Thứ Bảy, 02/04/2011 11:07

Ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành cổ phiếu

Không chỉ những ngân hàng buộc phải tăng vốn lên mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo lộ trình tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP vào cuối năm nay, ngay cả các nhà băng có vốn điều lệ cao cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu. Trong khi đó, cổ đông hiện hữu cũng như cổ đông mới không mấy mặn mà rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng...

Các ngân hàng lý giải, tăng vốn là cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh cũng như quy mô hoạt động. Điển hình là TrutsBank với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng hiện nay lên 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2011 đã được thông qua ĐHCĐ trong kỳ họp ngày 28/3.

HĐQT TrustBank cho rằng, ngoài cạnh tranh về lãi suất, thực hiện chính sách ưu đãi, các nhà băng đã không ngừng mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường quy mô hoạt động và sản phẩm. Do đó, Ngân hàng cần nâng cao năng lực tài chính để tăng sức cạnh tranh.

Trong phần vốn tăng thêm 2.000 tỷ đồng năm nay, TrustBank dự kiến đầu tư mua sắm tài sản cố định, cơ sở vật chất cho việc mở rộng mạng lưới là 500 tỷ đồng; đầu tư bổ sung lĩnh vực công nghệ 60 tỷ đồng; đầu tư kinh doanh dịch vụ thẻ 20 tỷ đồng; góp vốn thành lập các công ty trực thuộc 200 tỷ đồng... Theo lý giải của ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT TrustBank, ngoài các mục tiêu trên, hiện Ngân hàng phải huy động vốn trên thị trường 2 (liên ngân hàng) khoảng 3.000 tỷ đồng, với lãi suất nhiều thời điểm lên đến 24 - 25%/năm. Điều này làm tăng mạnh chi phí vốn của TrustBank, do đó Ngân hàng sẽ tập trung trả dứt vốn vay trên liên ngân hàng và nguồn tài chính từ việc tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện kế hoạch trên.

Tuy nhiên, nhiều cổ đông TrustBank tỏ ra không mấy hào hứng với kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ của Ngân hàng dù giá phát hành chỉ bằng mệnh giá. Phát biểu trong ĐHCĐ của TrustBank ngày 28/3, một cổ đông cho rằng, việc mở rộng mạng lưới giao dịch là cần thiết nhưng không phải là chạy đua bằng mọi giá, mà cần củng cố hơn về mặt chất lượng cũng như hiệu quả đối với mỗi điểm giao dịch mở mới. Trên thực tế, chi phí đầu tư cho một điểm hoạt động mới không nhỏ và trong kế hoạch tăng vốn có khoản chi lớn cho mục này.

HDBank cũng đưa ra ý định sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 5.000 tỷ đồng trong thời gian tới, dù ngân hàng này đã hoàn tất việc tăng vốn lên mức tối thiểu. Trong đó, một phần vốn sẽ được phát hành cho cổ đông chiến lược.

Theo kế hoạch đã thông qua ĐHCĐ năm 2011, năm nay DongA Bank sẽ tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng so với mức hiện tại là 4.500 tỷ đồng. HĐQT ngân hàng này cho rằng, việc tăng vốn là cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh, tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động và nâng cấp 18 phòng giao dịch tại địa bàn các tỉnh lên thành chi nhánh trong năm 2011. Vì thế, với nguồn vốn tăng thêm 1.500 tỷ đồng, trong đó DongA Bank sẽ sử dụng 400 tỷ đồng để mua mặt bằng và xây dựng mới trụ sở. Phần còn lại 1.100 tỷ đồng, sẽ được Ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán cũng như cho vay tại các phòng giao dịch nói trên khi được nâng cấp thành chi nhánh.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, hiện nay thị trường tài chính - ngân hàng còn nhiều khó khăn, các nhà đầu tư cũng cạn vốn. Do đó, HĐQT trình sẽ tăng vốn điều lệ cho cổ đông trong nước vào quý IV và dành 900 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Theo phương án trình cổ đông trong kỳ họp ĐHCĐ dự kiến diễn ra trong tháng 4 này, OceanBank cũng sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2011. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng này dự kiến ở mức 800 tỷ đồng so với mức thực hiện năm trước là 691 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức 12%.

Hiện OceaBank đã có cổ đông chiến lược là Petrovietnam (PVN) nắm giữ tỷ lệ 20% cổ phần. Chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Hà Văn Thắm tin rằng, do OceanBank vẫn là nơi đầu tư có hiệu quả của PVN và khoản đầu tư góp vốn vào OceanBank cũng rất nhỏ so với quy mô của PVN, nên PVN sẽ vẫn tiếp tục duy trì vốn góp tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, vừa qua Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc PVN góp thêm vốn vào Ocean Bank. Theo đó, PVN phải rà soát tình hình triển khai thực hiện, cân đối vốn, trước hết đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Trên cơ sở đó và yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, quyết định góp thêm vốn vào OceanBank theo kế hoạch tăng vốn. Trường hợp khó khăn về vốn thì PVN không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank.

Bên cạnh một số ngân hàng nhỏ phải hụt hơi đáp ứng lộ trình như GiaDinh Bank hay Ficombank phải tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, trong năm nay, ngay cả các đại gia ngân hàng như Sacombank, Vietinbank, Agribank cũng lên kế hoạch tăng vốn… Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, để đạt được hiệu quả sinh lời cho đồng vốn tăng thêm trong bối cảnh thị trường năm nay và năm tới là không hề dễ dàng.

Thùy Vinh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SHB410030: Hủy niêm yết trái phiếu chuyển đổi (01/04/2011)

>   DAG thặng dư 4 tỷ đồng từ việc phát hành 2.5 triệu cp (31/03/2011)

>   Thanh toán M&A tiền mặt hay cổ phiếu? (30/03/2011)

>   PXS chào bán 5 triệu cổ phiếu cho đối tác Singapore  (30/03/2011)

>   IdicoConac chào bán 3 triệu cổ phiếu giá 11,000 đồng/cp (28/03/2011)

>   OGC thông qua chủ trương phát hành trái phiếu chuyển đổi (28/03/2011)

>   HDG: Phát hành 20.25 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 1:1 (25/03/2011)

>   VRC sẽ phát hành gần 10 triệu cổ phiếu ra công chúng (24/03/2011)

>   VNS ngưng phương án phát hành 7.5 triệu cổ phiếu (24/03/2011)

>   Công trình Đường sắt phát hành 1.12 triệu cp với giá 20,000 đồng/cp (23/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật