Sức hấp dẫn của vàng đen Nga
Sau BP, đến lượt Exxon Mobil và nhiều tập đoàn dầu khí khổng lồ khác đang quay lại Nga để khai thác dầu dưới biển. Dù vậy, vàng đen của Nga không phải dễ kiếm và còn ẩn chứa bao trắc trở.
Cuối tháng 1-2011, tập đoàn dầu số 1 của Mỹ là Exxon Mobil đã ký hợp đồng thăm dò dầu khí trên biển Đen với công ty dầu khí lớn nhất của Nga là Rosneft. Theo thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập một công ty liên doanh để thăm dò và phát triển một dự án khai thác dầu ở vùng biển nước sâu trong khu vực Tuapse Trough trên biển Đen. Exxon Mobil sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD cho hoạt động thăm dò, còn Rosneft cam kết sẽ cho phép Exxon Mobil được khai thác sau khi phát hiện dầu. Giới chuyên gia Nga ước tính khu vực Tuapse Trough có thể chứa tới 7,3 tỉ thùng dầu thô. “Dự án này sẽ là khởi điểm chương trình phát triển (dầu khí) toàn biển Đen” - Phó thủ tướng Nga Sechin kiêm tổng giám đốc Rosneft mô tả.
Điểm đến của các “đại gia”
Trước Exxon Mobil, Hãng BP của Anh đã liên doanh với Rosneft để thăm dò, khai thác dầu khí ở một khu vực rộng 125.000km2 trên biển Nam Kara thuộc vùng thềm lục địa Bắc Cực của Nga. Giới lãnh đạo dầu khí Mỹ lúc đó lo ngại thỏa thuận này đã đẩy Mỹ ra ngoài cuộc chơi ở Bắc Cực. “Mỹ không có một chính sách ra hồn ở Bắc Cực, còn Nga đang đi trước tất cả - ông Gal Luft, giám đốc Viện Nghiên cứu toàn cầu, bình luận - Mỹ đang ngủ quên trên vôlăng tại một khu vực chứa tới 25% trữ lượng dầu khí toàn cầu”. Ông John Hofmeister, cựu tổng giám đốc Hãng Shell Oil, cho rằng Mỹ đang bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua ở Bắc Cực.
Nga đang là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Điểm hấp dẫn nhất của Nga chính là việc Matxcơva sẵn sàng khai thác dầu khí ngoài khơi, trong khi các quốc gia đặt nặng vấn đề môi trường như Mỹ tỏ ra e ngại. Do đó không chỉ BP và Exxon Mobil quay lại Nga, một “đại gia” khác là Chevron mới đây đã đồng ý tham gia thăm dò dầu khí ở các khu vực ven biển nước Nga. Tập đoàn Royal Dutch Shell - từng buộc phải bán 50% cổ phần trong dự án Sakhalin II trị giá 20 tỉ USD cho Hãng Gazprom - đang tỏ ra rất hào hứng với lời mời tham gia dự án Sakhalin III và Sakhalin IV của Nga ở vùng biển Thái Bình Dương.
Sự hợp tác này đang có lợi cho cả hai bên. “Vấn đề lớn nhất của các “đại gia” dầu khí toàn cầu là khả năng tiếp cận các mỏ dầu - nhà phân tích năng lượng Peter Hitchens của Hãng Panmure Gordon nhìn nhận - Mà Nga có trữ lượng dầu khổng lồ”. Ngược lại, “luật pháp Nga cho Rosneft độc quyền khai thác các mỏ dầu ngoài khơi, nhưng hãng này thiếu công nghệ để thực hiện nhiệm vụ đó - nhà phân tích dầu khí Valery Nesterov của Ngân hàng Troika Dialog ở Matxcơva cho biết và nhấn mạnh - Giải pháp duy nhất là hợp tác với các công ty nước ngoài”.
Điều kiện thời tiết ở biển Đen không khắc nghiệt như Bắc Cực, nhưng Rosneft sẽ phải khoan giếng ở độ sâu 2.000m để bơm dầu. Việc kiếm được dầu sẽ không hề dễ nếu không có công nghệ của Exxon Mobil. Các tập đoàn phương Tây đang đặt cược vào công nghệ và kỹ năng của mình để tìm chỗ đứng ở Nga.
Dầu Bắc Cực không rẻ
Khu vực Bắc Cực của Nga hiện vẫn được xem là hấp dẫn và giàu tiềm năng nhất. Theo ước tính của các nhà khoa học Nga, chỉ riêng khu vực biển Nam Kara đã có thể chứa tới 35 tỉ thùng dầu và 10.000 tỉ m3 khí đốt. Thế nhưng một nghiên cứu mới đây của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho thấy khai thác dầu ở Bắc Cực không hề dễ dàng.
Tháng 10-2010, Công ty Scotland Cairn Enery đã chi 246 triệu USD thăm dò dầu khí vùng biển ngoài khơi đảo Greenland mà chẳng tìm thấy giọt dầu nào. Chi phí khai thác cũng cực kỳ đắt đỏ. Ví dụ, với chi phí đầu tư khoảng 100 USD/thùng chỉ có thể khai thác 2,5 tỉ thùng dầu. Và để chạm đến các mỏ dầu nằm sâu trong Bắc Cực, các công ty sẽ phải đổ thêm rất nhiều tiền. Kể cả khi các tập đoàn sẵn sàng bỏ ra mức đầu tư 300 USD/thùng dầu cũng chỉ có thể khai thác 4,1 tỉ thùng. “Tất cả chi phí đó chưa hề bao gồm một đồng thuế nào” - nhà nghiên cứu Don Gautier của USGS cho biết. Khi BP mới ký hợp đồng với Rosneft, nhà phân tích Valery Nesterov đã cảnh báo chỉ riêng chi phí khoan giếng dầu qua các tảng băng dày ở độ sâu 100-200m đã có thể lên đến 200 triệu USD/giếng. Vào thập niên 1970, các nhà khoa học Canada đã thực hiện một số dự án thăm dò dầu khí ở Bắc Cực, nhưng phải ngừng các chương trình khoan thăm dò vì xác định chi phí sản xuất thương mại quá cao.
Đó là còn chưa kể đến những nguy cơ thường trực về môi trường. Chuyên gia Alexander Shestakov của Quỹ thiên nhiên hoang dã (WWF) khẳng định ngành dầu khí chưa phát triển được công nghệ để làm sạch dầu loang ở khu vực Bắc Cực và cảnh báo một vụ tràn dầu có tác động tương đương một thảm họa Chernobyl. Tuy nhiên, những cảnh báo đó không làm các quốc gia và tập đoàn dầu khí chùn bước. Bên cạnh BP và Rosneft, các công ty như Shell hay Statoil đã xin được giấy phép thăm dò dầu khí dọc bờ biển phía tây Greenland. Cuộc đua Bắc Cực nói riêng và cuộc đua đến các giếng dầu Nga vẫn đang cực kỳ nóng bỏng.
Hiếu Trung (Theo RIA, Der Spiegel, WSJ)
Tuổi Trẻ
|