Chủ Nhật, 29/05/2011 11:13

Nghịch lý giá điện

Giá bán điện bình quân đã tăng 15,28%, lên 1.242 đồng/kWh (khoảng 6 xu Mỹ/kWh). Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu của ngành điện. Theo Bộ Công Thương, để sản xuất và kinh doanh điện có lãi và có thể thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn điện, giá điện phải tăng lên tới 62%, tương đương 8 xu Mỹ/kWh.

Một số quan chức của Bộ Công Thương còn nhấn mạnh rằng giá điện ở Việt Nam hiện nay thuộc vào loại thấp nhất trong khu vực. Những thông tin trên hàm ý, chừng nào giá bán điện chưa đạt mức 8 xu Mỹ/kWh thì sẽ còn tiếp tục tăng. Phải thừa nhận giá điện bán lẻ bình quân hiện nay có hơi thấp, nhưng con số 8 xu Mỹ mà ngành điện và Bộ Công Thương đưa ra cũng không thuyết phục, khi mà vấn đề giá thành sản xuất điện ở Việt Nam vẫn còn là một ẩn số lớn.

Cho đến nay, chi phí sản xuất và vận hành hệ thống truyền tải, phân phối điện vẫn chưa được công khai, minh bạch. Qua các cuộc thương lượng giá cả giữa bên mua là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bên bán là tập đoàn Than và Khoáng sản, tập đoàn Dầu khí, chúng ta chỉ được biết giá nhiệt điện mà nhà sản xuất cho là phù hợp và đủ sức khuyến khích đầu tư là khoảng 6,8-7,2 xu Mỹ/kWh. Nếu chấp nhận giá mua này, thì EVN phải bán lẻ cho người sử dụng với giá 8 xu.

Tuy nhiên, cũng có thông tin khác để so sánh là giá mua bán điện giữa EVN và Trung Quốc. Theo hợp đồng vừa được ký kết lại, giá điện Trung Quốc bán cho EVN là 5,8 xu Mỹ/kWh, tăng 0,7 xu so với giá năm ngoái. Cần nhấn mạnh giá này đã bao gồm chi phí và thất thoát trong quá trình truyền tải từ nơi sản xuất đến biên giới Việt Nam. Chắc chắn với giá kể trên, nhà sản xuất điện của Trung Quốc phải có hiệu quả, thậm chí mức lãi đủ lớn để bù đắp cho biến động chi phí đầu vào có thể xảy ra trong những tháng tới, do hai bên đã chốt giá mua bán cho cả năm 2011.

Chênh lệch giữa giá điện mua của Trung Quốc và mức mà các công ty sản xuất điện trong nước đề xuất phần nào cho thấy nghịch lý trong vấn đề giá điện ở Việt Nam. Nghịch lý là ở chỗ, các doanh nghiệp điện Trung Quốc phải mua than của Việt Nam theo giá thị trường quốc tế, cao gấp ba lần so với giá bán cho các nhà máy nhiệt điện trong nước, nhưng vẫn có thể bán lại điện cho Việt Nam với giá rẻ hơn đáng kể so với nhiệt điện sản xuất ở Việt Nam.

Vấn đề này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân như: quá trình đầu tư xây dựng nhà máy điện bị thất thoát, lãng phí hoặc chậm tiến độ, dẫn đến tăng chi phí đầu tư ban đầu, làm cho mức khấu hao tính vào giá thành tăng; công nghệ sử dụng trong các nhà máy điện lạc hậu nên suất tiêu hao nguyên liệu đầu vào cao; máy móc thiết bị kém chất lượng, dễ bị hư hỏng, gây tốn kém chi phí sửa chữa, vận hành và ảnh hưởng tới năng suất của nhà máy; và cuối cùng là chất lượng quản lý, điều hành sản xuất kém, công tác điều độ của hệ thống điện của cả nước bất cập, khiến cho các nhà máy điện không thể phát huy tối đa công suất.

Thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường là việc phải làm nhưng cũng không thể để cả nền kinh tế phải trả giá cho những nghịch lý của ngành sản xuất và phân phối điện.

Hoàng Long

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lãi suất và con cá! (29/05/2011)

>   Xem xét tăng thuế xuất khẩu than thêm 5% (29/05/2011)

>   Kim ngạch xuất khẩu của VN sang Mexico tăng mạnh (28/05/2011)

>   Doanh nghiệp nội tính chuyện dừng nhập ô tô (28/05/2011)

>   Trung Quốc đề xuất 19 lô khai thác dầu ở Biển Đông (28/05/2011)

>   Vì sao nhập siêu đến 6,5 tỉ USD? (28/05/2011)

>   Nhập khẩu ôtô ngắc ngoải trước nguy cơ phá sản (28/05/2011)

>   Bất động sản “liệt”: Cắt lỗ...vượt khó (28/05/2011)

>   Tổng mức bán lẻ tháng 5 tăng thấp (27/05/2011)

>   TPHCM: Khu công nghiệp, chế xuất hút 1,3 tỉ USD (27/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật