Phiên tẻ nhạt của chứng khoán toàn cầu
Ngoại trừ thị trường Nhật Bản có mức giảm điểm trên 1%, các sàn chứng khoán thế giới trong phiên giao dịch 5/4 gần như bất động, với mức tăng giảm không đáng kể.
Tại Mỹ, chốt ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,13 điểm (-0,05%) xuống 12.393,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,24% (-0,02%) xuống 1.332,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2 điểm (+0,07%) lên 2.791,19 điểm.
Khối lượng giao dịch tiếp tục ở mức thấp, với 7,03 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, kém hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu trong năm 2010.
Số mã tăng điểm vượt trội hơn số hạ điểm trên sàn New York với tỷ lệ 1.629 so với 1.312, còn ở sàn Nasdaq tỷ lệ này là 1.328 / 1.270.
Hôm qua, việc chỉ số S&P 500 ngày thứ hai liên tiếp thất bại khi cố gắng phá ngưỡng cản kỹ thuật 1.333 điểm, cộng thêm khối lượng giao dịch ở mức thấp, đã làm tăng những nghi ngờ về sức mạnh của thị trường.
Góp phần đưa Nasdaq lên điểm trong phiên 5/4 là nhóm cổ phiếu công nghệ, trong đó đáng chú ý là các cổ phiếu của Microsoft, Intel và Cisco Systems đều có mức tăng khoảng 1%. Tuy nhiên, cổ phiếu của Apple lại giảm 0,7%.
Thương vụ thâu tóm hãng bán dẫn National Semiconductor của Texas Instruments tiếp tục gây chú ý đối với các nhà đầu tư. Phiên hôm qua, cổ phiếu của National Semiconductor tăng tới 71% lên 24,06 USD, của Texas Instruments tăng 1,7%.
Các thị trường chứng khoán châu Âu đỏ lửa nhưng cũng với mức độ giảm không đáng kể. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 0,16% xuống 6.007,06 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,13% xuống 4.041,74 điểm và DAX của Đức gần như đứng yên.
Tương tự, không khí giao dịch trên các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khá tẻ nhạt, khi một loạt sàn ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đóng cửa nghỉ lễ. Thêm vào đó, nguy cơ phóng xạ vẫn khiến nhà đầu tư canh cánh nỗi lo.
Chiến lược gia Yoshinori Nagano thuộc hãng quản lý tài sản Daiwa cho rằng, những lo ngại về tác động kinh tế trong trung hạn của làn sóng hạn chế nhập khẩu và sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, từ Nhật Bản, đang ngày một tăng lên.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei giảm tới 1,06% xuống còn 9.615,55 điểm. Hiện chỉ số này thấp hơn 6% so với mức đóng cửa hôm 11/3. Chiến lược gia Norihiro Fujito thuộc công ty chứng khoán Mitsubishi UFI Morgan Stanley cho rằng, chứng khoán Nhật đã giảm mạnh và phục hồi khá nhanh.
Ngược chiều với thị trường Nhật Bản, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,69% lên 2.130,43 điểm. Chỉ số Straits Times của thị trường Singapore tăng 0,20% lên mức chốt 3.146,75 điểm.
Dương Lâm
TBKTVN
|