Thứ Tư, 02/03/2011 14:07

Chào bán cổ phần riêng lẻ: Vẫn rối!

Nghị định 01/2010/NĐ-CP (gọi tắt là “Nghị định 01”) của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ có hiệu lực từ ngày 25-2-2010 nhưng đến nay việc thực thi vẫn rối như canh hẹ. Do vướng mắc phát sinh từ nghị định này, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã buộc phải ra thông báo tạm ngưng giải quyết thủ tục cấp đăng ký thay đổi tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần để chờ cấp có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ.

Tiếp sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xin được tạm ngưng với nội dung tương tự. Nhiều sở kế hoạch và đầu tư khác trên cả nước cũng tới tấp gửi văn bản lên cơ quan cấp trên để “thỉnh thị xin ý kiến”. Hệ quả là hàng loạt công ty cổ phần có nhu cầu tăng vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình đã không được đáp ứng do thủ tục hành chính bị ách lại.

Khái niệm chào bán cổ phần riêng lẻ xuất hiện lần đầu tiên tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 với vẻn vẹn một điều khoản quy định: “Chính phủ quy định hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ” (khoản 6, điều 87, Luật Doanh nghiệp 2005). Tuy nhiên, từ năm 2005 đến trước ngày Nghị định 01 ban hành vào tháng 1-2010 do không quy định nên thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ không tồn tại. Các doanh nghiệp khi chào bán cổ phần chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ và thay đổi cổ đông (nếu bán cho nhà đầu tư mới) tại cơ quan đăng ký kinh doanh (riêng trường hợp chào bán cổ phần ra công chúng thì trước khi đăng ký thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký chào bán cổ phần ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). “Quy trình trước rất đơn giản, chẳng có vướng mắc gì cả!”, một luật sư cho biết.

Thế rồi mọi việc bỗng rối tinh lên khi Nghị định 01 quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ ra đời. Theo đó, các công ty cổ phần và các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần bị buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ trong trường hợp công ty chào bán cổ phần (hoặc quyền mua cổ phần trực tiếp) và không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho một trong các đối tượng sau: a) Các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; b) Dưới 100 nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ta có thể thấy khá rõ ý định của nhà làm luật trong việc yêu cầu đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ. Đó là, một mặt để phục vụ cho việc quản lý nhà nước và mặt khác nhằm bảo vệ các nhà đầu tư thông qua việc yêu cầu cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến doanh nghiệp chào bán.

Ý định có thể là tốt nhưng lại nảy sinh bao rắc rối do những quy định bất hợp lý và không rõ ràng. Ví dụ, dưới 100 nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp bao gồm những nhà đầu tư nào? Việc phát hành thêm và chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu có thuộc đối tượng nhà đầu tư không chuyên nghiệp?

Chỉ riêng vấn đề này đã có hai cách hiểu khác nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một công văn trả lời các sở kế hoạch và đầu tư vào ngày 28-1-2011 thì khẳng định rằng việc chào bán cổ phần thêm cho các cổ đông hiện hữu không thuộc nội hàm của khái niệm chào bán cổ phần riêng lẻ và do đó có thể hiểu cổ đông hiện hữu không thể được xem là nhà đầu tư không chuyên nghiệp.

Trong khi đó, theo một công văn được ban hành trước đó một ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại cho rằng nhà đầu tư không chuyên nghiệp hiểu theo Nghị định 01 phải được xem là các cổ đông hiện hữu và công ty chào bán cổ phần ở đây phải là công ty cổ phần chưa đại chúng. Tuy nhiên, cơ quan này đồng thời lại viện dẫn một điều khoản của Luật Chứng khoán sửa đổi 2010 có hiệu lực vào ngày 1-7-2011 để cho rằng việc phát hành thêm và chào bán cổ phần cho các đối tượng kể trên không áp dụng theo theo Nghị định 01 lẫn pháp luật về chứng khoán mà phải áp dụng theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng như vậy thì thủ tục ra sao và chẳng lẽ phải chờ đến 1-7-2011?

Một câu hỏi khác là tiếp sau thủ tục đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ doanh nghiệp sẽ phải làm gì? Nghị định 01 cũng không quy định rõ. Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn: sau khi chào bán xong doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký lại vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng như hướng dẫn trên thì lại không phù hợp với quy định về vốn điều lệ theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, vốn điều lệ được hiểu chỉ là bao gồm số cổ phần đã được cổ đông thanh toán đủ cho công ty, chứ không bao gồm số vốn chưa góp hoặc sẽ góp (tức là sổ cổ phần được quyền phát hành, chào bán thêm). Nếu không phải là vốn điều lệ thì số cổ phần chào bán riêng lẻ là vốn gì? Được ghi nhận ra sao? Không rõ!

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ thực chất chỉ gây thêm khó khăn và tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là đối với các trường hợp chỉ chào bán cổ phần cho một số nhà đầu tư nhất định. “Ví dụ, chủ công ty cổ phần A có vài ba người bạn thân, rủ họ mua cổ phần của công ty mình. Tất nhiên, khi quyết định mua những người bạn này đã nắm rất rõ về tình trạng công ty. Rõ ràng, trong trường hợp này nếu buộc doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký thì quả thật phiền hà và không cần thiết”, một luật sư phát biểu.

Hơn nữa, cũng theo vị luật sư, có rất nhiều cách khác để nhà đầu tư tự bảo vệ mình một cách hiệu quả hơn, chứ không nhất thiết phải làm thủ tục đăng ký thì mới bảo vệ được. Chưa nói Nghị định 01 còn đặt ra nhiều quy định can thiệp quá sâu và có thể “trói tay trói chân” doanh nghiệp như: yêu cầu việc chào bán cổ phần riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng; khi chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải xây dựng tiêu chí xác định, lựa chọn đối tác chiến lược; đối tác chiến lược phải có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài...

Không chỉ gây khó cho doanh nghiệp, Nghị định 01 còn tăng gánh nặng cho chính cơ quan đăng ký kinh doanh khi buộc cơ quan này phải làm thêm công việc giải quyết, thẩm định các hồ sơ đăng ký việc chào bán cổ phần riêng lẻ. Việc thực thi trách nhiệm như vậy liệu có hiệu quả trong khi một số cơ quan đăng ký kinh doanh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... hiện đang quá tải công việc?

Muốn lên đại chúng cũng “kẹt”!

Ngày 2-11-2010, Công ty cổ phần tập đoàn FLC gửi hồ sơ đăng ký công ty đại chúng lên UBCKNN để được xem xét trở thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, ba tháng sau UBCKNN mới có văn bản cho rằng FLC có thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ 7 triệu cổ phần cho 93 nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng. Do đó, theo Nghị định 01 thì việc chào bán cổ phần riêng lẻ của Công ty FLC thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Sau khi thực hiện thủ tục này xong, UBCKNN mới có cơ sở xem xét hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của FLC. Tuy nhiên, đến nay thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ của FLC vẫn chưa được xem xét như đề nghị của UBCKNN. Được biết, hiện nay tại Hà Nội có hàng chục công ty đang “mắc kẹt” tương tự như FLC.

Nguyên Tấn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Công ty XD & XNK Giao thông 502 đấu giá 1.27 triệu cp (01/03/2011)

>   Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm? (23/02/2011)

>   Công trình Giao thông 503: IPO 1.03 triệu cp, giá 10,000 đồng (23/02/2011)

>   Chấp chới cổ phần hóa Vietnam Airline, MobiFone và nhiều DN lớn (22/02/2011)

>   Bắt buộc MobiFone phải cổ phần hóa trong năm 2011 (17/02/2011)

>   Cổ phần hóa Công ty Thông tin viễn thông điện lực (26/01/2011)

>   Petrolimex: Hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2011 (21/01/2011)

>   Hủy đấu giá cổ phần Công ty Đầu tư Xây dựng Trường Thịnh (17/01/2011)

>   Vietnam Airlines sẽ hoàn thành IPO một phần vào năm 2012 (17/01/2011)

>   TKV ưu tiên cổ phần hóa doanh nghiệp điện (17/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật