Chủ Nhật, 13/02/2011 09:17

Xăng dầu lỗ đơn lỗ kép vì tỷ giá

Quyết định tăng xả Quỹ bình ổn, giữ nguyên giá xăng dầu đã đánh tan mối lo sắp tăng giá trong dân chúng, nhưng phía các doanh nghiệp đầu mối khá bất bình, nhất là khi phải chịu thêm sức ép tỷ giá tăng.

Tác động của 2 loại chênh lệch tỷ giá

Trao đổi với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Saigon Petro phân tích, doanh nghiệp xăng dầu phải chịu tác động của 2 loại chênh lệch tỷ giá. Loại thứ nhất, theo hình thức thanh toán bình thường, khi lô hàng xăng dầu về cảng, khoảng 30 ngày sau, doanh nghiệp mới thanh toán cho đối tác nước ngoài. Vì thế, giá CIF một lít xăng quy theo tỷ giá VND/USD để đưa vào giá vốn của doanh nghiệp vẫn là 19.500 đồng/USD.

Đến nay khi lượng xăng dầu đó đã bán ra thị trường thì doanh nghiệp lại phải trả cho đối tác nước ngoài theo tỷ giá mới cao gần 21.000 đồng/USD.

Vị lãnh đạo này nói, trường hợp này, dù giá xăng dầu có được tăng lên thì doanh nghiệp sẽ vẫn lỗ ít nhất khoảng 900 đồng/lít do tỷ giá tăng.

Loại phát sinh chênh lệch tỷ giá thứ hai là khi đến hạn thanh toán ngoại tệ cho đối tác nước ngoài, các ngân hàng không bán ngoại tệ mà bắt doanh nghiệp xăng dầu phải vay ngoại tệ. Giờ đến hạn phải trả ngoại tệ cho ngân hàng thì nghiễm nhiên, doanh nghiệp buộc phải chịu thiệt hại lớn với khoảng chênh tỷ giá tăng tới 1.200-1.400 đồng/USD so với trước.

Các DN xăng dầu than thở chịu 2 lần chênh lệch tỷ giá.

“Lúc tỷ giá bình thường, ngân hàng không bán ngoại tệ. Giờ tỷ giá tăng, họ mới bán ngoại tệ! Với hai kiểu chênh lệch đó, SaigonPetro đã bị phát sinh tới 50 tỷ đồng,” vị lãnh đạo này chốt lại.

Đến nay, Saigon Petro vẫn còn vướng khoản vay ngoại tệ một lô hàng xăng dầu nhập từ tận tháng 10 năm ngoái. Nay, với tỷ giá mới, công ty sẽ phải mất thêm 12 tỷ đồng khi trả ngoại tệ cho lượng xăng dầu đã bán xong từ lâu.

Tuy nhiên, mức thiệt hại trên vẫn còn thua xa so với số lỗ mà Petrolimex, nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất Việt Nam đang phải chịu. Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, tính tới thời điểm này, Petrolimex đang phải nợ một khoản ngoại tệ vô cùng lớn đối với cả ngân hàng trong nước và đối tác nước ngoài, ước giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. Giờ, vì tỷ giá, đơn vị sẽ phải mất thêm cả nghìn tỷ đồng, một khoản phát sinh chi phí kinh doanh khổng lồ.

Trước đó, chỉ tính riêng tác động sau hai cú tăng tỷ giá hồi năm 2010, tổng công ty đã bị đội chi phí thêm 800 tỷ đồng, trong đó, lần điều chỉnh tỷ giá thứ hai hồi tháng 8/2010, phát sinh tới 380 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, trong năm vừa qua, riêng vướng mắc việc mua USD để nhập khẩu xăng dầu, Petrolimex đã gửi hàng chục văn bản, báo cáo khẩn thiết lên tới các Bộ và tới cả Thủ tướng. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải tạo điều kiện tối đa cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu. Nhưng trên thực tế, không được như thế!

“Trước khi tăng tỷ giá, chúng tôi không thể nào mua nổi đủ ngoại tệ dù tiền Việt của chúng tôi có rất nhiều. Lượng ngoại tệ mua được rất nhỏ giọt. Một năm, Petrolimex cần khoảng 6 tỷ USD, trung bình mỗi tháng cần cỡ 400-500 triệu USD nhưng thực tế, “giỏi lắm” thì mua được vài ba chục triệu USD, còn lại phải đi vay,” ông Dũng nói.

Vị lãnh đạo này chia sẻ: “Giờ theo chính sách mới, Ngân hàng có cơ hội thu mua được ngoại tệ để bán, chúng tôi có thể mua ngoại tệ thuận tiện hơn nhưng thiệt hại đã nhìn thấy rõ”.

Quỹ bình ổn xăng dầu đã rỗng

Với doanh nghiệp nhập khẩu khác, tỷ giá tăng thì sẽ được tính vào kết cấu giá bán ra, song, với xăng dầu, lại là một cơ chế đặc thù.

Theo chính sách hiện hành, thuế nhập khẩu xăng: 0%, trích lập Quĩ bình ổn giá xăng dầu: 300 đồng/lít,kg, bù từ Quĩ đối với xăng: 1.650 đồng/lít, dầu diesel: 2.300 đồng/lít, dầu hỏa: 2.150 đồng/lít, dầu madut: 1.400 đồng/kg.

“Nỗi khổ nhất không phải là chuyện tỷ giá tăng, mà là nghịch lý thực hiện cơ chế thị trường nửa vời, đầu vào tăng nhưng đầu ra không được điều chỉnh", ông Dũng khẳng định.

Theo vị lãnh đạo này, trong nửa năm vừa qua, ở thời điểm khó khăn nhất, xăng dầu lỗ tới 2.500 đồng/lít, còn bình thường là lỗ 1.000-1.500 đồng/lít. Nhiều doanh nghiệp nhập hàng cầm chừng khiến thị trường xăng dầu có lúc đứt nguồn cung, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa. Tại thời điểm đó, lượng bán hàng của Petrolimex tăng tới 30-40%.

“Tới nay, giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới đã vượt 100 USD/thùng, tỷ giá lại tăng mạnh. Một lít xăng lỗ bao nhiêu, giá bán lẻ vẫn tiếp tục không được điều chỉnh. Đây là một sức ép vô cùng lớn cho sự tồn tại của doanh nghiệp!”, ông Dũng nói.

Đồng cảm với nỗi lòng này, đại diện SaigonPetro bày tỏ: “Hôm thứ 3 tuần trước, trước khi có chuyện thay đổi tỷ giá, tôi đã có làm văn bản đề nghị tăng giá xăng lên 1.600 đồng/lít, 2.000 đồng/dầu diesel và không tăng xả Quỹ. Giờ, nếu cần kiến nghị tăng thì mức tăng giá sẽ lớn hơn".

Nói về việc giá xăng dầu đã được bù lỗ từ Quỹ bình ổn, cả hai doanh nghiệp này đều “giãy nảy” khẳng định, Quỹ đã sạch trơn từ lâu, còn đâu mà xả bù lỗ!

Lãnh đạo SaigonPetro nói: "Giờ tiếp tục bù giá xăng từ Quỹ, tức là Quỹ sẽ bị âm. So với mức trích lập Quỹ là 300 đồng/lít, kg, mức sử dụng hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Tài chính đã gấp tới 8 lần. Như vậy, chỉ sử dụng Quỹ một tháng theo mức xả hiện hành thì doanh nghiệp sẽ phải trích 1 năm mới đủ bù lại số âm đó. Chẳng lẽ, trong 1 năm đó, không có lúc nào sử dụng Quỹ? Chúng tôi sẽ phải đi vay ngân hàng để bù vào phần âm đó với lãi suất 17-18%/năm".

Các doanh nghiệp này đều bày tỏ, chỉ sợ nhất là kịch bản tái diễn như hồi tháng 7/2008, do nén giá xăng dầu quá lâu, rốt cục, Bộ Tài chính lại cho giá nhảy vọt lên 4.500 đồng/lít xăng. Còn theo cơ chế hiện này, người tiêu dùng trước mắt lợi vì giá xăng thấp, nhưng lâu dài, cũng sẽ thiệt. Vì khi bù lỗ từ Quỹ người dùng xăng nhiều, là người đi ôtô, là người giàu, sẽ được bù nhiều, người sử dụng xăng ít, tiết kiệm lại được bù ít.

Vì mục tiêu bình ổn thị trường, nguyên tắc là Chính phủ phải xem xét đầy đủ các biện pháp đồng bộ, chứ không thể kéo dài mãi bằng mệnh lệnh hành chính áp lên ngành xăng dầu.

Phạm Huyền

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Bình ổn giá xăng dầu: Vẫn vướng nhiều thứ (11/02/2011)

>   Giá gas bám đuổi USD (11/02/2011)

>   Bộ Tài chính ra yêu cầu chưa tăng giá xăng dầu (10/02/2011)

>   OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2011 (10/02/2011)

>   EU đa dạng nguồn cung khí đốt, Gazprom gặp khó (10/02/2011)

>   Tiếp tục bình ổn giá xăng dầu (10/02/2011)

>   Sức hấp dẫn của vàng đen Nga (10/02/2011)

>   Điện, than, xăng dầu sẽ tiếp tục bị kiểm soát giá (08/02/2011)

>   Giá dầu lại tăng, vượt ngưỡng 100 USD mỗi thùng (07/02/2011)

>   Giá dầu vượt 100 USD vì Ai Cập (01/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật