Giá dầu biến động trái chiều trên các thị trường
Trong phiên 25/1 tại New York, giá dầu đi xuống trước những số liệu bi quan về kinh tế Mỹ. Tuy nhiên đến chiều 26/1 tại châu Á, giá nhiên liệu này đã lấy lại được đà đi lên, trong bối cảnh các nhà giao dịch nhìn thấy cơ hội kiếm lời khi giá hạ.
Ngày 25/1, giá dầu ngọt nhẹ tại New York giao tháng 3/2011 giảm 1,68 USD so với phiên trước xuống 86,19 USD/thùng, sau khi đầu phiên rơi xuống 86,12 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2010; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2011 tại London giảm 1,36 USD/thùng xuống 95,25 USD/thùng.
Đến chiều 26/1 tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2011 tăng 22 xu lên 86,41 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 3/2011 tăng 40 xu lên 95,65 USD/thùng.
Theo giới phân tích, "vàng đen" giảm giá trong phiên 25/1 là do thông tin của Standard & Poor's/Case-Shiller cho biết trong tháng 11/2010, giá nhà đất tại Mỹ tiếp tục giảm tháng thứ năm liên tiếp, gây sức ép lên đà phục hồi kinh tế của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, "cú sốc" về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Anh (GDP giảm 0,5% trong quý 4/2010) cũng làm dấy lên mối lo sợ nhu cầu dầu mỏ sẽ sụt giảm.
Kể từ quý 3/2009, đây là lần đầu tiên kinh tế Anh giảm sút, ngược hoàn toàn với dự đoán tăng trưởng 0,4% của giới phân tích.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến dầu thô giảm giá trong tuần này là tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút, Ali al-Naimi, cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trên thế giới và "hạ nhiệt" giá nhiên liệu này. Hiện Arập Xêút là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới./.
Trà My
Vietnam +
|