Thứ Năm, 03/03/2011 16:51

Châu Á và động thái củng cố nguồn dự trữ dầu chiến lược

(Vietstock) – Trong lúc giá dầu tăng cao do những lộn xộn tại Libya, các quốc gia đang phát triển khắp châu Á nhanh chóng tiến hành một số biện pháp củng cố nguồn dự trữ dầu chiến lược nhằm ứng phó trước rủi ro về cú sốc nguồn cung kéo dài. Hành động của các quốc gia này thậm chí có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.

Trước những diễn biến tại Trung Đông, ngày 02/03, Philippines thông báo sẽ yêu cầu các công ty dầu mỏ nước này duy trì nguồn dự trữ đủ cho 15 ngày và các nhà máy lọc dầu giữ đủ lượng dự trữ cho 30 ngày.

Động thái của Manila là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cách thức mà các quốc gia châu Á đang tiến hành nhằm cải thiện an ninh dầu mỏ trước nguy cơ xuất hiện cuộc khủng hoảng nguồn cung tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003. Nhiều khả năng, các nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn khác trong khu vực cũng sẽ có động thái tương tự.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ; còn Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ năm thế giới, cao hơn cả Hàn Quốc, Pháp và Anh. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều thiếu nguồn dự trữ dầu chiến lược có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung có quy mô và tầm cỡ tương tự như cuộc khủng hoảng từng xảy ra tại các quốc gia phương Tây.

Giới phân tích tin tưởng rằng cuộc chính biến tại Trung Đông và Bắc Phi có thể khuyến khích cả Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường mua thêm dầu thô để bổ sung cho nguồn dự trữ chiến lược.

Nếu vậy, nhu cầu gia tăng có thể khiến thị trường dầu thế giới ngày càng căng thẳng và kiểm tra sản lượng dư thừa giữa các thành viên của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Không giống như các quốc gia công nghiệp khác từng xây dựng nguồn dự trữ cách đây 3 thập kỷ do cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu chương trình dự trữ chiến lược vào năm 2006 với việc hoàn thành một kho chứa 102 triệu thùng “Giai đoạn 1” trong 2 năm sau đó. 

Trong giai đoạn 2 của chương trình, nước này sẽ xây dựng thêm một nguồn dự trữ 168 triệu thùng vào đầu năm tới.

Khi chương trình hoàn thành với thời gian dự kiến vào năm 2020, nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc ở vào khoảng 500 triệu thùng, tương đương với khoảng 3 tháng nhập khẩu và là kho dự trữ lớn thứ hai trên thế giới.

Ông Soozhana Choi, Trưởng nhóm nghiên cứu  hàng hóa của Deutsche Bank tại Singapore nhận định nguồn dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc không chỉ là điểm đáng chú ý của thị trường dầu toàn cầu trong năm nay mà còn trong cả thập kỷ này.

Dù hoạt động mua dầu được giữ bí mật, nhưng các chuyên gia phân tích và chuyên viên giao dịch dầu tin tưởng rằng những bất ổn tại Libya và khả năng gián đoạn nguồn cung dầu tại Trung Đông có thể đẩy mạnh việc mua dầu thô chiến lược của Trung Quốc.

Ông K.F. Yan, Giám đốc Tổ chức Tư vấn Năng lượng CERA tại Bắc Kinh cho rằng: “Với kỳ vọng giá dầu tiếp tục tăng cao, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nguồn dự trữ dầu.”

Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu dầu và hiện mua hơn một nửa dầu từ bên ngoài. Năm 2003, khi thị trường dầu trải qua cú sốc nguồn cung do những bất ổn địa chính trị trong suốt cuộc chiến Iraq, Bắc Kinh chỉ nhập khẩu khoảng 30% lượng dầu từ nước ngoài.

Nhà phân tích hàng hóa Yingxi Yu của Barclays Capital dự đoán rằng tình hình Trung Đông có thể khiến các quốc gia có nguồn dự trữ dầu chiến lược thấp cảm thấy căng thẳng. Tuy nhiên, dự trữ dầu không thể gia tăng trong một sớm một chiều.

Nhập khẩu dầu của Trung Quốc so với nguồn cung
Kế hoạch dự trữ dầu thô chiến lược của Trung Quốc

Tiếp sau Trung Quốc, Ấn Độ cũng có động thái tương tự. Nước này có mục tiêu xây dựng nguồn dự trữ dầu ở vào khoảng 40 triệu thùng, tương đương với hơn 2 tuần nhập khẩu, vào cuối năm 2012.

Từ trước đến nay, Ấn Độ chỉ có kho dầu khoảng 9.8 triệu thùng. Nếu Ấn Độ xây dựng một nguồn dự trữ có quy mô tương đương với tổng lượng dầu nhập khẩu của các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và châu Âu; nước này cần ít nhất 200-250 triệu thùng dầu.

Theo các nhà phân tích, giá dầu ngày càng cao, với việc dầu Brent chạm 117 USD/thùng vào ngày 02/03, có thể làm chậm kế hoạch của Ấn Độ. Trung Quốc có thể cũng trải qua tình cảnh tương tự.

Ông Wang Jun, chuyên gia tại Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE) cho biết: “Chúng tôi không muốn nhập khẩu dầu với giá quá cao. Chúng tôi muốn mua khi giá dầu giảm”.

Phạm Thị Phước (Theo Financial Times)

Các tin tức khác

>   Roubini: Dầu có thể vượt 140 USD/thùng do bất ổn Trung Đông (03/03/2011)

>   Cú sốc giá dầu đe dọa toàn cầu (02/03/2011)

>   Bất ổn tại Trung Đông lại "thổi" giá dầu lên cao (28/02/2011)

>   "OPEC cần thận trọng với các quyết định về dầu mỏ" (28/02/2011)

>   Sáng mai giá gas tăng thêm 9.000-10.000 đồng (28/02/2011)

>   Iran được lợi về xuất khẩu dầu mỏ do bất ổn Libya (27/02/2011)

>   Khi thả nổi giá xăng theo thị trường (26/02/2011)

>   Arập Xêút tăng sản lượng dầu lên 9 triệu thùng (25/02/2011)

>   Vì sao Bộ Tài chính phải điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện (25/02/2011)

>   Giá dầu leo thang từng ngày (25/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật