PricewaterhouseCoopers: Dự báo mua bán sáp nhập sẽ sôi động
Công ty PricewaterhouseCoopers Việt Nam dự báo thị trường mua bán sáp nhập (M&A) trong năm 2011 tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và đạt mức cao về giá trị và số vụ thành công dựa trên các yếu tố kinh tế và thị trường đang diễn ra.
Trong báo cáo về thị trường mua bán sáp nhập tại Việt Nam, PricewaterhouseCoopers cho rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, và mua bán sáp nhập là một trong các kênh họ nhắm đến để nhanh chóng tiếp cận thị trường.
Năm 2010, hoạt động của các quỹ đầu tư tập trung nhiều hơn vào việc bán hơn là mua cổ phần vì một số quỹ đầu tư đến kỳ thoái vốn. Vì lý do này cùng với việc khó huy động vốn trên thị trường khiến các công ty quản lý quỹ thoái vốn để đảm bảo có được bảng ghi kết quả quản lý quỹ thành công.
Vụ đổ bể của Vinashin khiến các doanh nghiệp nhà nước phải cơ cấu lại hoạt động, lĩnh vực đầu tư, và do vậy PricewaterhouseCoopers cho rằng một số các tập đoàn nhà nước sẽ chuyển nhượng tài sản, cổ phần ngoài ngành chính của họ. Lãi suất cho vay cao và các vấn đề về thanh khoản cũng sẽ buộc các công ty trong nước dựa vào kênh mua bán sáp nhập để đáp ứng nhu cầu về vốn.
PricewaterhouseCoopers cho biết đầu tư của các công ty nước ngoài vào Việt Nam thông qua mua bán sáp nhập sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhưng sản xuất là một trong những ngành tập trung nhiều các hoạt động mua bán sáp nhập do kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt.
Quy định các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng và các ngân hàng phải đối mặt với cạnh tranh hơn sẽ buộc các ngân hàng nhỏ tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo đủ vốn và vừa tiếp cận được công nghệ và kinh nghiệm. Do vậy, tài chính-ngân hàng cũng sẽ sẽ là lĩnh vực tiềm năng cho M&A.
Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cũng nằm trong danh sách các ngành hàng đầu cho các hoạt động M&A vì nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng trong nước tăng nhanh, và ngày càng có nhiều người gia nhập vào nhóm trung lưu.
Các hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ diễn ra nhiều hơn trong năm 2011 do nhu cầu về vốn đầu tư của Việt Nam rất lớn cho các dự án điện, cầu và đường giao thông, cảng để duy trì tăng trưởng kinh tế và Chính phủ có chính sách thu hút các nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng.
Bất động sản, bán lẻ và giáo dục cũng được PricewaterhouseCoopers xếp vào những ngành thu hút nhiều các hoạt mua bán sáp nhập.
Theo báo cáo của PricewaterhouseCoopers, trong năm 2010 đã có 345 vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam với giá trị gần đạt 1,75 tỉ đô la Mỹ. Số vụ và giá trị của năm 2009 là 295 vụ và 1,1 tỉ đô la Mỹ.
Bình Nguyên
TBKTSG ONLINE
|