Thứ Ba, 01/03/2011 09:13

Xuất khẩu gạo năm 2011: Sao lại khó khăn?

Trong vòng 1 tháng qua, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có đăng nhiều tin bài về xuất khẩu gạo năm nay, trong đó đề cập nhiều đến những khó khăn trong xuất khẩu gạo. Tác giả Hoàng Kim ở Đồng Tháp đã có một bài viết phản biện theo hướng ngược lại. Tòa soạn xin giới thiệu với bạn đọc để có cái nhìn nhiều chiều về thị trường lúa gạo hiện nay.

Khủng hoảng lương thực đã lộ diện

Vào tháng 8/2010, cháy rừng tràn lan đã làm Nga tạm ngừng xuất khẩu lúa mì; lũ lụt khiến cho Pakistan một nước xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo có thể sẽ phải nhập khẩu gạo (1). Vì thế nhiều chuyên gia về lương thực của Việt Nam và thế giới đã đặt câu hỏi: “Có khủng hoảng lương thực hay không?”.

Câu hỏi trên nay gần như đã có câu trả lời bởi Viện Chính sách Trái đất - một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ và Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc ( FAO) đều cho rằng khủng hoảng lương thực 2011 đã bắt đầu lộ diện.

Viện Chính sách trái đất cho biết: “Từ đầu năm 2011, giá lúa mì tăng cao chưa từng thấy tại Anh, những vụ cướp bóc thực phẩm lan rộng tại Algeria, Nga phải nhập khẩu ngũ cốc nuôi gia súc vì thiếu cỏ dự trữ cho chăn nuôi, Ấn Độ vất vả đương đầu với giá tiêu dùng tăng 18% gây tình trạng bất ổn, Trung Quốc mua lúa mỳ và ngô với số lượng lớn từ bên ngoài do thị trường nội địa khan hiếm, Mexico nhập khẩu nhiều ngô để tránh tình trạng thiếu hụt như mấy năm trước, Arập Xêút chuẩn bị mua 2 triệu tấn lúa mỳ trong vài tuần lễ.” (2) TTXVN bài “ Khủng hoảng lương thực 2011 đã bắt đầu lộ diện".

Trong khi đó, FAO cảnh báo giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1990 và chưa có dấu hiệu đảo ngược. Chỉ riêng trong tháng 1/2011, giá lương thực tăng 3,4% so với tháng 12/2010. Từ tháng 5/2010 đến nay, giá lúa mỳ, ca cao tăng 6%. Riêng giá cà phê tăng 30% trong cùng thời kỳ FAO cho biết chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm được coi là “thiết yếu” bao gồm thịt, ngũ cốc, đường, sữa… trong tháng 1/2011 đã lên tới gần 231 điểm, so với 224 điểm của hồi tháng 6/2008 - thời điểm được coi là “nóng” nhất của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008.

Chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao hơn năm 2008, mà giá gạo năm 2008 lên trên 1.000 đô la Mỹ/ tấn. Chúng ta là một quốc gia xuất khẩu gạo vì thế có thể khẳng định rằng xuất khẩu gạo năm 2011 này có thuận lợi hết sức to lớn.

Mới đây, theo TTXVN trong bài viết Tình trạng giá lương thực leo thang sẽ còn kéo dài đã viết: “Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 25/2 cảnh báo rằng thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng giá lương thực leo thang kéo dài vì nhu cầu lương thực toàn cầu hiện đã vượt quá khả năng cung ứng của nông dân.

Giá lương thực hiện đã vượt qua mức kỷ lục của cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ còn tăng 3,5% trong năm 2011 do nhu cầu lương thực tăng cao ở các nền kinh tế mới nổi và do biến đổi khí hậu.”. Do đó, bây giờ là lúc chúng ta phải xác định Việt Nam có nên xuất khẩu gạo với giá sàn 520 đô la Mỹ/tấn cho gạo 5% tấm hay không? Chứ không phải là lúc lo lắng Philippines có nhập khẩu gạo của chúng ta hay không.

Chính phủ phải vào cuộc để giúp nông dân

Năm 2008, khi giá gạo thế giới lên đến 1.000 đô la Mỹ/ tấn, vì lý do an ninh lương thực, Việt Nam đã tạm ngừng ngừng xuất khẩu xuất khẩu gạo, khiến sau đó lúa gạo của nông dân tồn đọng không ai mua, tiếp đó là giá gạo thế giới hạ, nông dân phải bán lúa với giá chỉ có 3.500 đồng/kg (quy gạo khoảng 306 đô la Mỹ/ tấn).

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan dùng cục dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, còn gạo xuất khẩu vẫn bán bình thường với giá khoảng 1.000 đô la Mỹ/tấn, nên nông dân Thái bán lúa với giá cao hơn giá lúa của nông dân Việt Nam rất nhiều.

Để tránh vết xe đổ năm 2008, việc cấp bách của Chính phủ là phải thiết lập một chính sách đảm bảo an ninh lương thực cho người ăn gạo, đồng thời có chính sách xuất khẩu gạo bắt nhịp với giá thị trường gạo thế giới. 70% nông dân ở nông thôn đã có gạo ăn, đa số người dân thành thị và cán bộ viên chức ăn gạo thơm ngon hơn cả gạo xuất khẩu, vì vậy, Chính phủ chỉ cần xác định chính xác số lượng người cần được trợ giá lương thực, hơn là lo đảm bảo an ninh lương thực chung chung.

Chính phủ cần mời các chuyên gia về lúa gạo phân tích và đánh giá tình hình lúa gạo trên thị trường thế giới, để đề ra một chủ trương bán gạo xuất khẩu sao cho có lợi nhất.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không có khả năng dự báo, không có khả năng ấn định giá sàn xuất khẩu gạo một cách linh động cả trong điều kiện xuất khẩu bình thường, chứ đừng nói chi đển điều kiện phức tạp tiền khủng hoảng lương thực hiện nay.

Việc lúng túng của VFA thể hiện rất rõ trong việc hạ giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm từ 520 xuống còn 500 đô la Mỹ/tấn, trong khi thế giới đang dự báo sắp khủng hoảng lương thực, rồi chỉ một tuần sau lại nâng giá sàn lên mức cũ 520 đô la Mỹ/ tấn. Vì thế, Chính phủ phải vào cuộc để giúp nông dân.

Cách hữu hiệu nhất để ấn định giá sàn bán gạo hiện nay, là quy chiếu về giá bán gạo của Thái Lan cùng loại. Việt Nam nên hợp tác với Thái Lan trong vấn đề xuất khẩu gạo.

Ẩn số Philippines

Theo Hải Quan Việt Nam xuất khẩu tháng 1/2011: “đạt gần 541 nghìn tấn với trị giá là 282 triệu đô la”, trong khi đó xuất khẩu tháng 1/2010: “đạt 380.688 tấn, với giá trị 204, 9 triệu đô la” Như vậy, dù không bán gạo cho Philippines, xuất khẩu tháng 1 năm 2011 vẫn cao hơn tháng 1/2010 khoảng 160 nghìn tấn.

Vậy, dù Philippines có mua gạo của chúng ta hay không, không có gì quan trọng. Philippines là một bạn hàng mua gạo truyền thống của Việt Nam. “Philippines là bạn hàng lớn của Việt Nam, hàng năm nước này nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo của Việt Nam. Ngoài ra có sự đảm bảo ở cấp quốc gia giữa hai nước trong một biên bản ghi nhớ ký kết từ năm 2008 về việc cung ứng gạo của Việt Nam cho Philippines với con số lên đến 1,5 triệu tấn, và biên bản này mới được tiếp tục gia hạn đến năm 2013.” (3)

Việc Việt Nam thỏa thuận ở cấp quốc gia sẽ phải bán cho Philippines mỗi năm 1,5 triệu tấn gạo, để đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines (hiểu theo nghĩa cung cấp đủ gạo ăn cho Philippines trong mọi trường hợp), thế mà ông Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines lại tuyên bố: “Chúng tôi đang đánh giá tình hình. Chúng tôi có thỏa thuận (MOU) với Việt Nam nhưng chúng tôi không lệ thuộc vào thỏa thuận đó. Chúng tôi vẫn có lựa chọn khác”. (3)

Lẽ ra, chúng ta phải xác định rõ biên bản ghi nhớ năm 2008 có còn hiệu lực hay không, để chúng ta định hướng xuất khẩu gạo, chứ không phải đón mò Philippines có nhập khẩu gạo từ Việt Nam hay không, như hiện nay.

Agromonitor lại cho biết Philippines đang muốn ép giá gạo Việt Nam: “Một chi tiết đáng lưu ý là nhập khẩu sẽ chỉ thực hiện khi vào “đỉnh” của vụ thu hoạch. Mục tiêu có thể để ở thế mặc cả giá hời nhất. Như vậy thời gian cho việc nhập khẩu ở đây ‘ám chỉ” sẽ diễn ra vào vụ thu hoạch của Việt Nam và Thái Lan”. (4)

Nếu những thông tin vừa nêu là đúng, thì Philippines đã từ bạn hàng truyền thống biến thành bạn hàng thông thường. Đối với bạn hàng thông thường, Việt Nam cần phải thể hiện tư cách của một nước xuất khẩu gạo trong cái thế mà thế giới đang lo ngại khủng hoảng lương thực.

Hy vọng cố bán gạo cho một khách hàng thông thường muốn ép giá gạo của chúng ta là một điều không nên.

Hoàng Kim, Đồng Tháp

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thời cơ vàng cho xuất khẩu gạo (01/03/2011)

>   Tranh mua cà phê nguyên liệu (01/03/2011)

>   ASEAN+3 thành lập kho dự trữ gạo với 787.000 tấn (28/02/2011)

>   Sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu tăng 4,8% trong năm 2011 (28/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo, không dễ bán giá cao (28/02/2011)

>   Trợ lực nào cho thị trường gạo? (27/02/2011)

>   Bất cập cơ chế điều hành xuất khẩu gạo (27/02/2011)

>   Giá đường, cà phê giảm (25/02/2011)

>   Xuất khẩu gạo 2011: Thách thức không nhỏ (24/02/2011)

>   Philippines sẽ mua 660.000 tấn gạo Việt Nam (24/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật