SGT xin rút niêm yết: Tiền lệ và hệ lụy
SaiGon Tel (HOSE: SGT) trở thành cổ phiếu đầu tiên trên sàn chứng khoán TP HCM xin rút niêm yết. Câu chuyện này đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận về hệ lụy và những lo ngại làn sóng rút khỏi thị trường chứng khoán hiện nay.
Lý do xin rút niêm yết được ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT SaiGon Tel là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc toàn diện và cũng một phần vì huy động vốn từ chứng khoán khó khăn. Quyết định này được 99,5% cổ đông của SGT nhất trí tại Đại hội đồng cổ đông.
Luật thì có, lệ thì chưa
Ông Lê Hải Trà - Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết đây là lần đầu tiên có một cổ phiếu niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán TP HCM chủ động xin rút niêm yết. “Trừ khi bị hủy niêm yết bắt buộc vì vi phạm quy định, còn trường hợp tự nguyện rút niêm yết là quyền của DN. Do vậy, sở không có ý kiến gì về chuyện SaigonTel rút niêm yết khỏi HoSE sau hơn 3 năm giao dịch” - ông Trà khẳng định.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Phó Giám đốc TTGD CK Hà Nội thì việc tham gia thị trường hay rút lui khỏi thị trường là do DN tự nguyện và được sự nhất trí của các cổ đông. Vì vậy các nhà đầu tư không nên quá nhạy cảm với tình huống này mà hãy coi đây là điều bình thường.
Tuy nhiên, ở những thị trường phát triển, những DNNY trên sàn luôn được coi là những đại diện tiêu biểu của nền kinh tế. Ở VN, dù TTCK chưa thể coi là phong vũ biểu thực sự của nền kinh tế, nhưng vẫn đang nỗ lực hướng tới điều đó. Trên TTCK quốc tế, cũng do được đánh giá cao như vậy, nên hầu như rất hiếm DN chọn phương án hủy niêm yết. Thậm chí, có DN phá sản, họ vẫn lựa chọn tái cấu trúc và trừ khi bị tạm dừng giao dịch thì đành chấp nhận, chứ hầu như không bao giờ chọn hủy niêm yết. Hủy niêm yết đồng nghĩa với tạo ra hình ảnh của một DN thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là một hình ảnh xấu - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính bày tỏ quan điểm.
Quay trở lại với trường hợp SGT, lý do xin rút niêm yết chưa phải đã thuyết phục được tất cả các nhà đầu tư. Cần lưu ý là SGT là một DN hoạt động theo kiểu “gia đình trị”, đa số cổ phiếu do cổ đông lớn nắm giữ, số cổ đông nhỏ lẻ rất ít. Hơn nữa nếu xét theo quan điểm của lãnh đạo SGT là TTCK đã mất đi yếu tố quan trọng nhất với tư cách là kênh dẫn vốn và giá SGT đã xuống quá thấp là chưa thuyết phục. Bởi hàng chục DN quy mô ngàn tỉ hiện tại trên sàn, nếu không nhờ nhiều đợt bùng phát của thị trường giá lên những năm qua thì lượng vốn đó họ lấy từ đâu?
Còn việc nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu quá thấp thì phải xét đến tính minh bạch trong khâu quan hệ cổ đông, quan hệ nhà đầu tư của DN. Nếu DN tốt, có những cơ sở để cải thiện chỉ số kinh doanh tốt, tại sao không tích cực thông tin đến NĐT, cổ đông đang nắm cổ phiếu để có cơ sở đánh giá và thanh khoản cổ phiếu DN tốt hơn - một nhà đầu tư nhận xét.
Có tạo thành làn sóng rút lui ?
Nhiều NĐT quan ngại rằng sự việc SGT có thể tạo thành tiền lệ cho các DNNY khác. Nếu những DN có quy mô vốn lớn đang niêm yết trên TTCK mà cũng lấy lý do “thị trường kém, NĐT không định giá đúng cổ phiếu DN mà xin rút niêm yết thì hệ lụy tác động đến thị trường là khó lường” - ông Nghiêm Anh Tuấn - Phó Giám đốc Cty VietSmart nhận xét.
Khả năng này theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Duẩn - Giám đốc Cty tư vấn đầu tư là khó xảy ra. “Sự việc SGT không dễ tạo ra một làn sóng DN hủy niêm yết tới đây. SGT có nhiều đặc thù cá biệt như cơ cấu cổ đông nhỏ, lượng cổ phiếu tập trung vào một nhóm cổ đông lớn và các NĐT nhỏ, lẻ không nhiều. Những DN có quy mô vốn lớn trên thị trường hiện nay đều có cơ cấu cổ đông loãng, trong trường hợp muốn huy động phiếu để thông qua việc hủy niêm yết, cũng không dễ dàng. Hơn nữa, khi họ làm hồ sơ lên UBCK nhà nước xem xét được niêm yết đã có vô số vấn đề và những luật gắt gao và khi xin niêm yết trở lại thủ tục còn khó khăn hơn nhiều và chắc chắn là sẽ bị UBCK NN xem xét kỹ hơn - ông Duẩn cho biết.
Ông Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế ứng dụng:
Thất bại của DN
Trong lúc thị trường khó khăn, cổ phiếu SGT cũng như nhiều cổ phiếu khác khó tránh giảm giá, nhưng cũng không có nghĩa là các NĐT đang nắm cổ phiếu SGT không đánh giá đúng giá trị cổ phiếu mình đang nắm giữ. Vẫn có nhiều NĐT giữ cổ phiếu, không bán, chờ đợi thị trường tích cực hơn để thanh khoản tốt hơn. Do đó, việc rút niêm yết vô hình trung là đã hạn chế thanh khoản vốn của các cổ đông, mất cơ hội thanh khoản cổ phiếu DN khi thị trường tích cực hơn.
Tất nhiên, mỗi một DN đều có chiến lược kinh doanh riêng và Ban điều hành, Ban lãnh đạo sẽ là người nắm rõ hơn ai hết chiến lược đó. Hủy niêm yết cũng có thể là việc nằm trong chiến lược riêng của SGT, nhưng xét về tổng thể, đó là một thất bại của DN.
Việc hủy niêm yết của SGT sẽ tạo ra hai tác động ngược chiều đối với TTCK. Chiều tiêu cực, đó là thông qua việc ông Đặng Thành Tâm và cổ đông của SGT đang có cái nhìn chán nản về thị trường, sẽ tạo một thông điệp chán nản về thị trường nói chung. Nhưng ở chiều tích cực, đây cũng là một cơ hội thanh lọc thị trường. Từ đây, nhiều DNNY sẽ phải thấy rằng không phải chỉ cứ tập trung kinh doanh, có lợi nhuận tốt thì NĐT sẽ mua cổ phiếu của mình, mà còn phải minh bạch, quan trọng nhất là trong điều hành là phải tạo được sự minh bạch và chú trọng quan hệ đầu tư, tạo được niềm tin cho các cổ đông, cho NĐT.
Bà Hoàng Thị Hoa - Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt :
Tác động tới thị trường
Việc ĐHCĐ SGT thông qua hủy niêm yết là một tác động xấu đối với toàn thị trường. Ở góc độ DN, đó sẽ là một “vết đen” trong lịch sử DN. Cho dù DN đó làm ăn tốt đến đâu, thương hiệu uy tín như thế nào, thì việc hủy niêm yết trong quá khứ, sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt trong trường hợp làm việc hoặc đặt vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài. DN nước ngoài nếu muốn đầu tư vốn vào một DN, trong trường hợp DN đại chúng thì không vấn đề gì, nhưng nếu đã niêm yết mà nay lại hủy, họ sẽ rất ngần ngại. Ở góc độ NĐT, giá trị nội tại của SGT hiện nay tuy chưa được NĐT đánh giá đúng mức, nhưng họ vẫn có kỳ vọng giá lên. NĐT không có cơ hội để thực hiện kỳ vọng đó, như vậy rất thiệt thòi.
Với cơ quan quản lý, đây là một sự việc chưa có tiền lệ xảy ra trước đó, do đó, xử lý như thế nào để không ảnh hưởng quyền lợi của bất kỳ một thành viên nào trên thị trường, cũng như, không tạo ra những tiền lệ xấu, cũng là điều đáng phải quan tâm. |
Mai Hương - Mỹ Ý
Diễn đàn doanh nghiệp
|