“Thanh lọc” huy động vốn qua thị trường chứng khoán
Không ít NĐT nước ngoài đang tích cực đàm phán để mua cổ phần của DN Việt Nam, cao hơn cả thị giá trên sàn, song sự lạc quan đó chỉ có ở rất ít DN niêm yết đang hoạt động hiệu quả.
Hơn 50% mã chứng khoán trên 2 sàn có thị giá xấp xỉ mệnh giá đang đặt ra bài toán khó cho những DN trong diện này nếu thực hiện tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu. Dù khó khăn, thị trường cần một sự thanh lọc để cung cổ phiếu chất lượng hơn.
Tốt gỗ mới tốt nước sơn
CTCP Tập đoàn Minh Phú đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 900 tỷ đồng bằng cách không phát hành cho cổ đông hiện hữu mà phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với giá rất cao so với thị giá trên sàn. Trong đó, 200 tỷ đồng được phát hành cho một quỹ đầu tư Hong Kong bằng trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu phát hành thêm đang được 2 NĐT Nhật Bản chào mua. Lãnh đạo DN này cho hay, MPC sẽ phát hành cổ phần cho một NĐT, nhà đầu kia DN đang đàm phán để bán bớt phần vốn của Minh Phú tại nhà máy tôm Minh Phú - Hậu Giang. Trong khi đó, một NĐT Nhật Bản khác thông qua CTCK KimEng đang đàm phán để mua 20% cổ phần của Minh Phú từ cổ đông hiện hữu, không thông qua sàn.
Theo lãnh đạo Minh Phú, cả phát hành trái phiếu lẫn cổ phiếu, Công ty đều đàm phán và bán được giá cao hơn thị giá để có thặng dư. Đáng chú ý, những NĐT Nhật Bản mua cổ phần của Công ty đều là những nhà nhập khẩu hàng có truyền thống hơn 10 năm nay, sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu MPC, họ sẽ tham gia vào HĐQT Công ty, đồng thời có mục tiêu trở thành các đại lý chính phân phối tôm Minh Phú tại Nhật Bản.
Một DN cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 được nhiều NĐT quan tâm là Vinaconex. Trong cuộc họp HĐQT Tổng công ty ngày 24/3 tới, nội dung tăng vốn điều lệ sẽ là nội dung chính. Tổng công ty này dự kiến tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn từ 4.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng bằng cách bán cho đối tác chiến lược để thu thặng dư. Việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài hay các NĐT qua phát hành riêng lẻ đối với Vinaconex không khó. Tuy nhiên, do là tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, VCG phải có ý kiến của Chính phủ về chủ trương liệu cổ đông nhà nước có tiếp tục duy trì tỷ lệ chi phối 51% (hiện là SCIC) tại VCG.
Không yêu cầu cổ đông hiện hữu nộp thêm tiền, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) chọn cách tăng vốn lên 665 tỷ đồng bằng chia thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 bằng lợi nhuận tích lũy. Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL cho biết, hiện nay, DN không vay nợ ngân hàng, nhu cầu tài chính chưa thực sự cần thiết thêm, vốn điều lệ tăng lên để có vốn đối ứng cho các dự án (theo quy định thực hiện dự án bất động sản, vốn tự có phải đáp ứng được 20% vốn đầu tư), nguồn lợi nhuận để lại có thể tính vào vốn đối ứng của chủ đầu tư khi thực hiện dự án song mỗi lần làm hồ sơ lại phải chứng minh nguồn (cách từ 2 - 3 năm) trên tài khoản có tại ngân hàng. Thời gian qua, một số quỹ đầu tư Nhật Bản đặt vấn đề mua riêng lẻ qua công ty phát hành thêm nhưng NTL không thực hiện.
Tuy vậy, tỷ lệ các công ty có triển vọng trong huy động vốn qua TTCK không chiếm đa số. Trường hợp của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex là một ví dụ. DN này đang thực hiện đợt tăng vốn điều lệ lên 2.741 tỷ đồng, gấp 5 lần mức hiện nay. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 2.193 tỷ đồng được đầu tư vào dự án Khu đô thị IJC tọa lạc tại Khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương. Công ty này tin tưởng vào cam kết tham gia đợt tăng vốn của những cổ đông tổ chức như ngân hàng BIDV hoặc Dragon Capital. Tuy nhiên, trên thực tế, BIDV đăng ký bán toàn bộ hơn 2,1 triệu quyền mua, trong đó bán được có hơn 1 triệu. Dragon Capital trong 2 tháng gần đây đã bán 1,7 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 3 triệu cổ phiếu IJC nắm giữ. Cổ phiếu IJC hiện có thị giá 11.200 đồng.
Lọc cung chất lượng cho thị trường
Gần đây, UBCK đã cấp giấy phép gia hạn chào bán cổ phiếu ra công chúng cho nhiều công ty, chỉ riêng từ đầu tháng 3 tới nay đã có 7 DN, trong đó có nhiều DN đang niêm yết cổ phiếu như CTCP vận tải biển Vinaship (VNA), Tập đoàn Đại Châu (DCS); Sông Đà 1.01 (SJC)… Một cán bộ UBCK cho biết, trong văn bản gửi về Ủy ban xin gia hạn thời gian phát hành, có 2 lý do được DN nêu ra gồm thời gian vừa qua trùng với dịp Tết nguyên đán, công ty không phát hành kịp và thị trường diễn biến quá xấu, giá cổ phiếu xuống thấp, công ty lo ngại cổ phiếu bán không ai mua. Tuy phát hành khó như vậy song theo cán bộ này, do thắt chặt tín dụng, vay vốn ngân hàng khó, DN niêm yết không có cửa huy động vốn sẽ phải lựa chọn phát hành qua TTCK. Thời điểm này, thị trường ảm đạm, có phát hành cũng chẳng có NĐT mua, nhưng để kịp chớp cơ hội thị trường hồi phục, DN vẫn đưa ra kế hoạch tăng vốn vào nội dung họp các kỳ ĐHCĐ năm nay để phòng trước. Năm 2010, lúc cao điểm, mỗi chuyên viên của UBCK có thể phải đảm nhận xử lý tới 7 - 8 hồ sơ xin phát hành cùng lúc.
Nếu như tại nhiều nước trong khu vực, đều có ấn định một tỷ lệ nhất định cho đợt chào bán mới được coi là thành công, chẳng hạn 70 hoặc 80%. Nếu kết thúc ngày chào bán, tỷ lệ trên không đạt thì đợt phát hành bị hủy bỏ, trả lại tiền cho cổ đông hoặc cổ đông có thể được trả lại tiền nếu có yêu cầu. Tại Việt Nam, trước khi Luật Chứng khoán 2005 có hiệu lực, tỷ lệ thành công cho một đợt phát hành cũng được quy định khoảng 80%. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định hiện hành không đề cập như thế nào là một đợt phát hành thành công. Vô hình trung, cổ đông đã nộp tiền, coi như tham gia đợt phát hành mà không biết nếu DN không huy động đủ vốn, dự án có được thực hiện đúng tiến độ theo cam kết hoặc có thực hiện đúng dự án như DN đã công bố không.
Liên quan đến việc kiểm tra sử dụng vốn sau khi DN huy động qua TTCK. Hàng năm, UBCK đều có từng đợt kiểm tra tại DN, mỗi nhóm chuyên viên có thể kiểm tra tại 4 - 5 DN nhưng thị trường cũng chưa một lần được nghe công bố thông tin về kết quả các đợt kiểm tra này.
Năm 2011, vốn tín dụng qua ngân hàng đang được đề cao chất lượng. Huy động vốn qua TTCK, tương tự, cần một sự thanh lọc, để cung hàng "có chất" hơn.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|