Hoạt động M&A năm 2011: Sẽ tiếp tục khởi sắc
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Tiến sỹ Luật học, Luật sư LÊ ĐÌNH VINH - chuyên gia tư vấn cao cấp, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC khẳng định, năm 2011, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc.
Ông có thể đánh giá khái quát về triển vọng của hoạt động M&A ở Việt Nam trong năm 2011?
Nhìn khái quát, năm 2011 nổi lên 4 nhân tố thuận lợi đối với hoạt động M&A ở Việt Nam.
Một là, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên các DN cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam sẽ thúc đẩy hoạt động M&A phát triển.
Hai là, môi trường pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh đang trở nên thông thoáng, minh bạch hơn sau hơn 4 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ba là, những nỗ lực của Chính phủ nhằm thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó hoạt động M&A sẽ đóng vai trò chủ đạo.
Bốn là, sự gia tăng về số lượng và giá trị giao dịch M&A trong những năm gần đây cho thấy, thị trường M&A ở Việt Nam khá hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố tích cực kể trên, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu một khung pháp lý đồng bộ, thuận tiện và an toàn cho các giao dịch M&A. Mặt khác, chu kỳ M&A toàn cầu (bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997) đang ở vùng đáy, cộng thêm những khó khăn hiện thời của kinh tế thế giới, khiến lượng vốn đổ vào hoạt động M&A chưa thể tăng mạnh trong tương lai gần.
Đặt trong bối cảnh đó, hoạt động M&A ở Việt Nam trong năm 2011 sẽ tiếp tục khởi sắc, nhưng chưa thể có sự bùng nổ.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những nhân tố kể trên?
Về tác động của khủng hoảng, do nền kinh tế nước ta có quy mô không lớn, đa phần DN là nhỏ và vừa, khả năng chống chọi với khủng hoảng có hạn. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng và cắt giảm ưu đãi dành cho các DN khiến tình hình càng trở nên khó khăn. Do vậy, việc tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, cũng như đối với từng DN là điều khó tránh khỏi.
Về pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và hàng loạt đạo luật được sửa đổi, bổ sung đã nới lỏng, hoặc dỡ bỏ các điều kiện gia nhập thị trường theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO, tạo cơ hội để các công ty nước ngoài dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam.
Trong lĩnh vực thu hút FDI, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, tiếp sau trào lưu thành lập DN mới, M&A sẽ trở thành phương thức được nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Xu hướng này đã diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc những năm 1980 và hiện đang diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Điều đáng lưu ý là, trong khi thị trường M&A thế giới trầm lắng, hoạt động M&A ở Việt Nam lại có tín hiệu gia tăng trong mấy năm trở lại đây. Điển hình là các vụ HSBC - Bảo Việt, Hà Tiên 1 - Hà Tiên 2, Ngân hàng Commonwealth Australia - VIB… Trong năm 2011, sự gia tăng này vẫn sẽ tiếp tục.
Hoạt động M&A năm 2011 sẽ diễn ra sôi động ở những ngành, lĩnh vực nào?
Năm 2011, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ vẫn sôi động, bởi nhiều DN trong lĩnh vực này đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn, buộc phải tái cấu trúc để tồn tại. Việc dỡ bỏ các quy định về giới hạn tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán ở Việt Nam cũng sẽ là động lực thu hút các ngân hàng, công ty nước ngoài tham gia thị trường này.
Lĩnh vực bất động sản cũng hứa hẹn có nhiều khởi sắc, đặc biệt là việc sang nhượng các dự án đầu tư. Sau thời kỳ nở rộ, hiện nhiều chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để triển khai dự án, buộc phải tìm cách thoái vốn. Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản vẫn rất hấp dẫn các DN trong và ngoài nước. Do vậy, việc tái cấu trúc các DN trong lĩnh vực này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong một vài năm tới.
Ngoài ra, lĩnh vực bán lẻ với sự xuất hiện của hầu hết các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới tại Việt Nam và các lĩnh vực như công nghệ thông tin, truyền thông, dược phẩm - y tế, chăm sóc sức khỏe… đang được mở cửa theo lộ trình cam kết gia nhập WTO cũng sẽ thu hút các công ty nước ngoài tham gia thông qua M&A để tận dụng thương hiệu, nguồn nhân lực và mạng lưới khách hàng sẵn có của DN trong nước.
Huy Hào
đầu tư
|