Phố Wall trồi sụt, lượng giao dịch thấp nhất năm
Thị trường chứng khoán Mỹ cho kết quả đan xen với khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất từ đầu năm tới nay.
Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán Mỹ cho kết quả đan xen với khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất từ đầu năm tới nay, do nhà đầu tư đang thận trọng trước mùa công bố kết quả lợi nhuận quý 1/2011.
Chốt ngày 4/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 23,31 điểm (+0,19%) lên 12.400 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,46 điểm (+0,03%) lên 1.332,87 điểm. Ngược chiều, chỉ số Nasdaq giảm 0,41 điểm (-0,01%) xuống 2.789,19 điểm.
Khoảng 5,94 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp nhất trong năm và thấp hơn nhiều mức giao dịch trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu trong năm 2010.
"Khối lượng giao dịch ở mức thấp là do nhà đầu tư và nhà giao dịch đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp sắp tới", Tim Ghriskey, Trưởng bộ phận đầu tư hãng quản lý tài sản Solaris ở Bedford, New York, nhận định.
Larry McMillan, Chủ tịch hãng phân tích McMillan, thì cho rằng thị trường đang điều chỉnh ngắn hạn do các chỉ số kỹ thuật cho thấy, thị trường đã mua vào quá nhiều. Hôm qua, số cổ phiếu tăng điểm vượt trội hơn số giảm điểm trên sàn New York với tỷ lệ 1.602/1.344, còn ở sàn Nasdaq là 1.387/1.230.
Nhà đầu tư cũng đang chờ đợi diễn biến lãi suất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu trong cuộc họp hôm thứ 5 tới sẽ nâng 25 điểm cơ bản từ mức thấp kỷ lục hiện nay.
Đáng chú ý, hôm qua, hãng Texas Instruments công bố dự định thu mua hãng đối thủ National Semiconductor với giá 6,5 tỷ USD. Đây sẽ là một trong các hợp đồng thu mua lớn nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn nhiều năm nay.
Sau tuyên bố trên, cổ phiếu của Texas Instruments giảm 1,8% xuống 33,5 USD trong phiên giao dịch ngoài giờ, trong khi cổ phiếu của National Semiconductor tăng tới 73,4% lên 24,39 USD.
Khu vực chứng khoán châu Âu cũng cho kết quả giao dịch trái chiều. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,12% lên 6.016,98 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,29% xuống 4.042,92 điểm và DAX của Đức hạ 0,06% xuống 7.175,33 điểm.
Phiên giao dịch ngày 4/4, chứng khoán châu Á đạt mức cao kỷ lục trong gần 3 năm, do đồng Yên suy yếu. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) tăng 0,6%, lên mức cao nhất từ tháng 5/2008.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, chỉ số niềm tin kinh doanh đã giảm từ +7 vào trước thảm họa ngày 11/3 xuống +6. Triển vọng của ba tháng tới có thể sẽ ảm đạm hơn, khi chỉ số niềm tin rơi vào vùng đáng lo ngại.
Ngoài vấn đề phóng xạ, thì tình trạng thiếu điện khiến nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động, cũng ít nhiều ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp. Dự báo, tình trạng thiếu điện này có thể kéo dài ít nhất tới mùa hè.
Ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Đài Loan đóng cửa nghỉ lễ, thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ 0,24%, các sàn chứng khoán còn lại đều lên điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,11%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,46% và chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,65%.
Dương Lâm
TBKTVN
|