Vốn ngoại chọn mặt CTCK… gửi vàng
Với mức độ cạnh tranh thuộc hàng gay gắt nhất trong các ngành tại Việt Nam, gọi vốn ngoại và có sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được coi là xu thế tất yếu của các CTCK Việt Nam. Trước thực trạng thị trường như hiện nay, nhiều ý kiến nhận định, đầu tư vào các CTCK có tên tuổi và triển vọng phát triển tốt sẽ là xu hướng chủ đạo của vốn ngoại so với việc thành lập mới CTCK 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại cổ phần chi phối của các CTCK Việt Nam để tự quản lý kinh doanh.
Chọn tên tuổi
Trong chương trình xúc tiến đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Nhật Bản tháng 6/2010, CTCK Dầu khí (PSI) đã tiếp xúc và làm việc với các đối tác tại Nhật Bản. Tháng 9/2010, một trong các đối tác này đặt vấn đề muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của PSI. Sau hơn 3 tháng thảo luận, đàm phán, tháng 1/2011, PSI đã hoàn tất quá trình thương thảo và tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với đối tác Nhật Bản vào cuối tháng 2. Đối tác nước ngoài sẽ mua 14,9% vốn điều lệ của PSI trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2011, nâng số vốn điều lệ của Công ty lên gần 600 tỷ đồng.
Ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc PSI cho biết, có hai lý do chính khiến phía đối tác nước ngoài đầu tư vào PSI. Thứ nhất, tiềm năng của TTCK Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thứ hai, năng lực và khả năng phát triển bền vững của PSI. "TTCK Việt Nam có tiềm năng lớn và là địa chỉ đầu tư ra nước ngoài thứ hai của đối tác này, sau Hồng Kông", ông Huy cho biết.
CTCK FPT (FPTS) đang trong quá trình đàm phán bán cổ phần cho đối tác nước ngoài là SBI Holdings Inc (Nhật Bản). Theo đề nghị, SBI Securities (thành viên của SBI Holdings) sẽ nắm 20% cổ phần tại FPTS bằng cách mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm. Hiện FPTS có vốn điều lệ 440 tỷ đồng. Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS cho biết, trong thời điểm hiện tại, FPTS chưa có nhu cầu gọi thêm vốn, song nếu xét đến lộ trình phát triển trong tương lai thì việc có thêm đối tác chiến lược nước ngoài là cần thiết. Hai bên đang trong quá trình đàm phán, mức giá kỳ vọng chưa được tiết lộ song thị trường có thông tin: phía nước ngoài có thể trả giá FPTS 4 chấm. Theo Nghị quyết ĐHCĐ của FPTS, mức giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn 18.000 đồng/CP.
Trên thực tế, TTCK ảm đạm khiến cho việc đàm phán giá của các CTCK gặp khó khăn. Đơn cử, có thời điểm, TTCK giảm mạnh khiến cho giá cổ phiếu của PSI xuống dưới 12.000 đồng/CP (giá bán cho đối tác nước ngoài PSI xin ý kiến cổ đông không thấp hơn 15.000 đồng/CP). Mặc dù đây chỉ là ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam, không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp nhưng cũng gây nhiều bất lợi trong đàm phán đối với các CTCK.
Đầu tư tài chính - xu hướng chủ đạo?
Cạnh tranh giữa các CTCK Việt Nam đang diễn ra ngày càng gay gắt. Một doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, nhân sự trình độ cao, quy trình và kinh nghiệm hoạt động quản lý tốt sẽ có nền tảng vững chắc, ưu thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Để tận dụng được ưu thế này từ phía các đối tác, các CTCK Việt Nam có xu hướng tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài thật sự hỗ trợ cho hoạt động của họ hơn chỉ là một cổ đông nước ngoài đầu tư tài chính thông thường.
Từ năm 2012, Việt Nam sẽ mở cửa TTCK cho phép các CTCK 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Thực tế, ngay từ thời điểm này, với chi phí giá vốn đầu tư thấp, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm quyền chi phối và điều hành tại CTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hoạt động của những CTCK có dạng thức trên thì ngoại trừ Kim Eng mới ngấp nghé Top 10 CTCK, các CTCK khác như VinaSecurities, Mekong Securities CBVWoori, Golden Bridge, KIS Việt Nam, Kenaga, Morgan Stanley Hướng Việt, Phú Hưng, Hoa Anh Đào… chưa tạo ra thay đổi ấn tượng trong mắt nhà đầu tư sau khi cổ đông nước ngoài nắm quyền điều hành chủ yếu.
Đầu tư tài chính hay bỏ vốn, trực tiếp điều hành, nhà đầu tư đều có mục đích tìm kiếm và tối đa hóa lợi nhuận, tuy nhiên, TTCK Việt Nam có những đặc thù nhất định, không hẳn sản phẩm, công nghệ nào ở nước ngoài cũng ứng dụng hiệu quả tại đây. Thực tế ấy là lý do các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bỏ vốn một phần vào những CTCK có nền tảng cơ bản tốt, vừa tham gia đầu tư tài chính, vừa hỗ trợ CTCK có điều kiện tốt hơn để bứt phá thay vì lập mới hoặc mua cổ phần chi phối tại một CTCK chưa tên tuổi để làm mới từ đầu.
Anh Việt
Đầu tư chứng khoán
|