Sắp có “làn sóng” mua bán công ty chứng khoán
Hoạt động mua bán các công ty chứng khoán sẽ phát triển sôi động bởi sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước.
Công ty cổ phần Vincom (VIC-HOSE) vừa chính thức bán 19.490.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán Vincom (VIX -HNX). VIC đã thực hiện động thái rút vốn theo 3 đợt: ngày 2/3/2011 - bán 18%; ngày 3/3/2011 - bán 18% và ngày 7/3/2011 - bán 28,97%. Đến thời điểm này, số lượng cổ phiếu mà Vincom đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Chứng khoán Vincom đã giảm mạnh từ 22,5 triệu (chiếm 75% vốn) xuống còn 3.010.000 (10,03% vốn).
Tuy nhiên, trái ngược với sự rút lui của một số công ty chứng khoán lớn, nhiều “đại gia” nước ngoài đang rất hào hứng trong việc mua lại cổ phần của các công ty chứng khoán trong nước.
Minh chứng là, Công ty Chứng khoán Nikko Cordial (Nhật Bản) trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), với việc hai bên ký hợp đồng hợp tác chiến lược. Công ty Chứng khoán Nikko Cordial vừa thanh toán 133,7 tỷ đồng để mua 14,9% cổ phần của PSI với giá 15.000 đồng/cổ phần, nâng vốn điều lệ của PSI từ 509,25 tỷ đồng lên 598.413 tỷ đồng...
Trước đó, Công ty Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc đã mua gần 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Gia Quyền (EPS). Công ty SBI Securities (Nhật Bản) đang thương thảo mua 20% cổ phần của Công ty Chứng khoán FPT. Thêm nữa, Morgan Stanley (Singapore) đã mua 48,33% của Công ty Chứng khoán Hướng Việt; Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Golden Bridge (Hàn Quốc) mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Nhấp và Gọi; Ngân hàng RHB (Malaysia) đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Chứng khoán Việt Nam…
Ngay cả Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS-HNX), dù đã tuyên bố kế hoạch chuyển đổi, để trở thành một tập đoàn kinh doanh với lĩnh vực hoàn toàn mới, nhưng ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT KLS vẫn khẳng định, Kim Long hoàn toàn có thể quay lại với chứng khoán bất cứ lúc nào.
Ngoài những diễn biến tự nhiên từ thị trường, hoạt động mua bán các công ty chứng khoán sẽ có cơ hội phát triển sôi động hơn, bởi sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, trong kế hoạch năm 2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có một số định hướng nâng cao hiệu quả trong hoạt động của công ty chứng khoán, trong đó có việc khuyến khích việc tái cơ cấu theo hướng thâu tóm, sáp nhập công ty.
Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu xây dựng các quy định liên quan đến thâu tóm, mua bán các tổ chức kinh doanh chứng khoán…
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động công ty chứng khoán để đảm bảo sự bền vững trong hoạt động của các công ty này.
Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan này đang tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như bổ sung, sửa đổi quy định về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán; xem xét xây dựng hướng dẫn, cho phép công ty chứng khoán đưa vào áp dụng một số sản phẩm mới cho hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán; áp dụng quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính…
Chí Tín
đầu tư
|