Thứ Bảy, 28/05/2011 07:12

Nhập khẩu ôtô ngắc ngoải trước nguy cơ phá sản

Nếu như các công cụ trước đây như tăng thuế, qui định về cảng nhập khẩu không có tác dụng mấy thì thông tư mới "siết" nhập khẩu ô tô của Bộ Công Thương đã thực sự gây rúng động giới kinh doanh ôtô. Hôm 27/5, các nhà nhập khẩu ô tô lại tiếp tục họp tại Hà Nội để tìm cách ứng phó.

Với Thông tư 20, các doanh nghiệp thương mại chỉ có đúng 45 ngày để hoàn tất "hồ sơ năng lực" gồm giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối của chính hãng, có chứng nhận cơ sở bảo dưỡng, bảo hành của bộ GTVT mới có thể nhập khẩu ôtô.

Sau 2 cuộc nhóm họp ở Hà Nội, các nhà nhập khẩu ôtô đều có chung một câu trả lời là "không thể đáp ứng nổi".

Chết đứng vì nguy cơ phá sản

Từ hôm nhận được tin về Thông tư 20, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty ôtô Kylin có trụ sở chính tại thành phố Hải Phòng như ngồi trên đống lửa. Kylin vừa mạnh tay ký một hợp đồng nhập khẩu ôtô rất lớn cho cả năm và đã thanh toán cho đối tác thương mại ở Đài Loan toàn bộ giá trị hợp đồng là 15 triệu USD. Theo hợp đồng này, trung bình mỗi tháng, Kylin sẽ nhận khoảng 50 chiếc xe ôtô thương hiệu Nhật lắp ráp tại Đài Loan của nhiều hãng như Toyota, Nissan... Thế nhưng, với các qui định mới của Thông tư 20, nguy cơ vị chủ doanh nghiệp này "mất trắng" 15 triệu USD chỉ còn đếm bằng ngày.

Nhận tin anh em kinh doanh ôtô họp tại Hà Nội, ông Hùng cũng tức tốc phóng xe từ Hải Phòng lên tham gia. Ông than thở: "Tôi rất sốc và không biết phải làm sao để giải cứu cho hợp đồng này. Tiền đã chuyển đi rồi, đối tác cũng từ chối không giải quyết với sự thay đổi bất ngờ của chính sách ở Việt Nam. Giờ, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc phải ngồi chờ xem, ngóng xem, liệu Chính phủ có cho giãn tiến độ thực hiện Thông 20 hay có lộ trình như thế nào không."

Kylin là nhà nhập khẩu ôtô lớn nhất miền Bắc hiện nay, kinh doanh hơn 10 nhãn hiệu ôtô và có hơn 200 nhân viên. Thông tư 20 bất ngờ ban hành là một cú sốc với sự đầu tư bài bản của vị doanh nhân này.

Hầu hết, các nhà nhập khẩu ôtô đều đã phải tính đến việc hủy một số hợp đồng đã ký do hàng về sau ngày 26/6.

Ông Đỗ Minh Thế, Chủ tịch công ty ôtô Hoàng Gia lắc đầu nói: "Không thể đáp ứng nổi thông tư 20 vì thời gian thực hiện quá ngắn. Hiện nay, chúng tôi cũng đã đặt cọc hợp đồng vài chục xe nhập khẩu rồi nhưng tới đây, sẽ phải hủy một số đơn hàng này, trị giá vài trăm ngàn USD."

Bất bình đẳng doanh nghiệp?

Điều mà các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô này bất bình nhất là tính "bất khả thi" của Thông tư 20 áp lên các doanh nghiệp nhập khẩu thương mại không chính hãng. Chiểu theo các thủ tục mà Bộ Công Thương yêu cầu, chỉ có số ít những nhà nhập khẩu ôtô chính hãng, thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) là đã đáp ứng được. Còn lại, không thể có doanh nghiệp nào "kiếm đủ" giấy tờ thủ tục như Bộ nêu.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc công ty Thiên Phúc An thẳng thừng nói: "Đòi hỏi ngày 26/6 tới đây, các doanh nghiệp chúng tôi xin được giấy ủy quyền là nhà phân phối của chính hãng sản xuất thi đúng là không tưởng. Mỗi một nhà nhập khẩu hiện nay nhập nhiều loại xe, từ xe siêu sang tới xe bình dân đều có cả, làm sao có thể đi xin nổi tất cả giấy ủy quyền đó?"

Nhấn mạnh thêm về tính "không tưởng", ông Nguyễn Tuấn phân tích: "Trên thực tế, để có giấy ủy quyền của chính hãng thì tức là doanh nghiệp phải đủ điều kiện là nhà phân phối của chính hãng đó. Với các hãng xe ôtô, điều đó còn đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo về doanh số tiêu thụ... Giả dụ một doanh nghiệp muốn nhập xe sang, giá trị cả triệu USD mỗi xe và phải đảm bảo 10 siêu xe/năm thì có lẽ, khi có được giấy ủy quyền đáp ứng Thông tư 20 là tăng nhập siêu."

Hơn nữa, hầu hết các hãng ôtô đều có cơ chế chọn nhà phân phối độc quyền. Mỗi một hãng xe lớn đều đã có nhà phân phối độc quyền ở Việt Nam thì làm sao, các nhà nhập khẩu thương mại còn lại có thể xin được giấy ủy quyền? Với bối cảnh này, muốn làm nhà phân phối chính hãng thì có lẽ, các doanh nghiệp sẽ phải xin làm phân phối cho một hãng xe mới chưa vào Việt Nam.

Như vậy, xét cho cùng, các quy định siết chặt nhập khẩu này rốt cục chỉ triệt tiêu các nhà nhập khẩu thương mại thông thường và làm lợi cho các nhà nhập khẩu chính hãng hiện nay. Vì thế, các doanh nghiệp đều cho rằng, chính sách mới này đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng, giữa doanh nghiệp nhập khẩu thương mại và các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

Nguy cơ độc quyền và tăng giá

Phân tích về tác dụng giảm nhập siêu của Thông tư 20, ông Nguyễn Tuấn nói: Trách nhiệm giảm nhập siêu phải là trách nhiệm chung của cả các liên doanh và nhập khẩu ôtô chính hãng nữa, trong khi quy định mới lại chỉ nhắm tới nhóm các nhà nhập khẩu bình thường. Giờ đây, các nhà nhập khẩu thương mại này đóng cửa, nhu cầu ôtô trong nước sẽ dồn vào cho những nhà nhập khẩu chính hãng còn lại trong nước. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, số các doanh nghiệp này vẫn có thể tăng lượng xe nhập khẩu lên và mục tiêu kiềm chế nhập siêu là không đạt được.

Các nhà nhập khẩu họp bàn để tháo gỡ rào cản Thông tư 20.

 

Về mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ông Tuấn dẫn chứng, mới đây, Trường Hải đã tăng giá xe ôtô Cerato. Điều này có thể xảy ra trong tương lai với nhiều nhà nhập khẩu chính hãng khác khi mà, việc bán ôtô nhập khẩu chỉ còn là "quyền" của một số ít doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Hùng bổ sung: Có cạnh tranh thì mới phát triển, giá mới tốt lên, mẫu mã, chủng loại hàng hóa mới phong phú lên. Giờ, liên doanh trong nước được nhập, còn bên thương mại thì không, khi mất đi sự đối trọng trên thị trường thì sinh ra độc quyền và sức ép đảm bảo về giá, về chất lượng sẽ không còn. Tới lúc đó, người tiêu dùng chịu thiệt hại đầu tiên.

Các doanh nghiệp này còn dẫn chứng lại câu chuyện của Hyundai Thành Công, nhập tới 800 xe Tucson, bị lỗi mốt, không tiêu thụ được nên đành phải tái xuất. Câu chuyện này để nói lên rằng, chất lượng xe chưa chắc đã kiểm soát được nếu như thị trường nghiễm nhiên là đặc quyền của một đơn vị.

Các doanh nghiệp chia sẻ: trước mắt, chúng tôi ủng hộ Chính phủ là sẽ không nhập khẩu nữa, giảm nhập siêu, chống lạm phát. Nhưng với công văn ban hành hàng rào kỹ thuật mới này, liệu rằng, chúng tôi sẽ phải chờ bao lâu, 3 tháng hay 6 tháng, tới đây Chính phủ có nới lỏng để cho doanh nghiệp tiếp tục nhập không hay là cấm ngay?

"Anh em chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi để duy trì salon, nuôi nhân viên, chia sẽ khó khăn, đảm bảo kiềm chế nhập siêu cùng Chính phủ, nhưng Chính phủ cũng phải có cơ chế thế nào để giảm thiểu khó khăn cho chúng tôi, hoặc cho các doanh nghiệp đủ thời gian chuyển hướng kinh doanh ngành khác. Nếu Chính phủ thắt chặt luôn thế này thì doanh nghiệp sẽ phá sản." ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo VAMA, hiện nay, các công ty thuộc VAMA có chức năng nhập khẩu là Mecerdes Benz, Toyota,  Suzuki, Isuzu, Ford, Trường Hải, Honda, Vinastar. Ngoài ra, hầu hết các thương hiệu xe đều đã có nhà nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt Nam, như xe Porche do Công ty TNHH Xe hơi thể thao uy tín PSC là đơn vị phân phối độc quyền, xe BMW do công ty Euro Auto là phân phối độc quyền, xe Audi do công ty Liên Á phân phối độc quyền...

DDKT

Các tin tức khác

>   Bất động sản “liệt”: Cắt lỗ...vượt khó (28/05/2011)

>   Tổng mức bán lẻ tháng 5 tăng thấp (27/05/2011)

>   TPHCM: Khu công nghiệp, chế xuất hút 1,3 tỉ USD (27/05/2011)

>   Đẩy mạnh hợp tác thủy sản với Malaysia, Indonesia (27/05/2011)

>   Xuất khẩu dệt may vượt 5 tỉ đôla Mỹ (27/05/2011)

>   Vụ tiêu cực ở Công ty Tân Cảng Quy Nhơn: Khi “sếp” chuẩn bị con rể kế vị... (27/05/2011)

>   Hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài (27/05/2011)

>   Ngành mía đường xin miễn thuế GTGT vì đường nhập lậu (27/05/2011)

>   Buông lỏng phân phối: Giá “đè” người tiêu dùng (27/05/2011)

>   Loay hoay với GAP (26/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật