Dầu sẽ trở về ngưỡng 85 USD/thùng?
Một khi tình hình căng thẳng tại Libya được giải quyết, giá dầu thô có thể sẽ trở lại ngưỡng giao dịch bình thường, từ 85 – 102 USD/thùng, chuyên gia Steve Grasso thuộc hãng Stuart Frankel cho biết.
“Theo tôi, khi tình hình căng thẳng tại Libya được giải quyết, thị trường sẽ trở lại mức giao dịch mọi khi”, ông Grasso phát biểu trên kênh truyền hình CNBC.
Một loạt thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nigeria vừa quyết định nâng sản lượng dầu nhằm bù nguồn cung bị gián đoạn tại Libya. Tuần trước, Mỹ cũng cho thấy dấu hiệu sử dụng nguồn dầu dự trữ nhằm giảm bớt áp lực từ giá cả leo thang.
Mặc dù các quan chức ngành dầu lửa lạc quan rằng, cùng với sản lượng đã được nâng thêm của Saudi Arabia, việc tăng sản lượng được dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 4 tới của các quốc gia nói trên sẽ hầu như bù đắp đầy đủ cho phần nguồn cung bị suy giảm từ Libya.
Nhưng theo Phó chủ tịch John Stephenson thuộc hãng quản lý đầu tư First Asset cho rằng, trong vòng 2 năm tới, ông nghĩ rằng các phân tích cơ bản sẽ kéo giá dầu lên mức 131 và 140 USD/thùng. Sau đó, các nhà đầu cơ dầu sẽ đẩy giá vàng đen trên thị trường lên mức 200 USD/thùng bởi vì Saudi Arabia không thể duy trì mãi tỷ lệ cung dầu như vậy.
Dẫu vậy, tại thời điểm này, Stephenson cũng nhận định, giá dầu sẽ giảm trở lại ngưỡng bình thường, khi căng thẳng tại Libya chấm dứt. Ông dự đoán, giá dầu sẽ trở về mốc 90 USD/thùng. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ tăng lên vùng 120 USD sau vài tháng tới.
Đêm qua (7/3), giá dầu thô quốc tế đã trượt giảm lần đầu tiên trong vòng 3 ngày gần đây sau khi có tin tình hình bạo động tại Libya đã dịu bớt và nỗi lo về lượng cung dầu từ đó cũng được giảm trừ.
Dầu giảm ít nhất 1,6% sau khi kênh truyền hình Al-Jazeera cho hay, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang tìm kiếm một thỏa thuận theo đó ông có thể từ chức trong an toàn. Tuy nhiên, hiện những thông tin này chưa được xác nhận chính thức.
Theo đài truyền hình, ông Gadhafi đã đưa ra đề xuất trên với Hội đồng quốc gia lâm thời, đại diện cho hầu hết các vùng miền đông do phe đối lập nắm giữ. Đài truyền hình dẫn nguồn trong Hội đồng cho hay, ông Gadhafi muốn đảm bảo an toàn cho cá nhân ông và gia đình.
“Nhiều người kỳ vọng tình hình bất ổn sẽ lắng dịu và thị trường dầu sẽ sụp đổ. Giá dầu có thể rơi về ngưỡng 85 USD/thùng và giới đầu tư sẽ chuyển hướng quan tâm sang báo cáo lượng dầu tồn kho của Mỹ”, Jonathan Barratt, Giám đốc điều hành hãng Commodity Broking Services Pty, cho hay.
Trên thực tế, hôm qua, giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Libya và những người chống chính phủ vẫn diễn ra vô cùng ác liệt. Trong nỗ lực phản công giành lại những khu vực rơi vào tay phe đối lập, quân của ông Gaddafi đã mở cuộc không kích nhằm vào các vị trí của lực lượng chống chính phủ tại thành phố dầu mỏ Ras Lanuf.
Trước đó, người dân Ras Lanuf đã lũ lượt chạy khỏi thành phố do lo ngại các cuộc tấn công. Tại thành phố biển Bin Jawad, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa quân của ông Gaddafi và phe đối lập.
Các nhân chứng cũng cho biết, ít nhất 6 người đã chết do giao tranh ở thành phố Benghazi. Cùng ngày, các đài truyền hình Libya dẫn nguồn tin quân đội chính phủ cáo buộc tại một số thành phố mà quân chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát, phe đối lập cố thủ tại các khu vực dân cư và dùng dân thường làm lá chắn sống.
Chính phủ Libya hôm qua ra tuyên bố chính thức phản đối Nghị quyết 1970 của Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với gia đình Tổng thống Gaddafi cùng một số quan chức cấp cao trong chính phủ đương nhiệm.
Chính phủ Libya cho rằng, nghị quyết trên chỉ dựa vào những thông tin truyền thông bên ngoài mà không căn cứ vào các thông tin chính xác, có bằng chứng và đáng tin cậy được một ủy ban tìm hiểu sự thật độc lập và công bằng xác nhận.
Tuyên bố cáo buộc các nhóm Al-Qaeda nằm vùng tại Libya đã châm ngòi bạo động bằng các vụ tấn công đồn cảnh sát, doanh trại quân đội và kho vũ khí gây nhiều thương vong.
Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố điều các máy bay chiến đấu giám sát quốc gia Bắc Phi này 24 giờ, trong suốt 7 ngày để kiểm soát bạo lực leo thang.
“NATO bắt đầu các chuyến bay giám sát suốt ngày đêm với Libya trong khi cân nhắc các biện pháp đối phó với bạo lực leo thang ở nước này”, Đại sứ Mỹ tại NATO tuyên bố.
Quan chức này cũng nhấn mạnh về khả năng thành lập một vùng cấm bay ở Libya, một phần của chiến dịch làm giảm quyền lực của Tổng thống Gaddafi.
Theo một quan chức giấu tên tại Liên hợp quốc, Anh, Pháp và Mỹ đang thảo luận và cho ra một văn bản dự thảo về việc thành lập một vùng cấm bay tại Libya. Tuy nhiên, nhiều khả năng dự thảo này sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Nga và Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp NATO cho biết, trong lúc này liên minh “chưa có ý định” can thiệp vào cuộc nổi dậy chống Chính phủ tại Libya. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Liên minh NATO tại Brussels, Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh, NATO cũng đang “chuẩn bị kỹ càng cho mọi tình huống”.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố: “Tình trạng bạo lực do Chính phủ Libya gây nên là không thể chấp nhận. Chính quyền của ông Muammar Gaddafi sẽ phải chịu trách nhiệm nếu bất kỳ hành động bạo lực nào tiếp diễn”.
Trong khi đó, báo giới phương Tây cho rằng, càng lúc Libya càng có vẻ lâm vào một cuộc nội chiến kéo dài, nhất là khi quân nổi dậy muốn chiếm thành phố quê hương của ông Gadhafi là Sirte. Hai bên giằng co nhau quyết liệt để chiếm thành phố này.
Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cử Ngoại trưởng Jordan Al-Khatib làm đặc phái viên đến Libya, tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp với các nhà chức trách trong khu vực cũng như ở Libya về tình hình nhân đạo tại nước này.
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Libya diễn biến phức tạp, tình hình an ninh tại các quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi cũng chưa có tiến triển khả quan. Tại Lebanon ngày 7/3, khoảng 8.000 người đã biểu tình ở thủ đô để phản đối hệ thống chính trị mang tính giáo phái ở nước này và kêu gọi lật đổ chính phủ.
Uyên Ly
TBKTVN
|