Doanh nghiệp thay đổi chiến lược khi lãi suất tăng
Lãi suất tăng cao, để tồn tại, doanh nghiệp phải tìm cách cứu mình trước khi cầu cứu tới ngân hàng.
Lãi suất tăng cao mà tiền đồng vẫn không chảy vào ngân hàng (NH) khiến lĩnh vực sản xuất đói vốn trầm trọng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp (DN) đều bó tay đứng nhìn DN mình chết yểu mà ngược lại, họ đang dần thích nghi với hoàn cảnh hiện tại và trở thành bài học kinh nghiệm cho nhiều DN vừa và nhỏ khác đang gặp khó khăn.
Không chờ vào ngân hàng
Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, cho rằng việc tạo vốn cho sản xuất kinh doanh không nhất thiết chỉ dựa duy nhất vào các NH, bởi lẽ, vốn còn được hình thành từ nhiều kênh khác nhau. Vì vậy, DN cần tăng cường đa dạng hóa các giải pháp tìm vốn sản xuất kinh doanh.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã tiến hành sắp xếp lại các DN thành viên nhằm góp phần tăng quy mô vốn, giúp các DN sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chỉ trong tháng 4 và 5-2011, tổng công ty đã tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng bằng cách tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, “bỏ qua” các dự án chưa thật cần thiết.
Ông Nguyễn Phước Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, cho biết hiện nay, việc vay vốn khó khăn nên công ty đang rà soát lại tất cả các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, công ty điều tiết vốn giữa các công ty thành viên với nhau để có thể chủ động được nguồn vốn, thay vì đi vay NH với lãi suất cao ngất ngưởng.
Phát hành trái phiếu huy động vốn thay vì trông đợi vào nguồn vốn NH cũng đang được nhiều DN quan tâm và đạt kết quả khá tốt. Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO), SAMCO không bị phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn NH vì hiện SAMCO vẫn thực hiện việc huy động vốn từ trái phiếu nội bộ với lãi suất từ 12%-14%/năm (kỳ hạn từ 3-6 tháng). Mỗi năm, SAMCO có thể huy động được hơn 20 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, SAMCO cũng tiến hành điều phối vốn từ một số công ty hoạt động dịch vụ sang các công ty sản xuất kinh doanh để hạn chế việc vay NH… Kết quả, 4 tháng đầu năm, công ty vẫn đạt doanh thu trên 3.000 tỉ đồng, đạt 29% kế hoạch đề ra. Tổng Công ty Bến Thành cũng huy động được hơn 60 tỉ đồng/năm từ CBCNV bằng hình thức làm hợp đồng tín dụng nội bộ vay nóng với lãi suất 16%/năm.
Tìm kiếm đầu ra
Ngoài hình thức “vượt khó” về nguồn vốn, nhiều DN vừa và nhỏ cũng đang tự lên phương án tìm kiếm đầu ra để có thể vượt qua khủng hoảng. Ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cho biết việc kinh doanh từ đầu năm 2011 đến nay không còn dễ dàng. Để cạnh tranh, SATRA đã tạo sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh. Đó là liên tục khai trương các cửa hàng để mở rộng mạng lưới.
Bởi lẽ, giá cả leo thang khiến người tiêu dùng khó tính hơn khi lựa chọn sản phẩm chi tiêu nên chiến lược mở rộng hệ thống bán lẻ với giá bình ổn sẽ giúp SATRA tìm kiếm được lượng khách hàng khổng lồ. Hiện SATRA đã mở được 3 cửa hàng, dự kiến sẽ mở thêm 4 cửa hàng nữa trên địa bàn TPHCM từ nay đến cuối năm 2011. Tính đến hết tháng 5, doanh số SATRA đạt được đã hơn 50% so với cùng kỳ.
Tìm thị trường mới là chiến lược ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện Quang, đưa ra để cạnh tranh. Theo ông, nếu sản phẩm của công ty rẻ mà không có người biết đến thì đó là thất bại, vì vậy, Điện Quang đã nhanh chóng đưa ra thị trường các loại sản phẩm khác nhau, thích ứng với từng đối tượng, để sản phẩm len lỏi vào thị trường ngách từ TP đến nông thôn. Điều này đang phát huy tác dụng khi lượng hàng tiêu thụ gần đây của Điện Quang tăng lên đáng kể.
Vũ Hoàng
Người lao động
|