Thứ Tư, 06/04/2011 11:02

Thương vụ FPT – EVN Telecom khó thành

Chiều 5.4.2011, lãnh đạo FPT và EVN, EVN Telecom gặp nhau để thảo luận về thương vụ FPT mua 60% cổ phần của EVN Telecom. Bà Bùi Nguyễn Phương Châu, trưởng ban quan hệ công tác doanh nghiệp của FPT cho Sài Gòn Tiếp Thị biết: “Ngày 6.4, thông tin cuộc họp trên sẽ được đoàn đàm phán trình bày với hội đồng quản trị, sau đó mới có kết luận cuối cùng về việc tiếp tục hay ngưng thương vụ trên”.

Vướng mắc ở tỷ lệ sở hữu?

Trước khi đặt vấn đề chính thức mua lại cổ phần của EVN Telecom, có nguồn tin cho rằng, FPT cũng đã tìm hiểu một doanh nghiệp viễn thông có yếu tố nước ngoài. Việc mua cổ phần ở EVN Telecom sẽ giúp FPT đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông và có thể tận dụng thế mạnh, kinh nghiệm của một doanh nghiệp phát triển trong ngành tin học. Có thể hiểu lý do phát triển sang ngành viễn thông của FPT khi họ đặt mục tiêu đầy tham vọng, đạt mức tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi trong vòng năm năm tới. Tốc độ tăng trưởng của ngành tin học vào khoảng 30 – 40%.

Trong phiên họp ngày 30.10.2010, hội đồng quản trị công ty FPT đã giao chủ tịch hội đồng quản trị là ông Trương Gia Bình “chủ trì và quyết định việc đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán cổ phần chi tiết trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích của FPT...” Sau khi đạt được thoả thuận ban đầu với EVN Telecom, ngoài tỷ lệ 44% của công ty cổ phần FPT, một thành viên khác là FPT Telecom cũng tham gia thương vụ này. Một nguồn tin tiết lộ, FPT đã “đặt cọc” số tiền ban đầu khoảng 700 tỉ đồng, tương đương với 12% giá trị của EVN Telecom.

Trên thực tế, hai bên phải bàn thảo về thương vụ sau khi có thông tin Chính phủ chỉ đồng ý cho FPT mua lại 49% cổ phần của EVN Telecom. Một nhân sự cấp cao của FPT tiết lộ: “Chưa có văn bản chính thức nhưng trong nội bộ FPT đã tỏ thái độ không đồng ý khi chỉ mua lại 49%”. Theo vị này, tỷ lệ sở hữu như vậy không giúp gì cho FPT nếu muốn tạo ra sự thay đổi ở doanh nghiệp viễn thông điện lực.

Chùm khế viễn thông còn ngọt?

Trong nhóm tài sản về viễn thông của EVN, EVN Telecom được giao trách nhiệm quản lý và khai thác các dịch vụ viễn thông, từ dịch vụ di động, cố định cho đến internet. Hiện nay, EVN Telecom đang duy trì cùng lúc hai hệ thống di động với hai công nghệ khác nhau: công nghệ CDMA trên băng tần 450MHz (riêng EVDO 2000 1x mới phủ tại ba thành phố: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng) và mạng 3G (hoạt động trên băng tần 1.900 – 2.100MHz). Theo nguồn tin từ EVN Telecom, hiện mạng 3G của nhà cung cấp này đã có mặt tại 63 tỉnh thành nhưng chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản tại năm thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch EVN cho rằng, hiện nay số thuê bao của EVN Telecom là 4,7 triệu thuê bao, kể cả dịch vụ điện thoại cố định. Một chuyên gia về công nghệ CDMA tại Việt Nam cho biết, EVN Telecom đã thất bại khi chọn công nghệ CDMA băng tần 450MHz do dễ bị nhiễu, thiết bị đầu cuối ít. Xét trên yếu tố số lượng thuê bao, doanh thu, mức độ hấp dẫn của thương hiệu với người tiêu dùng, chất lượng dịch vụ…, EVN Telecom không có vị thế tương xứng với tiềm năng hạ tầng.

Chính vì vậy, theo giới chuyên môn, điều mà FPT mong mỏi chính là giấy phép 3G của EVN Telecom. Tuy có những giấy phép thử nghiệm công nghệ Wimax và gần đây là thử nghiệm công nghệ 4G, FPT hiểu rõ lộ trình từ thử nghiệm sang khai thác là khá dài và suất đầu tư không nhỏ.

Nếu FPT đơn phương chấm dứt thương vụ, họ sẽ mất tiền cọc. Theo một nguồn tin riêng, số tiền trên sẽ được đổi thành giá trị cổ phần trong EVN Telecom, tương đương với 12%. Nhưng theo lời nhân sự cấp cao của FPT, đó là “nhiệm vụ quan trọng” của đoàn đàm phán, “chỉ có thu hồi chứ không tham gia bất luận hình thức nào”. Nếu đúng vậy, mục tiêu đàm phán của chủ tịch hội đồng quản trị Trương Gia Bình thay vì tập trung vào mua 60% cổ phần sẽ được thay đổi.

Gia Vinh

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   DLG phát hành thành công 213 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (05/04/2011)

>   AirMekong muốn bán 30% cổ phần (03/04/2011)

>   Ngân hàng “bấn” chuyện lợi nhuận, tăng vốn (03/04/2011)

>   Ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành cổ phiếu (02/04/2011)

>   SHB410030: Hủy niêm yết trái phiếu chuyển đổi (01/04/2011)

>   DAG thặng dư 4 tỷ đồng từ việc phát hành 2.5 triệu cp (31/03/2011)

>   Thanh toán M&A tiền mặt hay cổ phiếu? (30/03/2011)

>   PXS chào bán 5 triệu cổ phiếu cho đối tác Singapore  (30/03/2011)

>   IdicoConac chào bán 3 triệu cổ phiếu giá 11,000 đồng/cp (28/03/2011)

>   OGC thông qua chủ trương phát hành trái phiếu chuyển đổi (28/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật