FDI chảy vào đâu?
Mong muốn của Việt Nam trong việc thu hút vốn FDI là hướng đến các ngành sản xuất công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng, giá trị công nghệ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mấy năm gần đây dòng vốn này lại có xu hướng đầu tư ngắn hạn và khai thác “thô”...
Mới đây, sau một thời gian nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, và các cộng sự đã đưa ra nhận xét rằng hai lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và đầu tư bất động sản được khối doanh nghiệp FDI ưu tiên đầu tư nhiều nhất trong thời gian qua với tỷ lệ lần lượt là 40,9% và 35,4%. “Đây là xu hướng chuyển dịch nổi bật sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nó cho thấy tính chất đầu tư ngắn hạn, mang tính đầu cơ cao, ít định hướng công nghệ và tạo việc làm có giá trị gia tăng đang thể hiện rất rõ”, ông Thiên phát biểu trong một cuộc hội thảo về chiến lược phát triển kinh tế mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.
Theo nghiên cứu của ông Thiên và các cộng sự, tính bình quân, quy mô các dự án FDI trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, khách sạn là 160 triệu đô la/dự án, bất động sản là 150 triệu đô la/dự án, khai khoáng 79 triệu đô la/dự án. Còn về công nghiệp chế biến, chế tạo, suất đầu tư trên mỗi dự án rất khiên tốn, bình quân chỉ 10 triệu đô la/dự án. Thậm chí các dự án giáo dục, khoa học, công nghệ giá trị đầu tư còn nhỏ hơn nhiều lần.
Đây là một xu hướng không thể xem thường. Bởi như năm 2008, trong số vốn ngoại tệ 11,5 tỉ đô la Mỹ được thực hiện, vốn chuyển từ nước ngoài vào chỉ có 8 tỉ đô la; phần còn lại là vốn góp của phía Việt Nam bằng quyền sử dụng đất và một số nguồn khác. Trong khi đó, mong muốn thu hút vốn FDI của Việt Nam nhiều năm qua là hướng đến các ngành sản xuất, công nghiệp nhằm tạo ra giá trị gia tăng, giá trị công nghệ cho nền kinh tế.
Kết quả nói trên cũng trùng với kết quả nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh mới được công bố vào tháng trước. Tuy không có con số chính thức về số lượng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào bất động sản nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư vào ngành khai thác thô như khai khoáng là rất cao. Phần còn lại đều là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia. Do vậy, nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam thường nằm trong khâu thấp nhất của chuỗi giá trị sản phẩm. “Tính trung bình trên cả nước chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư FDI tham gia vào lĩnh vực sản xuất công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và truyền thông; 5% khác tham gia vào các dịch vụ khoa học, kỹ thuật và 3,5% tham gia ngành bảo hiểm hay tài chính đòi hỏi trình độ nhân lực cao”, báo cáo PCI nhận định.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh: “Xu hướng khai thác thô của các doanh nghiệp FDI cần được báo động và phân tích kỹ”. Ông dẫn ra một số kết quả nghiên cứu khác để đánh giá như tài sản cố định (yếu tố quan trọng nhất để tạo ra năng lực sản xuất có tính cạnh tranh cao) và vốn đầu tư dài hạn tại gần 5.000 doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động đạt 390.000 tỉ đồng, tính ra bình quân chỉ 79 tỉ đồng/doanh nghiệp. Con số này tuy cao hơn khu vực doanh nghiệp dân doanh nhưng lại thấp hơn doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, xu hướng tăng vốn cũng chỉ tập trung vào các dự án đầu tư bất động sản và khai khoáng; còn công nghiệp chế tác, nông nghiệp... mức vốn gần như không đổi.
Ở góc độ khác, khối doanh nghiệp FDI thường than thở chất lượng lao động tại chỗ kém nhưng trên thực tế lại chủ yếu tuyển lao động dạng này để trả lương thấp. Bằng chứng là trong gần 2 triệu lao động đang làm việc trực tiếp và gián tiếp cho khối này, chỉ có khoảng 40% được đào tạo từ dạy nghề trở lên, phần còn lại là lao động phổ thông. Và do yêu cầu công việc chủ yếu mang tính lắp ráp, gia công nên các doanh nghiệp FDI rất hạn chế chuyển giao công nghệ và đào tạo lao động.
VCCI cho biết hiện có 66% số doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong vòng hai năm tới. Nhưng xem ra, với những phân tích ở trên thì việc siết chặt cấp phép cho một số loại hình dự án FDI là rất cần thiết.
Ngọc Lan
tbktvn
|