Thứ Ba, 08/03/2011 10:04

Giấc mơ sàn ngoại, vẫn bộn bề trăm mối

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều DN tên tuổi trong nước như VNM, PVF, VIC, ITA, HAG… đã lên kế hoạch huy động vốn và niêm yết trên thị trường nước ngoài.

Trong bối cảnh lực cầu nội địa yếu ớt, dòng tiền bị hạn chế, việc huy động vốn tại nước ngoài là một hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, mọi việc không suôn sẻ khi các DN phải vừa làm, vừa hỏi và… chờ hướng dẫn.

Được Sở GDCK Singapore (SGX) chấp thuận niêm yết chính thức từ tháng 10/2008, nhưng đến nay CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vẫn chưa “xuất ngoại”. Nếu muốn được cấp phép lại, Vinamilk chỉ phải cập nhật báo cáo tài chính kiểm toán chứ không phải làm các thủ tục từ đầu. Tuy nhiên, một nguồn tin từ DN này cho biết, trong ĐHCĐ tới đây, VNM sẽ xin ý kiến cổ đông về việc hủy kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại. Lý do chính là hiện tại DN chưa có dự án nào lớn nên chưa có nhu cầu về vốn. Trước đây, VNM đã thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài từ 49% xuống 46%, nhằm dành 3% để phát hành và niêm yết tại SGX. “Việc huy động 3% vốn cổ phần từ sàn ngoại là rất nhỏ, trong khi phải đáp ứng các điều kiện của SGX khiến VNM từ bỏ ý định niêm yết trên sàn này”, nguồn tin trên cho biết.

Việc từ bỏ kế hoạch niêm yết trên sàn ngoại của VNM càng trở nên hiện thực khi cuối tháng 1/2011, DN này công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (theo tỷ lệ 2:1) và phát hành ra công chúng 3% thông qua hình thức đấu giá. Số cổ phiếu đưa ra đấu giá bằng đúng tỷ lệ DN đã hạ room của NĐT ngoài nhằm mục đích niêm yết trên SGX. Nếu NĐT nước ngoài mua đủ số cổ phiếu trên, room cho khối ngoại tại VNM sẽ lại đầy.

Cuối tháng 12/2010, CTCP Vincom (VIC) đã ban hành Nghị quyết ĐHCĐ thông qua việc phát hành 93 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu phát hành mới tương ứng 20% vốn điều lệ của VIC. Đối tượng phát hành là các NĐT tổ chức nước ngoài, các NĐT cá nhân tại Singapore. Toàn bộ cổ phiếu mới được niêm yết tại Sở GDCK Singapore, thời gian dự kiến vào quý I/2011. Tuy nhiên, dù đã sắp hết quý I nhưng đường ra sàn ngoại của VIC vẫn gập ghềnh do thiếu hành lang pháp lý. Mới đây, DN này lại xin lại ý kiến ĐHCĐ về chủ trương trên.

Thông tin mới nhất từ VIC cho biết, hiện DN này đã lựa chọn và chỉ định các tổ chức tư vấn, tham gia hỗ trợ Công ty. Do có sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật Việt Nam và Singapore liên quan đến chào bán và niêm yết cổ phiếu của DN Việt Nam ra nước ngoài, VIC đã liên hệ làm việc và nhận được các chấp thuận/hướng dẫn cần thiết từ phía các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như UBCK, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít thủ tục cần thực hiện, trong đó quan trọng nhất là Bản cáo bạch nộp cho Cơ quan tiền tệ Singapore.

Cũng dự kiến niêm yết trên sàn SGX từ lâu nhưng kế hoạch này của Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVF) đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVF cho biết, PVF dự kiến bán phần vốn của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đang sở hữu tại DN này (78% trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng) và niêm yết trên sàn ngoại. Nhưng hiện tại, NHNN vẫn chưa có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong nước phát hành chứng khoán và niêm yết ra nước ngoài. Chỉ khi nào được sự chấp thuận của NHNN, PVF mới có thể chuyển hồ sơ sang UBCK để làm thủ tục. Được biết, ngoài PVF, PVN còn có chủ trương thoái bớt vốn của mình tại các DN như PVD, PVI bằng cách bán cho đối tác ngoại và niêm yết phần vốn đó tại TTCK nước ngoài. Nhưng cũng như nhiều DN, mọi việc vẫn dừng lại ở “dự kiến” hay “kế hoạch”. Hiện nay, việc niêm yết ra nước ngoài vẫn chưa có một văn bản chuẩn hướng dẫn cho các DN. Do đó, mỗi DN khi làm đều phải có văn bản xin hướng dẫn các cơ quan như UBCK, NHNN, Tổng  cục Thuế và Sở Kế hoạch - Đầu tư các địa phương.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK, cho biết, cùng với nhiều nội dung khác, việc phát hành chứng khoán và niêm yết trên TTCK nước ngoài của các DN trong nước sẽ được quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung. Dự kiến, đến tháng 5/2011, nghị định này sẽ hoàn tất và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực vào ngày 1/7/2011.

Như vậy, ít nhất đến tháng 7, việc niêm yết trên sàn ngoại của các DN mới có thể rõ ràng hơn, còn với các tổ chức tín dụng thì chưa biết đến bao giờ, bởi NHNN hiện vẫn chưa có động thái gì về chủ trương này.

Thanh Đoàn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   18/03, HUD3 giao dịch gần 10 triệu cp, giá 25,000 đồng/cp (07/03/2011)

>   Ngày 11/03, giao dịch bổ sung 155.6 triệu cổ phiếu ACB (07/03/2011)

>   Công ty Thế kỷ 21 đăng ký niêm yết hơn 19 triệu cp trên HOSE (07/03/2011)

>   Chứng khoán VNS đăng ký niêm yết 16 triệu cổ phiếu (04/03/2011)

>   VIC: 18/03 giao dịch bổ sung hơn 156 ngàn cổ phiếu (03/03/2011)

>   Ngày 15/03, PVC - SG chào sàn với 35 triệu cổ phiếu (03/03/2011)

>   28/04, hơn 1 triệu cổ phiếu H11 chào sàn UPCoM (02/03/2011)

>   Ngày 04/03, giao dịch bổ sung hơn 1.1 triệu cổ phiếu PVG (02/03/2011)

>   Phân tích CTCP Đầu tư & Phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (02/03/2011)

>   D11 lên sàn với mức giá gần 68,000 đồng/cp (28/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật