Làm gì để phát triển xuất khẩu bền vững?
Tăng trưởng rất nhanh nhưng thu nhập cũng tụt dốc rất nhanh, rồi dẫn đến tình trạng người nông dân thì phá bỏ cây trồng, vật nuôi của mình, còn các nhà máy thì đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Đó là tình trạng của nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bán càng nhiều, thu được càng ít
Giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang đứng ở mức cao chưa từng có, đến 25.000-26.000 đồng/ki lô gam và với giá này, nuôi cá có thể lãi đến 5.000 đồng/ki lô gam. Vậy mà người nuôi vẫn thờ ơ, trong khi các nhà máy chế biến đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, sản lượng cá tra của Việt Nam năm nay có thể giảm gần 40% so với năm 2010. Trong khi đó, ở các tỉnh Tây Nguyên, phong trào trồng cà phê đang phát triển rầm rộ. Giá cà phê lên cao ngất ngưởng, có lúc tới 50.000 đồng/ki lô gam đã kích thích người dân phá bỏ những cây trồng khác, kể cả rừng, để trồng cà phê. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam lo ngại, xu hướng này sẽ sớm đưa người trồng cà phê đến chu kỳ chặt phá mới, vốn mới xảy ra cách nay một niên vụ, khi giá cà phê tụt dốc.
Xuất khẩu hiện đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Nhìn lại quá trình 15 năm qua, đường biểu diễn kim ngạch xuất khẩu gần như đi theo chiều thẳng tiến. Nhưng điều đó không có nghĩa xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được sự ổn định, bền vững, mà trái lại lĩnh vực này luôn trong tình trạng bấp bênh. Bằng chứng rõ nét nhất là tình trạng trồng rồi lại chặt, nuôi rồi lại bỏ, ồ ạt đầu tư xây dựng nhà máy rồi chẳng bao lâu sau rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, đóng cửa... ở nhiều ngành xuất khẩu quan trọng. Sự bấp bênh này một phần do biến động của thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tự chúng ta gây ra.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Vasep, nói về bất cập của ngành sản xuất cá tra xuất khẩu như sau: “Tốc độ phát triển chóng mặt nhưng thiếu quy hoạch, sản xuất chủ yếu theo tín hiệu giá của thị trường, lúc giá lên thì đổ xô vào nuôi, khi xuống thì bỏ hàng loạt, dẫn đến tình trạng lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu”. Hiện nay, tuy giá cá tra đang rất cao, nhưng đầu tư vào nuôi cá vẫn quá rủi ro, khi mà lãi vay ngân hàng cao ngất ngưởng và không ai dám chắc sau 6-7 tháng nữa (thời gian cho một chu kỳ nuôi) thị trường cá có còn giữ được giá như hiện nay nữa hay không? Đó là lý do khiến cho người nuôi vẫn chùn tay.
Câu chuyện cá tra là một thí dụ điển hình cho bức tranh chung của xuất khẩu Việt Nam. Xu hướng phát triển chóng mặt nhưng thiếu quy hoạch có thể thấy ở hầu hết các ngành xuất khẩu quan trọng khác, từ các mặt hàng nông sản như cà phê, tiêu, hạt điều cho đến các ngành công nghiệp dệt - may, da - giày, chế biến gỗ, bao bì nhựa, xe đạp... Có thể khẳng định, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong hơn hai thập niên qua phụ thuộc chủ yếu vào tăng số lượng hàng xuất đi hơn là gia tăng giá trị. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính làm cho lĩnh vực xuất khẩu trở nên bấp bênh, thiếu bền vững.
Tăng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng hàng xuất rõ ràng là một chiến lược thiếu khôn ngoan và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hướng đi này, tuy có thể làm tăng kim ngạch chung, nhưng thu nhập thực tế của các doanh nghiệp và những người tham gia trực tiếp vào quá trình này chưa chắc tăng tương ứng, mà thường ngược lại. Cá tra là một ví dụ. Năm 2005, mỗi ki lô gam cá xuất bán, người nuôi lãi 2.000 đồng, năm 2007 tụt xuống còn 1.000-1.500 đồng, rồi đến giữa năm ngoái chỉ còn lại 200-300 đồng và tới cuối năm thì lỗ nặng. Đồng thời, việc xuất ồ ạt cá tra ra thị trường thế giới trong một thời gian ngắn, từ 385.000 tấn (năm 2005) vọt lên 1,2 triệu tấn vào năm ngoái, cũng làm cho giá cá giảm mạnh.
Năm 2008, chỉ với 641.000 tấn cá tra, Việt Nam xuất khẩu được 1,45 tỉ đô la Mỹ, trong khi năm 2010 với 1,2 triệu tấn chỉ mang về được 1,39 tỉ đô la Mỹ. Đây là kết quả tai hại và nó không chỉ xảy ra với những sản phẩm mà Việt Nam có thể làm thay đổi cán cân cung cầu của thị trường thế giới như cà phê, tiêu, hạt điều... Ngay những mặt hàng như dệt - may, da - giày, dù số lượng xuất khẩu không đáng là bao so với Trung Quốc, nhưng do tình trạng đầu tư phát triển năng lực sản xuất quá mức, các doanh nghiệp trong nước lại phải đấu sống chết với nhau, hạ giá gia công để giành giật từng đơn đặt hàng.
Gia tăng xuất khẩu ồ ạt về số lượng còn dẫn đến một rủi ro rất lớn khác, đó là sự phản ứng mạnh mẽ của đối thủ cạnh tranh từ chính những nước nhập khẩu, do “nồi cơm” của họ bị đe dọa và kết quả là các sắc thuế chống bán phá giá đối với cá tra, tôm, giày mũ da, xe đạp, bao bì nhựa... ra đời. Một trong những bằng chứng đó là ngành xe đạp xuất khẩu của Việt Nam đã bị đánh gục vì thuế chống bán phá giá của Liên hiệp châu Âu (EU). Xuất khẩu từ một triệu chiếc vào năm 2005 (thời điểm bắt đầu bị áp thuế), đã tụt xuống còn hơn 20.000 chiếc khi thuế này được bãi bỏ vào tháng 7-2010.
Một rủi ro khác của tăng trưởng nóng về số lượng là thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Đây đang là bài toán nan giải của ngành chế biến gỗ và hạt điều. Đó là chưa nói đến thiệt hại, lãng phí do hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất không thể hoạt động hết công suất và nhiều thiệt hại khác.
Kiểm soát sản lượng không khó
Nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu là nền tảng của sự phát triển bền vững, đồng thời cũng tạo nên thịnh vượng cho nền kinh tế. Chúng ta thường cho rằng, muốn nâng cao giá trị thì phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, phải thiết lập kênh phân phối riêng ở nước ngoài để không phải bán hàng qua nhiều trung gian... Điều này không sai. Nhưng trong nhiều trường hợp, không cần đầu tư thêm chúng ta vẫn có thể tăng giá trị xuất khẩu, chỉ cần quản lý cho tốt để không xảy ra tình trạng dư thừa. Nhất là với các mặt hàng Việt Nam đang là nhà cung cấp hàng đầu thế giới như cà phê, tiêu, gạo, cá tra. Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cá tra đang là cơ may để khôi phục giá sản phẩm này.
Hiện nay, giá cá phi-lê xuất khẩu đã tăng gấp đôi mức bình quân của năm ngoái, lên hơn 4.000 đô la Mỹ/tấn. Nếu mức giá này ổn định đến cuối năm, thì dù sản lượng năm nay theo dự báo chỉ còn 700.000 tấn (giảm 0,5 triệu tấn so với năm ngoái), vẫn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu gần tương đương với năm 2010. Vasep mong muốn giữ ổn định sản lượng cá khoảng 1 triệu tấn/năm. Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng mong giữ sản lượng cà phê trong khoảng 0,9-1 triệu tấn/năm để ổn định giá. Việc kiểm soát tốc độ tăng về số lượng còn giúp Việt Nam phần nào tránh được những vụ kiện bán phá giá hoặc phải đối mặt với các hình thức phòng vệ khác. Việc không phải chịu thuế chống bán phá giá đồng nghĩa với tăng thu nhập và sức cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu. Đây là điều mà ngành may xuất khẩu đã làm được ở thị trường Mỹ.
Đương nhiên, kiểm soát việc trồng trọt, nuôi thủy sản của người dân là rất khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn có thể làm được thông qua quản lý chặt việc phát triển năng lực của các cơ sở chế biến. Một yếu tố rất quan trọng khác là Việt Nam sẽ không thể đạt được sự bền vững, cả về xuất khẩu lẫn phát triển kinh tế nói chung, nếu chúng ta chỉ đứng một mình.
Từ nhiều năm qua, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã nhấn mạnh Việt Nam cần phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hay nói cách khác, chúng ta phải mang “miếng bánh” thị trường nội địa của mình chia sẻ với thế giới, đồng thời tham gia vào miếng bánh lớn hơn của toàn cầu. Để làm được việc này, trước hết phải thay đổi quan điểm phát triển sản xuất, trong đó có vấn đề nội địa hóa.
Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi chủ trương từ sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa ngày càng nhiều hơn, sang tập trung vào phát triển những ngành, những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều lợi thế nhất. Chúng ta có thể chấp nhận chỉ nội địa hóa được 5% của chiếc ô tô, hay tỷ lệ tương tự đối với các sản phẩm điện tử khác, nhưng nếu đó là 5% của cả thị trường ô tô, thị trường đồ điện tử của cả khu vực hoặc tốt hơn là cả thế giới, thì chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều so với con số 70-80% nhưng chỉ giới hạn ở thị trường trong nước. Chúng ta có thể chấp nhận chỉ nội địa hóa được 5% của một sản phẩm, nhưng nếu đó là 5% của cả thị trường khu vực, thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với 70-80% mà chỉ giới hạn ở thị trường trong nước.
Tấn Đức
TBKTSG
|