Cổ phần hóa viễn thông: Chừng nào thông?
Đằng sau chuyện chậm như rùa của tiến trình cổ phần hóa viễn thông phải chăng là tư duy của chủ doanh nghiệp chưa muốn thay đổi?
Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông được đẩy nhanh thì những người trong cuộc vẫn chưa có gì là vội vàng.
Nhà đầu tư nước ngoài nóng lòng
Từ cuối năm 1997, Orange France Telecom (OFT) đã thâm nhập thị trường viễn thông Việt Nam bằng Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) trị giá hơn 140 triệu USD với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), triển khai xây dựng 540.000 đường dây điện thoại cố định tại TP.HCM nhằm mục tiêu phát triển mạng điện thoại của VNPT. Tuy nhiên, với hình thức này, đối tác nước ngoài như OFT chỉ được chia một phần doanh thu và không có quyền về vốn cổ phần. Vì thế, năm 2005, sau khi Chính phủ thông báo về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu là MobiFone, VinaPhone và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thì OFT đã kiên trì theo đuổi mục tiêu lớn hơn là sẽ tham gia mua cổ phần của các nhà mạng này với ưu tiên hàng đầu là MobiFone.
Cho đến tháng 3.2010, Công ty ST Telemedia của Singapore cũng đã công bố việc mua 10% cổ phần của VNPT Global và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của doanh nghiệp này chỉ sau VNPT.
VNPT Global là doanh nghiệp chuyên về đầu tư viễn thông quốc tế với các hoạt động như cung cấp dịch vụ gia tăng viễn thông, dịch vụ contact center, xây dựng mạng lưới kết nối quốc tế cho VNPT. Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn là việc Công ty Thông tin Di động VMS, chủ sở hữu thương hiệu MobiFone, cũng có 5% cổ phần trong VNPT Global. Vì vậy, thương vụ mua bán nói trên cũng có thể được hiểu như động thái ban đầu để ST Telemedia thực hiện chiến lược trở thành cổ đông lớn hơn của MobiFone trong tương lai.
Trước đó một tháng, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, ông Thomas Frisance, Giám đốc Điều hành Chiến lược và Hợp tác Tài chính của Công ty Tư vấn Investelecom (Đức) cũng cho biết, cả 2 khách hàng của mình là Hãng Orascom Telecom Holding (Ai Cập) và Etisalat (Ả Rập) rất quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông Việt Nam và mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược vào MobiFone. Orascom và Etisalat cũng là 2 công ty viễn thông đang xếp thứ 11 và 14 trên thế giới về số lượng thuê bao di động.
Trong “Sách trắng 2011” được công bố mới đây, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tiếp tục kiến nghị Chính phủ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông bằng việc thông báo một lộ trình chắc chắn, có nêu rõ chi tiết thời gian tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 3 nhà mạng chiếm gần 90% thị trường trong nước là MobiFone, VinaPhone và Viettel vẫn chưa đưa ra được lộ trình cụ thể hay khung thời gian để thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Trong lúc một số nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông trong nước thì 3 nhà mạng di động có yếu tố nước ngoài là Vietnamobile, Beeline và S-Fone vẫn đang tiếp tục chia nhau thị phần chưa đến 10%.
Tham gia thị trường di động Việt Nam từ năm 2009 theo hình thức hợp tác BCC với đối tác trong nước là Hanoi Telecom, nhà đầu tư Hutchison (Hồng Kông) đã cam kết đầu tư vào thương hiệu Vietnamobile số vốn lên đến 656 triệu USD và đến nay, nhà mạng này có vẻ nhỉnh hơn Beeline và S-Fone với khoảng 10 triệu thuê bao, chiếm 5-6% thị trường. Trong khi đó, Beeline sau thời gian dài khá im ắng đang muốn tái khởi động một số hoạt động tiếp thị, còn S-Fone hiện vẫn ráo riết tìm đối tác để bán cổ phần mạng S-Fone sau khi hãng viễn thông SK Telecom (Hàn Quốc) rút khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC với nhà mạng này hồi tháng 11.2010.
Người trong cuộc vẫn dây dưa
Tín hiệu mới nhất làm cho giới đầu tư nước ngoài có thể mong đợi tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông được đẩy nhanh là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp hồi tháng 2 vừa qua. Theo đó, MobiFone được yêu cầu phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2011 nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông trong nước cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông trong gần 6 năm qua cho thấy, đây là con đường có khá nhiều chông gai và những người trong cuộc cần phải vượt qua các thách thức, cả khách quan lẫn chủ quan.
Trước hết, cam kết gia nhập WTO đối với ngành viễn thông của Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu đến 49% cổ phần của doanh nghiệp có hạ tầng mạng và 65% đối với doanh nghiệp không có hạ tầng mạng. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông lại quy định, một nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 30% vốn điều lệ của một doanh nghiệp viễn thông. Một đại diện Công ty Luật Russin & Vecchi (không muốn nêu tên) nói: “Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà đầu tư nước ngoài thành lập một số chi nhánh ở nước ngoài và lần lượt các chi nhánh này muốn hợp tác với Việt Nam để thành lập liên doanh? Như vậy, giới hạn 30% sẽ không có tác dụng”.
Bên cạnh đó, thông tin từ mạng di động VinaPhone cho biết, khó khăn lớn nhất đối với tiến trình cổ phần hóa là nhà mạng này không phải là đơn vị hạch toán độc lập vì hoạt động kinh doanh phải phụ thuộc vào hệ thống bưu điện địa phương. Vì vậy, VinaPhone cần thời gian để tiến hành hạch toán riêng, phân định doanh thu, lưu lượng và trách nhiệm quản lý cho từng địa phương. Công việc này thường mất nhiều thời gian và phải có phương pháp xác định thống nhất. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm nhưng nhà mạng này vẫn chưa hề công bố việc này đã được giải quyết đến đâu.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan từ chính những người trong cuộc càng góp phần làm chậm thêm tiến trình cổ phần hóa ngành viễn thông. “Bộ trưởng bảo phải cổ phần hóa MobiFone trong năm 2011, nhưng tư duy của doanh nghiệp này đã sẵn sàng chưa lại là chuyện khác”, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét.
Cả 2 nhà mạng MobiFone, VinaPhone lẫn cơ quan chủ quan của 2 doanh nghiệp này là VNPT đều chọn giải pháp im lặng đối với những vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, ông Thành vẫn khẳng định, cổ phần hóa viễn thông là tiến trình “không thể đảo ngược” vì với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trình độ công nghệ, quản lý và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông trong nước sẽ ngày càng được nâng cao.
Với cùng nhận định này, hãng nghiên cứu thị trường Anh BMI cho rằng, mặc dù tiến trình cổ phần hóa chậm hơn mong đợi nhưng một số nhà đầu tư nước ngoài như Telenor (Bỉ), Vodafone (Anh), NTT DoCoMo (Nhật) và OFT (Pháp) vẫn đang kiên trì chờ đợi cơ hội đầu tư lâu dài vào ngành viễn thông tại Việt Nam.
Song, nếu tiến trình cổ phần hóa ngành này diễn ra quá chậm, thị trường sẽ dần tiến tới bão hòa và tiềm năng phát triển sẽ co hẹp lại. Khi đó, sức hấp dẫn của các doanh nghiệp viễn thông trong nước sẽ trở nên kém đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo mới nhất của BMI cho thấy tốc độ phát triển thuê bao di động chóng mặt lên hơn 150 triệu vào cuối 2010, tỉ lệ nghịch với đà giảm sút doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao của Việt Nam với 63.000 đồng/thuê bao hiện nay, so với mức 126.000 đồng/thuê bao của năm 2008.
Vĩnh Bảo
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|