Dầu mỏ trước nguy cơ hoảng loạn
Tuy cho đến nay cú sốc dầu mỏ vẫn chưa xảy ra, nhưng cuộc nội chiến ở Libya đang đẩy giá dầu lên từng ngày và nỗi sợ hãi Trung Đông bất ổn sẽ khiến giá dầu còn tăng cao hơn nữa.
Khi quân nổi dậy siết chặt vòng vây quanh thủ đô Tripoli, nguồn cung dầu mỏ của Libya cũng bị siết lại. Một số hải cảng và nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động vì công nhân không dám đi làm việc. Phần lớn các công ty dầu khí nước ngoài đã di tản nhân viên ra khỏi Libya và những người có vũ trang đã bắt đầu vơ vét những thiết bị vật tư còn để lại.
Cuộc rối loạn lan tới Oman, Iran và Iraq, làm các nhà kinh doanh dầu mỏ càng hoảng sợ hơn. Một sự gián đoạn nguồn cung từ bất kỳ nước nào trong số các nước này cũng đủ làm cho thị trường dầu mỏ rúng động, cho dù Ả-rập Saudi đang nỗ lực bơm thêm nhiều dầu hơn để bù vào chỗ thiếu hụt ở các lân bang. Nỗi hoảng sợ không chỉ đẩy giá dầu vượt mức 100 USD/thùng những ngày gần đây mà còn tác động tới các thị trường khác, các nhà đầu tư cổ phiếu chẳng hạn, đã bắt đầu bán tháo cổ phiếu do lo ngại giá dầu cao sẽ triệt tiêu mọi khả năng hồi phục kinh tế.
Không nơi nào bình yên
Trong lúc cuộc đấu tranh ở Libya đã biến thành cuộc nội chiến thì rối loạn tiếp tục lan tới Oman, một vương quốc nhỏ và ổn định ở vùng vịnh Ba Tư. Hôm thứ Ba, 1-3, người biểu tình Oman đã chặn con đường dẫn tới thành phố công nghiệp Sohar, đốt cháy một trạm cảnh sát và hai cơ quan nhà nước. Ở vùng Vịnh, Oman là nước sản xuất dầu nhiều nhất nằm ngoài khối OPEC, xuất khẩu mỗi ngày 860.000 thùng dầu, tương đương 1% sản lượng toàn thế giới. Ngành dầu mỏ của Oman mấy năm gần đây nhận được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn Royal Dutch Shell, BP, Repsol và nhiều công ty khác; sản lượng tuy chưa nhiều nhưng dầu của Oman chất lượng tốt, tương thích với hầu hết các nhà máy lọc dầu khắp thế giới và đang được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản và Trung Quốc.
Oman còn chiếm vị trí chiến lược bên bờ eo biển Hormuz, thủy lộ mà khoảng 40% số tàu chở dầu của thế giới phải đi qua. Bên kia eo biển là Iran, cũng là một nước cường quốc dầu mỏ, chiếm 10% trữ lượng dầu mỏ thế giới và mỗi ngày sản xuất 3,7 triệu thùng dầu. Thứ Ba tuần trước, cảnh sát Iran phải bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Tehran. Ở Iraq, người ta hy vọng tình hình an ninh được cải thiện sẽ giúp nước này khôi phục vị thế nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu, gia tăng sản lượng hiện đang ở mức 2,3 triệu thùng/ngày. Thế nhưng cuối tuần qua, nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này bị đánh bom, khiến cho sản lượng xăng của Iraq bị giảm 75.000 thùng/ngày. Vụ tấn công này xảy ra chỉ ba tuần sau khi một đường ống dẫn dầu tới một nhà máy lọc dầu thứ hai ở phía bắc thủ đô Baghdad bị tấn công phá hoại. “Những biến cố mới ở Oman, Iran và Iraq làm gia tăng mối lo ngại rằng không có nơi nào tránh được tác động lây lan của tình trạng rối loạn. Dường như mỗi ngày chúng ta lại thấy thêm một quốc gia phải đối phó với một vấn đề mới”, ông Helima Croft, nhà phân tích cao cấp về địa chính trị của công ty tài chính Barclays Capital, nhận định
Tác động trước mắt là giá dầu thô ngọt nhẹ đã chạm mức 100 USD/thùng, còn dầu thô Brent ở biển Bắc đã lên mức 115,42 USD/thùng trong phiên giao dịch thứ Ba 1-3-2011 và dao động quanh mức ấy. Tại Mỹ, giá xăng bình quân đã là 3,37 USD/gallon, cao hơn 20 cent mỗi gallon so với chỉ một tuần trước.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số của thị trường Wall Street đều đi xuống trong các phiên gần đây, có phiên Dow Jones giảm tới 1,3%. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Ả-rập Saudi tuần này có phiên giảm tới 6,8% - mức giảm mạnh nhất trong hai năm qua, bất chấp giá dầu tăng liên tục và sản lượng dầu cũng tăng theo.
Chưa đến nỗi bế tắc
Trong lúc theo dõi tình hình, hãy chuẩn bị chung sống với dầu mỏ giá cao! |
Hầu như không chuyên gia dầu mỏ nào ngạc nhiên khi thấy tình trạng bất ổn chính trị ở vùng Vịnh đã tác động mạnh tới thị trường như thế nào. Thế giới luôn khát dầu, cung và cầu đang ở trong trạng thái cân bằng mong manh và một sự gián đoạn nguồn cung, dù nhỏ, cũng có thể gây hoảng loạn thị trường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khả năng ngừng hoạt động hoàn toàn một nước xuất khẩu dầu mỏ là điều khó có thể xảy ra. Và thị trường vẫn hy vọng nguồn dầu của Ả-rập Saudi có thể bù đắp phần nào cho sự gián đoạn của các nước khác. Ả-rập Saudi có khả năng sản xuất mỗi ngày 12,5 triệu thùng dầu, và là nước sản xuất nhiều dầu nhất thế giới. Hiện Ả-rập Saudi sản xuất mỗi ngày 9 triệu thùng dầu, trong đó có 700.000 thùng sản xuất thêm để bù cho sự sút giảm của Libya. Các quan chức Ả-rập Saudi nói, nếu cần thiết, họ có thể khai thác tối đa “năng lực dư thừa”, sản xuất thêm 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày để bảo đảm cân bằng cung-cầu của thị trường thế giới. Theo tạp chí chuyên ngành Energy Intelligence, Ả-rập Saudi đang yêu cầu các nhà máy lọc dầu của châu Âu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung của Libya đưa ra số lượng và chủng loại dầu cần thiết để họ cung ứng. Ngoài Ả-rập Saudi, “năng lực dư thừa” của các thành viên OPEC khác vào khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày, nâng tổng mức năng lực dư thừa lên 5 triệu thùng, chiếm 6% tổng nhu cầu dầu của thế giới. Con số này cao gấp 3 lần mức 2% năm 2008.
David Knapp, nhà kinh tế năng lượng cao cấp của Energy Intelligence nhận định: “Vào lúc này, lượng dầu dự trữ trong kho chứa của các thương nhân, trong khả năng sản xuất thêm của các nước OPEC và trong kho dầu dự trữ chiến lược của các nước công nghiệp vẫn còn đủ để ứng phó với một sự gián đoạn từ Libya”.
Ở Libya, tình hình sản xuất dầu vẫn chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Khoảng 80% hoạt động sản xuất dầu của Libya nằm trong các vùng đã rơi vào tay quân nổi dậy. Mặc dù công nhân nước ngoài đã rút đi gần hết, nhưng công nhân bản xứ vẫn có thể vận hành các hoạt động khai thác; theo các chuyên gia trong ngành, hiện Libya vẫn khai thác mỗi ngày khoảng 600.000 thùng dầu, có điều do không thể vận chuyển dầu ra khỏi nước, các kho chứa ở đây đang đầy dầu. Phần lớn các mỏ dầu Libya được điều hành bởi một liên doanh 50-50 giữa công ty dầu mỏ quốc gia Libya và các tập đoàn quốc tế. Hồi đầu tháng này, công ty dầu mỏ vịnh Ả rập - công ty con của công ty dầu quốc gia Libya - cho biết, họ vẫn tôn trọng hợp đồng với khách hàng, và có thể khôi phục hoàn toàn việc sản xuất dầu trong hai tuần lễ. Tập đoàn Eni của Italia – nhà khai thác dầu mỏ nước ngoài lớn nhất ở Libya thì thông báo vẫn giữ lại Libya 21 kỹ sư dầu mỏ và vẫn khai thác mỗi ngày 120.000 thùng dầu, bằng một nửa sản lượng trước khi xảy ra bất ổn.
Với tình trạng hỗn loạn lan rộng, dòng dầu mỏ từ Trung Đông chắc chắn bị giảm, nhưng giảm ở mức nào và kéo dài bao lâu, cũng như giá dầu sẽ tăng đến đâu là điều khó đoán trước. Nhưng tác động của nó đến kinh tế thì đã rõ: ở nhiều nơi, lạm phát bắt đầu tăng nhanh và mọi người đều phải thắt lưng buộc bụng. Trong 40 năm qua, cứ mỗi khi có cơn sốc dầu mỏ thì kinh tế toàn cầu lại rơi vào suy thoái. Nếu giá dầu tăng thêm 10 USD mỗi thùng và kéo dài 1 năm thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm, nếu kéo dài 2 năm thì mức giảm tăng trưởng sẽ là 1%. Có thể lần này cũng vậy, nên trong lúc theo dõi tình hình, hãy chuẩn bị chung sống với dầu mỏ giá cao.
Thái Bình
diễn đàn doanh nghiệp
|