Áp lực kép trên thị trường vốn
Thị trường giao dịch (thứ cấp) èo uột, nhưng vẫn tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường phát hành (sơ cấp), đặc biệt là từ các hoạt động huy động vốn của các ngân hàng.
Cuối năm 2010, trước sự trầm lắng của thị trường chứng khoán, Chính phủ đã chấp thuận phương án đề xuất gia hạn thời gian tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thêm 1 năm. Có nghĩa là, ngày 31/12/2011 là thời hạn cuối để các ngân hàng phải thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.
Đến nay, thời hạn được hoãn cho việc tăng vốn đã trôi qua gần nửa chặng đường, nhưng diễn biến của thị trường chứng khoán giai đoạn này thậm chí còn xấu hơn năm 2010, càng làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, không riêng các ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn cũng tăng vốn và điều này tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trên “mảnh đất” huy động vốn.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) đã có vốn điều lệ lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, nhưng vẫn có kế hoạch tăng vốn lên tới trên 24.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, VCB sẽ tiến hành tăng vốn thông qua 2 đợt phát hành. Đợt 1, sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2010 và đợt 2 sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT VCB, việc tăng vốn của Ngân hàng là nhu cầu tất yếu, cũng là một trong những cách quan trọng để đơn vị tăng vốn tự có. Sau khi tăng vốn, hệ số an toàn vốn của VCB sẽ tăng từ khoảng 9% lên hơn 10%.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn ở mức tối thiểu 9%. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, các ngân hàng thương mại thường duy trì tỷ lệ an toàn trong khoảng 12 - 14%.
Ngoài ra, trên thị trường hiện cũng có không ít ngân hàng thương mại cổ phần có mức vốn điều lệ đạt yêu cầu về vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng vẫn thực hiện các kế hoạch tăng vốn… Chẳng hạn, Eximbank (EIB) tăng vốn điều lệ từ 10.560 tỷ đồng lên hơn 12.355 tỷ đồng; Sacombank (STB) nâng vốn điều lệ từ 9.179 tỷ đồng lên 10.739 tỷ đồng; TrustBank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng; Oceanbank tăng lên 5.000 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia, việc huy động vốn của các ngân hàng sẽ có tác dụng tích cực về mặt dài hạn, vì điều này sẽ giúp làm lành mạnh hoá tài chính của các ngân hàng, nhưng trong ngắn hạn, động thái này có thể hút một lượng tiền từ thị trường giao dịch, vốn đang rất trầm lắng.
Diễn biến giao dịch thời gian gần đây cho thấy, giao dịch trên thị trường đang càng ngày càng èo uột. Trên sàn TP.HCM, bình quân mỗi phiên chỉ đạt giá trị giao dịch vào khoảng 500 tỷ đồng, trong khi giá trị giao dịch trên sàn Hà Nội mỗi phiên chỉ khoảng hơn 300 tỷ đồng. Thậm chí, sàn Hà Nội có phiên giao dịch chỉ hơn 200 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch chỉ bằng khoảng ½ so với năm 2010 và bằng 1/5 so với thời kỳ năm 2009.
Trong khi đó, phần lớn các ngân hàng thương mại đều thuộc hàng đại gia - nếu tính về quy mô vốn - và mối đợt huy động vốn của ngân hàng thường lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Giả sử một ngân hàng thương mại huy động 1.000 tỷ đồng trong thời kỳ thị trường giao dịch mỗi phiên khoảng 4.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn như thời kỳ năm 2009, thì tác động đến thị trường chính thức sẽ không lớn. Tuy nhiên, trong thời kỳ thị trường giao dịch mỗi phiên cả 2 sàn chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng, thì rõ ràng, 1.000 tỷ đồng là một con số đáng kể.
Chí Tín
đầu tư
|