Bất ổn cách… bình ổn giá
Bình ổn giá là chương trình rất nhân văn của Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân trong lúc lạm phát khiến người tiêu dùng điêu đứng. Nhưng dường như, một số mặt hàng bình ổn giá lại đang rất... bất ổn.
Trong khi lạm phát đang là mối đe dọa lớn tới chất lượng đời sống của người dân thì Chính phủ đã và đang chủ động bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chỉ đạo chương trình bình ổn giá nhằm "kìm" mức giá của nhiều mặt hàng.
Đó là một yêu cầu quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đảm bảo giá cả dù có tăng cũng hợp lý, một thị trường ổn định và lành mạnh. Quan trọng, khi giá cả và thị trường ổn định sẽ góp phần tạo dựng niềm tin cho người dân và nền kinh tế, ổn định đời sống người dân và góp thực thành công vào mục tiêu an sinh xã hội.
Dưới một góc độ nào đó, với đa số người dân bình thường, ổn định vĩ mô, chống lạm phát thành công đối với họ được hiều bằng những điều rất bình thường như: giá cả không còn tăng phi mã, thị trường ổn định, đời sống dễ thở hơn.
Thực hiện điều đó, việc chống tăng giá đã được triển khai khá quyết liệt. Thậm chí nhà nước đã chấp nhận chịu thiệt để giữ và chưa tăng giá một số mặt hàng; bỏ tiền để bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu, kêu gọi các DN và nhà phân phối cùng có trách nhiệm bình ổn giá cả.
Quyết tâm của Chính phủ là như vậy, nhưng thực thi thì vẫn còn nhiều khó khăn. Mới đây, cuộc họp về sản xuất và kinh doanh đường đã bộc lộ một bất cập lớn trên thị trường nay. Trong lúc các nhà máy đang tồn kho rất nhiều và đã đã giảm giá bán xuống mức 16.000 - 18.000 đồng/kg, chấp nhận giảm lãi xuống mức thấp nhất. Đây là cơ hội để giảm giá đường sau một cơn sốt giá từ năm ngoái kéo dài đến nay. Thế nhưng, giá bán lẻ mặt hàng này lại không giảm mà vẫn ngất ngưởng ở mức 26.000 - 28.000 đồng. Nhà sản xuất và người tiêu dùng bức xúc nhưng nhà phân phối và cơ quan quản lý vẫn chưa có hồi âm. Trong khi đó, đường nhập lậu từ các nước vẫn tràn về Việt Nam vì giá trong nước quá cao, họ có thể kiểm lời rất lớn.
Trong khi đó, nửa đầu tháng 5, giá gas trên thế giới đã có dấu hiệu giảm thì các cửa hàng gas trong nước vẫn hai lần tăng giá. Thậm chí, nhìn lại quá trình liên tục tăng giá 7 lần trong 4 tháng đầu năm mới thấy khủng khiếp mà các loại năng lượng khác như xăng dầu và điện dù có tăng giá chẳng thể so bì. Các chuyên gia bức xúc trước việc tăng giá vô lý của các hãng gas một phần nhưng phần nữa cũng bức xúc vì họ không thể làm chủ hệ thống phân phối của mình khiến giá cả bị thả nổi cho đại lý. Còn quản lý nhà nước đối với mặt hàng này lại quá lỏng so với xăng dầu.
Mặt hàng sữa dù đã đưa vào diện quản lý đăng ký giá nhưng từ đầu năm đến nay, người ta vẫn ghi nhận hàng loạt lần điều chỉnh giá của các hãng mặc dù cơ quan quản lý cho biết không nhận được thông báo đăng ký và chấp thuận tăng giá.
Các DN nhỏ và tự do kinh doanh, quyết định giá đã thế nhưng các DN lớn, bị quản lý chặt như đầu mối xăng dầu mới đây cũng liên tục đề xuất xin tăng giá và bày ra đủ lý do để sớm được chấp thuận. Chỉ đến khi cơ quan quản lý dứt khoát "nói không với tăng giá" thì những đòi hỏi ấy mới tạm dứt.
Thời khó khăn do lạm phát, giá cả tăng và thị trường rối loạn là một thực tế lo ngại đe dạo đời sống người dân và ổn định xã hội. Nhưng việc ổn định giá sẽ khó thành nếu ai cũng chỉ vì kiếm lợi cao nhất cho mình như trên mà quên đi lợi ích chung. Chống tăng giá, bên cạnh những nỗ lực của nhà nước rất cần sự tham gia của các DN và sự đồng thuận của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống pháp lý để kiểm soát tốt và cả một thị trường cạnh tranh để đảm bảo kiềm chế lẫn nhau thì chống tăng giá mới mong có hiệu quả.
Minh Sơn
diễn đàn kinh tế việt nam
|