối sòng phẳng về lợi ích thương mại cho cả bên mua và bán.
Hay như ở CTD, trong số các đối tác quan tâm đến đợt phát hành sắp tới còn có một số chủ đầu tư bất động sản lớn. Chủ đầu tư bất động sản muốn trở thành cổ đông chiến lược của CTD đề nhà thầu này đồng hành trong việc phát triển các dự án bất động sản.
Đầu tư vào MSC và trước KKR là Quỹ Vietnam Azalea Fund Limited thuộc Mekong Capital đã thu về 18,84 triệu USD, gấp đôi số tiền mà quỹ này bỏ ra sau 18 tháng đầu tư.
Rõ ràng, câu "tiền nào của nấy", "đôi bên cùng có lợi" rất phù hợp để nói về những thương vụ kể trên. Chỉ có điều, số DN đạt được một quy mô đủ lớn, tăng trưởng ngoạn mục, đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư tổ chức chịu chi cao lại không nhiều.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán
|